Tập đoàn Nhật Bản sẽ sở hữu gần 1/3 điện máy Trần Anh

04/04/2015 10:09 AM | Kinh doanh

Nojima và Trần Anh đã “bén duyên” vào giữa năm 2013 – thời điểm Trần Anh tụt dốc đến bất ngờ.

Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCP Thế giới số Trần Anh (Mã chứng khoán: TAG) diễn ra chiều 3/4, đại hội đã thông qua việc Tập đoàn Nojima Corporation sẽ mua/nhận chuyển nhượng hơn 3,7 triệu cổ phần của Aureos Capital, dẫn đến sở hữu hơn 25% cổ phần của Trần Anh mà không phải chào mua công khai.

Trước đó, Nojima đã sở hữu 10,1% cổ phần Trần Anh. Với việc chuyển nhượng này, Nojima nâng tỷ lệ sở hữu tại Trần Anh lên tới 30,78%.

Cùng với việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Trần Anh, Nojima cũng đề cử thêm 2 thành viên vào Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2014 – 2019. Đó là ông Okawa Youshiteru - tư vấn cấp cao đặc biệt tại Nojima; và ông Noguchi Atsushi – Phó trưởng phòng dự án nước ngoài tại Nojima.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng của mình, sử dụng các kinh nghiệm đã tích lũy từ Nhật để hỗ trợ Trần Anh. Hy vọng cùng với ban lãnh đạo và các cổ đông, sẽ đưa Trần Anh lên một tầm vóc mới hơn”, ông Okawa cho biết.

Nojima và Trần Anh đã “bén duyên” vào giữa năm 2013 – thời điểm Trần Anh tụt dốc đến bất ngờ. Sau nhiều năm lợi nhuận sau thuế luôn đạt 2 con số với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh luôn ở mức cao, năm 2013, hoạt động kinh doanh của Trần Anh bị lỗ gần 3,4 tỷ đồng, trong khi kỳ trước đó lãi gần 41 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 1,3 tỷ đồng, bằng 4,1% lợi nhuận ròng của năm 2012.

Cuối tháng 10/2013, Nojima đã cử người sang làm việc lâu dài cùng Trần Anh để hoàn thiện các kế hoạch đã được 2 bên thống nhất. Thời gian sau đó, Nojima cũng tăng cường đầu tư vào Trần Anh.

Với sự hợp tác này, kết thúc năm 2014, công ty đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 tỷ đồng và sau thuế 3,94 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh đã có lợi nhuận, đạt 7,5 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ hơn 2,4 tỷ đồng.

Kế hoạch cho năm 2015, Trần Anh đặt mục tiêu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.323 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 8,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,8 tỷ đồng. Công ty cũng đặt kế hoạch mở mới 7 – 9 siêu thị trên cả nước, đồng thời tái cơ cấu 1 – 2 siêu thị hoạt động kém hiệu quả.

Trần Anh là công ty thứ hai trong ngành điện máy gây shock với thông tin tỷ lệ sở hữu khá lớn của doanh nghiệp nước ngoài. Trước đó, Nguyễn Kim cũng đã khiến điện máy trở thành chủ đề nóng khi công bố Central Group – một tập đoàn lớn của Thái Lan mua tới 49% cổ phần của công ty điện máy này.

>> Bán lẻ điện máy: Thị trường một trăm nghìn tỉ đang chờ đợi gì từ các tay chơi mới?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM