Thu được gần 7.000 tỷ đồng từ thoái vốn ngoài ngành

27/03/2015 10:11 AM | Kinh doanh

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực bất động sản được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được đẩy nhanh.

Báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước quý I-2015 của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy: Tính đến ngày 24-3-2015, cả nước đã thoái được 4.937 tỷ đồng, thu về gần 7.000 tỷ đồng, gấp 1,42 lần giá trị sổ sách.

Trong tổng số gần 7.000 tỷ đồng thu được, việc thoái vốn khỏi bất động sản chiếm 3.177 tỷ (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính thu được 622 tỷ đồng, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác thu được 3.187 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ cao hơn 95% so với giá trị sổ sách, chiếm 45,6% tổng giá trị thu về từ thoái vốn.

Đơn vị thoái vốn có kết quả tốt nhất là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với giá trị thu về đạt 3.169 tỷ đồng. Trong số này, riêng số vốn rút về từ 2 công ty Phát triển đô thị Vinaconex và TNHH Phát triển nhà Viettel (Hancic) đã vượt 3.000 tỷ. Các khoản đầu tư vào địa ốc cũng được nhiều doanh nghiệp khác thu lại, nhưng ở quy mô nhỏ, chỉ khoảng vài tỷ đồng mỗi trường hợp.

Những "ông lớn" xuất hiện tiếp theo trong danh sách doanh nghiệp có mức thoái vốn cao là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) khi đem về trên 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) thu gần 600 tỷ, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) 526 tỷ đồng…

Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận định: Việc thoái vốn của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn diễn ra chậm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến thẩm định. Việc bán đấu giá cổ phần theo lô chưa có hướng dẫn.

Theo kế hoạch năm 2015, cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp (chưa kể số sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới). Tính đến ngày 24-3, 289 doanh nghiệp này đã thành lập Ban chỉ đạo.

Song trong 3 tháng đầu năm, cả nước mới có 29 doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong số 260 đơn vị còn lại, mới có 81 trường hợp xác định được giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, con số phải hoàn thành trong năm nay vừa được Thủ tướng yêu cầu bổ sung 106 doanh nghiệp.

Một trong những hạn chế dẫn đến quá trình cổ phần hóa chậm là vướng mắc trong xác định giá trị. Việc định giá các khoản đầu tư tài chính khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, xác định cổ phiếu bán cho người lao động... cũng là vướng mắc được nhắc đến.

Những đơn vị chậm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Hải Dương, Bình Dương, Lào Cai và thành phố Hải Phòng.

Đề cập đến nhiệm vụ 9 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo đề nghị: Đối với các doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II-2015, phần đấu trong quý III-2015 tất cả được công bố giá trị doanh nghiệp và quý IV-2015 hoàn thành cổ phần hóa.

Những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo quy định hiện hành. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước...

>> VNPT thoái vốn vẫn lãi

Theo Lương Bằng

Cùng chuyên mục
XEM