Thị trường smarphone bão hòa, Samsung đầu tư xây nhà máy sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới

18/12/2015 16:51 PM | Kinh doanh

Tập đoàn sản xuất điện thoại di động nổi tiếng Samsung đang tăng cường sản xuất... thuốc sinh học, một loại dược phẩm được làm từ các sản phẩm sinh học như máu, nội tạng, tế bào gốc hay mô ghép.

Trong 4 năm qua, Samsung đã đầu tư 2,74 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất và phòng nghiên cứu dược phẩm tại Hàn Quốc.

Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tập đoàn này không chỉ muốn nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử mà còn mở rộng sang nhiều ngành kinh doanh khác. Hiện hãng đang sản xuất loại thuốc chống ung thư được phát triển bởi công ty danh tiếng Bristol Mayers Squibb.

Mục tiêu của Samsung trong thời gian tới là trở thành nhà sản xuất hợp đồng thuốc lớn nhất cho những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới

Động thái đẩy mạnh kinh doanh trong ngành thuốc sinh học được coi là một thử thách đối với người kế nhiệm Lee Jae-yong của Samsung. Các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư hiện đang theo dõi xem liệu vị giám đốc 47 tuổi này có đạt được thành tích như cha ông, Chủ tịch Lee Kun-hee đã làm với mảng chất bán dẫn và điện thoại di động hay không.

Theo Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, sự phát triển mạnh mẽ của ngành dược phẩm sinh học có thể hỗ trợ tăng trưởng cho Samsung trong tình hình doanh số mảng di động và chip điện tử giảm tốc.

Hãng Evaluate Ltd dự báo doanh số toàn cầu của ngành thuốc sinh học có thể tăng từ mức 184 tỷ USD từ đầu năm đến nay lên 278 tỷ USD vào năm 2020. Mặc dù con số này chỉ bằng 1/4 so với doanh số của các loại dược phẩm thông thường khác nhưng mức lợi nhuận biên của thuốc sinh học lại cao hơn rất nhiều.

Tập đoàn Samsung ước tính doanh thu từ mảng dược phẩm sinh học sẽ tăng từ 28 tỷ USD từ đầu năm đến nay lên 42 tỷ USD vào năm 2020.

Những nguồn tin thân cận cho biết Phó Chủ tịch Lee hiện đang vô cùng bận rộn trong việc phát triển mảng thuốc sinh học. Nhà lãnh đạo trẻ này đã thuê nhiều chuyên gia trong ngành cũng như tham dự các cuộc họp với khách hàng hay công ty dược phẩm sinh học.

Việc phát triển mảng kinh doanh mới đang khiến Samsung phải chi tiêu khá nhiều. Trong 4 năm qua, hãng đã chi 1 tỷ USD để xây các nhà máy sản xuất thuốc và 1 tỷ USD nữa cho cho các phòng nghiên cứu.

Tháng 11/2015, Samsung tuyên bố xây dựng nhà máy sản xuất thuốc sinh học lớn nhất thế giới và công trình này sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Mặc dù tổng giá trị của dự án trên chỉ vào khoảng 740 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với công trình 13,3 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của Samsung, nhưng dự án này có thể khiến tập đoàn trở thành công ty sản xuất hợp đồng thuốc sinh học lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Samsung xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp sản xuất hợp đồng dược phẩm sinh học, sau tập đoàn Lonza của Thụy Sĩ và Boehringer Ingelheim GmbH của Đức.

Giám đốc mảng dược phẩm sinh học của Samsung, ông Kim Tae-han cho biết công ty dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất hợp đồng dược phẩm sinh học lớn, tương tự như đã làm với ngành bán dẫn khi Samsung nhận các hợp đồng thuê ngoài.


Giám đốc Kim Tea Han

Giám đốc Kim Tea Han

Động thái trên của Samsung theo nhiều chuyên gia là do quan điểm của Phó Chủ tịch Lee cũng như các lãnh đạo của tập đoàn. Theo họ, ngành bán dẫn và dược phẩm sinh học đều có điểm chung là cần nhiều vốn đầu tư nhưng cũng đem lại nhiều lợi nhuận.

Hơn nữa, cả 2 lĩnh vực đều cần những nhà máy sản xuất sạch sẽ, có chất lượng cao, quy mô lớn và hiệu quả hoạt động tốt.

Hiện Samsung đang thực hiện đúng theo chiến lược kinh doanh thành công mà hãng đã làm trong ngành bán dẫn là xây dựng những nhà máy quy mô lớn với hiệu quả hoạt động và chất lượng cao.

Nhà máy sản xuất thuốc sinh học thứ 2 được Samsung xây dựng gần sân bay với quy mô lớn gấp 5 lần nhà máy đầu tiên. Theo dự kiến, nhà máy thứ 3 của Samsung thậm chí sẽ còn lớn hơn.

Giám đốc Kim dự kiến Samsung sẽ trở thành nhà sản xuất hợp đồng thuốc sinh học lớn nhất thế giới vào năm 2020 và đạt doanh thu 3,5 tỷ USD cho mảng kinh doanh này vào năm 2025.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Samsung có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh mới này.

Yêu cầu chất lượng trong quy trình sản xuất dược phẩm sinh học cao hơn rất nhiều so với ngành bán dẫn bởi một hạt bụi nhỏ cũng có thể làm gián đoạn cả hệ thống. Hơn nữa, tất các các khu vực sản xuất cũng như nghiên cứu phải được giữ trong điều kiện vô trùng theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).

Samsung cho biết hãng đang xây dựng các nhà máy sản xuất với tiến độ nhanh gấp đôi các đối thủ trên thị trường, nhưng chất lượng của các cơ sở này như thế nào thì vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm chứng.

Năm 2013, Samsung đã ký hợp đồng với hãng dược Bristol-Myers Squibb và Roche Holding. Tập đoàn này cho biết hãng đang đàm phán với 5-6 khách hàng nữa và sẽ mở rộng nhân lực trong ngành này lên 1.700 người vào năm 2018.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đã nghiên cứu được 6 loại dược phẩm sinh học và đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh các sản phẩm này với các hãng Merck&Co, Biogen của Mỹ.

Tuy vậy, những rào cảm về pháp luật đang khiến những dược phẩm sinh học này gặp khó khi tiếp thị ra thị trường.


Phó Chủ tịch Lee Jae Yong

Phó Chủ tịch Lee Jae Yong

Hiện các nhà sản xuất thuốc sinh học đang không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra những sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này khiến Samsung dự định IPO mảng nghiên cứu dược phẩm sinh học (Samsung Bioepis) trên sàn NASDAQ vào năm tới với tổng giá trị ước tính khoảng 1 tỷ USD. Mảng sản xuất thuốc sinh học (Samsung BioLogics) cũng đang được xem xét để IPO.

Theo nhiều chuyên gia, phát triển ngành dược phẩm sinh học đang là ưu tiên hàng đầu của Samsung so với những mảng kinh doanh mới khác bởi nhà lãnh đạo trẻ Lee Jae Yong đang cần chứng minh năng lực bản thân.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM