Tại sao giá phòng khách sạn tại Nhật ngày một đắt “cắt cổ”?

18/12/2015 14:06 PM | Kinh doanh

Cầu vượt quá cung, khách rất khó tìm phòng. Ngoài ra khi quá thiếu phòng khách sạn, nhiều khách đã phải thuê nhà tư nhân để ở và thường thì các chủ nhà này luôn muốn trốn thuế.

Năm 2015, giới các công ty lữ hành Nhật xôn xao về thông tin một doanh nhân Nhật đi từ tỉnh khác lên Tokyo trong chuyến đi công tác đã phải thuê phòng với giá rất đắt. Theo ngân sách của công ty, anh chỉ được phép chi tiêu 8 nghìn yên cho một đêm nghỉ. Tuy nhiên anh đã không thể tìm được một phòng nào trong trung tâm với giá dưới 20 nghìn yên/đêm cho một phòng chỉ đáng tiêu chuẩn 2 sao.

Thế nhưng ngay cả như vậy anh vẫn gặp rắc rối. Vì không quen thuộc với địa bàn Tokyo, anh nhầm lẫn giữa hai địa danh Akishima và Showajima (tên tiếng Nhật của nó trông khá giống nhau), nên anh đã đặt khách sạn ở một nơi quá xa. Vì thế đêm hôm đó, anh chỉ có thể ngủ rất ít bởi sáng phải dậy sớm đi 1 tiếng rưỡi tàu đến buổi hẹn.

Trường hợp của người khách nam này cho thấy tình trạng thiếu phòng khách sạn đang diễn ra rất phổ biến không chỉ tại Tokyo mà còn nhiều thành phố du lịch khác của Nhật. Chính vì vậy, nếu khách có nhu cầu đặt phòng gấp sẽ phải trả mức giá “cắt cổ”.

Số liệu từ Tổng cục du lịch Nhật cho thấy tỷ lệ kín phòng tại các khách sạn chuyên phục vụ giới doanh nhân ở Osaka tăng vọt từ 78,6% vào năm 2013 lên mức 85,4% vào tháng 5/2015. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Fukuoka và Sapporo.

Tình trạng khan hiếm phòng khách sạn hay nói cách khác là việc nguồn cung phòng khách sạn không theo kịp tốc độ phát triển của ngành du lịch cũng đã được nhắc đến trong bài báo “Winners and losers in the hotel price increase war” dịch là “Kẻ thắng người thua trong cuộc chiến tăng giá phòng khách sạn” đăng trên báo Shukan Bunshun. Theo đó, những khách sạn hạng nhất tại nhiều thành phố du lịch lớn của Nhật đã đua nhau tăng giá phòng trong thời gian gần đây.

“Số lượng khách du lịch quốc tế tăng đột biến đã bóp méo cân bằng cung cầu và bởi bên cung có lợi thế hơn bên cầu, vì thế họ tranh thủ dịp này để kiếm lợi”, ông Yukata Nakamura, cựu chủ tịch Hiệp hội khách sạn Nhật, nhận xét.

Khi giá phòng khách sạn quá đắt, nhiều khách nước ngoài buộc phải tìm đến dịch vụ minkapu (ở tại các nhà riêng hoặc căn hộ chung cư của tư nhân). Tuy nhiên có nhiều trường hợp chủ sở hữu của các căn chung cư này dù thu được rất nhiều tiền nhưng lại không đóng thuế bởi tiền thu được chủ yếu thông qua thỏa thuận với khách hàng.

Cảnh sát Nhật đã từng phát hiện ra không ít vụ việc như vậy. Đầu tháng 12, báo Yukan Fuki đưa tin cảnh sát đã tiến hành kiểm tra bất ngờ một căn hộ chung cư trong khu nhà ở 44 tầng khu Ueno và phát hiện có 36 căn hộ âm thầm cho khách nước ngoài thuê phòng nhưng không đóng một đồng thuế nào. Mỗi khách thuê phải trả từ 6.500 yên đến 8.800 yên/đêm.

Ngoài việc trốn thuế, đó là còn chưa kể đến việc khách nước ngoài ra vào quá nhiều rất ảnh hưởng đến tình hình vệ sinh, hạ tầng của những dân trong khu vực.

Giáo sư Kazuhiro Tamai thuộc đại học Rikkyo khẳng định đã đến lúc chính phủ phải đưa ra những quy định về việc cho thuê lại căn hộ làm phòng nghỉ cho khách nước ngoài.

Những năm gần đây, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật tăng đột biến nhờ chính sách thu hút khách du lịch rất thành công của chính phủ. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu thu hút khoảng 20 triệu khách mỗi năm trước năm 2020 và ngoài ra còn muốn thu hút thêm khách du lịch nữa khi Nhật đăng cai Olympic 2020. Với tình trạng phòng khách sạn thiếu như hiện nay, lấy gì đảm bảo sẽ không lâm vào tình trạng “vỡ trận”?

Khả năng này đã được ông Nacio Cronin, giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế tại ngân hàng Tokyo’s Imperial Hotel nhắc đến trong một bài phỏng vấn vào đầu năm nay với Japan Times: “Xét đến một sự kiện lớn như Olympic, sẽ có khoảng 25 triệu người hoặc hơn thế nữa đến trong khoảng vài tháng. Nếu không có nguồn cung phòng điều tiết hợp lý, chắc chắn Tokyo sẽ vô cùng lộn xộn.”

Ông nhấn mạnh với tình trạng phòng như hiện nay, chắc chắn Nhật không thể đáp ứng được đủ chỗ ở cho khách. Không có đủ phòng và cũng không có đủ nhân lực để phục vụ cho số lượng lớn khách du lịch đến từ nhiều quốc gia và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

Tháng 11 năm nay, Nikkei Business đã tiến hành một khảo sát nhỏ với các chuyên gia ngành du lịch khách sạn tại Nhật và một số đã đưa ra gợi ý khi mà số lượng khách du lịch đến Nhật đã vượt qua con số 20 triệu trong năm nay và dự kiến có thể chạm mốc 30 triệu vào năm 2020, cần tổ chức thêm nhiều tour du lịch đưa khách về các vùng quê và nghỉ đêm tại đây.

Đài Loan đã từng rất thành công với mô hình này. Với những du khách đã đến Đài Loan nhiều lần, bộ phận bán tour du lịch các công ty gợi ý họ tìm hiểu thêm nhiều nét mới tại các khu vực nông thôn của Đài Loan hoặc đến một số khu nghỉ dưỡng nằm ở vị trí không quá xa trung tâm.

All Nippon Airways và công ty du lịch HIS Travel đã bắt đầu tổ chức các tour đi xe đạp cho khách tại các tỉnh Onomichi, Hiroshima, Imabari và Ehime cũng như 7 đảo khác tại Nhật. Và rất nhiều khách với một lượng không nhỏ đến từ Đài Loan đã đăng ký tham gia tour.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM