Thách thức của chiến lược giá rẻ

06/12/2014 10:01 AM | Kinh doanh

Tại Việt Nam, cuộc chiến về giá thực chất đã âm thầm diễn ra từ lâu giữa các nhà bán lẻ.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Big C tung ra chương trình "Cam kết giá” cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh cùng với cam kết tặng sản phẩm miễn phí nếu khách hàng tìm thấy tại các siêu thị bán lẻ hiện đại các sản phẩm tương đương với mức giá rẻ hơn so với giá bán tại Big C.

Có thể nói đây là một chương trình định vị hình ảnh tương đối táo bạo nhưng cũng bộc lộ một số điểm khiến nó có thể bị các đối thủ phản công bất cứ lúc nào.

Một số người cho rằng chương trình "Cam kết giá” dự báo sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến "giá rẻ” trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Đã từ nhiều năm, Big C luôn kiên trì xây dựng hình ảnh của mình gắn liền với yếu tố giá rẻ.

Việc lựa chọn phân khúc giá rẻ cũng là chiến lược kinh doanh của Big C và được hiện thực hóa qua một loạt các hoạt động marketing và PR với khẩu hiệu "Giá rẻ cho mọi nhà”. Cách làm của Big C hiện nay tương tự như Walmart tại Mỹ và gặt hái được nhiều thành công.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cuộc chiến về giá thực chất đã âm thầm diễn ra từ lâu giữa các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ đều xác định cung cấp các sản phẩm giá tốt tới khách hàng. Hàng loạt chương trình khuyến mãi, chương trình ưu đãi, giảm giá được các nhà bán lẻ liên tục thực hiện hằng tháng và thậm chí là hằng tuần với mức giá chiết khấu có mặt hàng lên tới 50%.

Chương trình "Cam kết giá” của Big C được thực hiện ngay sau khi doanh nghiệp có tân tổng giám đốc, ông James Scott, người trước đây đã từng làm sếp của Metro Cash & Carry Việt Nam. Thực chất chương trình lần này nhằm tiếp tục củng cố hình ảnh công ty trong phân khúc giá rẻ.

Theo các nhà quản lý, cạnh tranh về giá không hẳn đã là một chiến lược tốt nếu như doanh nghiệp bán lẻ chưa thực sự có được ưu thế trong đàm phán về giá. Điều này có thể được so sánh thông qua mạng lưới và quy mô các trung tâm phân phối và bán lẻ đang hiện diện.

Cho đến nay, Big C có 29 siêu thị cùng một số cửa hàng thuộc chuỗi C Express và New Chợ so với 71 siêu thị của Co.opmart, 82 cửa hàng Co.opFood và Co.opExtra.

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không có ưu thế trong đàm phán về giá, rất có thể doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn bán các sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Đối với nhiều người Việt, suy nghĩ "tiền nào của đấy" và giá rẻ sẽ luôn đi kèm theo chất lượng thấp đã in sâu trong tâm trí.

Vì vậy, "giá rẻ” vừa có thể được coi là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu để các đối thủ có thể khai thác và phản công. Mặt khác, mỗi một nhà bán lẻ đều có chiến lược giá riêng để có thể cạnh tranh với các đối thủ. Các nhà bán lẻ có thể giảm mạnh giá ở một số nhóm mặt hàng tùy thuộc vào thời điểm.

Điều này có nghĩa nhà bán lẻ có thể sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận biên, thậm chí bán lỗ một số mặt hàng sau đó dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" để chứng minh cam kết của đối thủ là không đúng sự thật.

Chính việc cạnh tranh về giá sẽ tạo sức ép lớn đối với các nhà cung cấp cho các siêu thị. Đi kèm theo chiến lược giá rẻ là lợi nhuận biên của doanh nghiệp bán lẻ sẽ sụt giảm dẫn tới việc cắt giảm các ưu đãi cho khách hàng và thậm chí là phúc lợi của chính nhân viên cũng bị ảnh hưởng.

Sự phàn nàn của nhà cung cấp và sự không hài lòng của nhân viên cũng sẽ có thể là một thách thức lớn đối với bất cứ hệ thống siêu thị nào chạy theo chiến lược giá rẻ.

>> Apple: tung ra sản phẩm giá rẻ là một sai lầm!

Theo QUANG ANH

Cùng chuyên mục
XEM