Thực trạng hẩm hiu của các dự án "tỉ đô" khai sinh năm 2008

15/06/2013 18:58 PM | Kinh doanh

Trong số 11 dự án “tỉ đô” được cấp phép năm 2008, nay nhiều dự án đang phải đối mặt với một thực trạng buồn. Có dự án bị rút giấy phép đầu tư, còn có dự án sau 5 năm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.

Hàng loạt dự án bị “khai tử”

Năm 2008 được coi là thời kì "hoàng kim" của FDI vào Việt Nam với 11 siêu dự án "tỉ đô". Theo đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng kí tại Việt Nam năm 2008 đã đạt con số kỉ lục, hơn 64 tỉ USD, gấp gần 3 lần năm 2007.

Thế nhưng nhiều siêu dự án được cấp phép ngày ấy lại có kết thúc "không có hậu". Danh sách các dự án "tỉ đô" của năm 2008 bị rút giấy phép đầu tư liên tục nối dài.

Trong lễ trao giải Rồng Vàng năm 2008 (giải thưởng dành cho những doanh nghiệp FDI có thương hiệu tốt và nhiều đóng góp cho nền kinh tế), Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã trao kỉ niệm chương để tôn vinh 11 chủ đầu tư có dự án có vốn đăng ký trên 1 tỉ USD vào Việt Nam, ngoài những doanh nghiệp FDI hoạt động tốt như mọi năm.

Tháng 9-2008, dự án Khu liên hiệp thép Cà Ná là liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng Tập đoàn Lion (Malaysia) với vốn đầu tư 9,8 tỉ USD được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án được khởi công từ tháng 11-2008 với mục tiêu là xây dựng tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng một năm.

Song tháng 2-2011 UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án do chủ đầu tư không có năng lực tài chính, thiếu năng lực và kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực thép, thiếu quyết tâm trong triển khai dự án.

Dự án thứ hai bị “phá sản” là dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, được UBND TP.Hồ Chí Minh cấp phép ngày 11-6-2008, khởi công vào tháng 7-2008 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD.

Đây là dự án liên doanh giữa Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn với Công ty TA Assiociates International Pte.Ltd.(Singapore). Dự án từng được xem là lớn nhất khu vực ASEAN và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2012.

Nhưng tháng 11-2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, không trả tiền thuê đất và chậm thanh toán các khoản lãi phát sinh.

Cũng được cấp phép năm 2008, dự án Khu công viên văn hóa thế giới kì diệu của Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam cùng chung số phận với nhiều dự án “tỉ đô” khác. Dự án này do tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư 100% vốn tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,3 tỉ USD. Tháng 2-2012, sau 4 năm cấp phép, chủ đầu tư là Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam không triển khai được dự án, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Chưa phải đối mặt với khả năng rút giấy phép đầu tư, song tiến độ thi công các siêu dự án khác được cấp phép trong năm 2008 lại khá chậm chạp, có dự án trong tình trạng “bất động”.

Dự án nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh và cảng nước sâu Sơn Dương, có vốn đăng ký đầu tư 7,9 tỉ USD, do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) khởi công từ tháng 7-2008 nhưng đến tháng 12-2012 mới chính thức thi công. Hồi cuối năm 2012, Formosa đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 7,9 tỉ USD lên 9,9 tỉ USD và mới đây đang xin tăng vốn đầu tư lên 28,5 tỉ USD.

Với số vốn 9,9 tỉ USD, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số hơn 14.500 dự án đang còn hiệu lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, tiến độ triển khai dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City do Tập đoàn New City (Brunei) đầu tư 4,3 tỉ USD tại Phú Yên vào năm 2008 cũng đang trong tình trạng “rùa”. Theo kế hoạch, đến năm 2017 dự án trải rộng trên diện tích 565 ha này phải cơ bản hoàn thành. Nhưng đến đầu tháng 3-2013 UBND tỉnh Phú Yên mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án khu du lịch liên hợp cao cấp này.

Còn dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip do Tập đoàn Asian Coast Development Limited (ACDL) đầu tư 4,23 tỉ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang khá “mịt mờ” ngày ra mắt. Sau khi đối mặt với nguy cơ bị rút giấy phép do chậm tiến độ vào năm 2010, hiện nay chủ đầu tư lại đang vướng phải “lùm xùm” khác.

Tổng giám đốc Điều hành của ACDL thậm chí đã kiện chủ đầu tư dự án lên tận tòa án Mỹ với lí do ông bị ACDL rút hết quyền điều hành từ hồi tháng 4, chỉ 2 ngày sau khi ACDL chính thức được Chính phủ Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm cả việc cho phép Hồ Tràm Strip đưa hạng mục casino vào hoạt động trước thời hạn so với Giấy chứng nhận đầu tư trước đây. Cho tới thời điểm này, Hồ Tràm Strip vẫn chưa hoạt động theo như kế hoạch ban đầu là vào đầu năm 2013.

Điểm lại “số phận” của các dự án “tỉ đô” được ào ạt cấp phép năm 2008 để thấy rằng, số vốn đăng kí “khủng” của các dự án FDI không nói lên được nhiều điều. Bài học thu hút FDI năm 2008 hy vọng sẽ được các địa phương và cơ quan quản lí nhìn nhận trước bối cảnh năm 2013, nhiều dự án “tỉ đô” khác đang xếp hàng vào Việt Nam. 

Năm 2009, có 3 dự án “tỉ đô” được cấp phép là dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam (4,15 tỉ USD), dự án Công ty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai (2 tỉ USD) và dự án Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam (1,68 tỉ USD). Thế nhưng, điều đáng buồn là đến nay, cả ba dự án đều bị rút giấy phép đầu tư do quá thời hạn 12 tháng mà không triển khai dự án. 


Theo Lương Bằng

duchai

Cùng chuyên mục
XEM