Tại sao Apple có thể tạo ra các thiết bị còn IBM thì không?

30/10/2014 07:43 AM | Kinh doanh

Cả Apple và IBM đều gặp thách thức trong vấn đề xác định rõ lợi ích cũng như vai trò của việc chế tạo thiết bị. Nhất là khi hiện nay, đánh giá giá trị của các dịch vụ dễ dàng hơn nhiều.

Ngày 20/10 vừa qua, Apple và IBM đã đưa ra những công bố vô cùng đối lập về lợi nhuận. Trong khi kết quả tài chính của Apple đang ở đỉnh cao nhờ vào doanh số bán phần cứng kỷ lục thì tình hình của IBM lại không hề khả quan, hãng này đang tiếp tục loại bỏ dần mảng sản xuất phần cứng giữa lúc doanh số ảm đạm.

Tuy khác biệt nhưng cả Apple và IBM đều gặp thách thức trong vấn đề xác định rõ lợi ích cũng như vai trò của việc chế tạo thiết bị. Nhất là khi hiện nay, đánh giá giá trị của các dịch vụ dễ dàng hơn nhiều.

Thực ra, Apple và IBM không khác biệt nhiều như bạn nghĩ. Cả hai đều khởi đầu trong lĩnh vực phần cứng và phân chia các nhóm khách hàng hiệu quả (IBM nhắm tới khách hàng doanh nghiệp, Apple hướng đến người tiêu dùng). Từ cuối thế kỷ 20, hai hãng này không còn quá phụ thuộc vào phần cứng nữa: IBM tập trung cho mảng dịch vụ trong suốt những năm 1990 còn Apple khai trương cửa hàng âm nhạc trực tuyến iTunes năm 2003.

Từ đây, câu chuyện bắt đầu rẽ sang hướng khác.

IBM phát triển lĩnh vực tư vấn hỗ trợ và loại bớt mảng phần cứng, chẳng hạn như bán nhãn hiệu từng thành công rực rỡ ThinkPads cho Lenovo năm 2005. Quá trình này đến nay vẫn tiếp tục với việc chuyển nhượng mảng sản xuất máy tính tiền tự động cho Toshiba và chip điện tử cho Globalfoundries.

Theo Bloomberg, kế hoạch sắp tới của IBM là bỏ dần những mảng kém lợi nhuận để tập trung hơn vào các dịch vụ liên quan đến điện toán đám mây. Hãng này kiếm được hàng tỷ USD từ việc cung cấp dịch vụ và khẳng định, những trục trặc gần đây chỉ là một vấn đề mang tính chiến lược.

Apple thì hoàn toàn ngược lại. Hãng này không chỉ duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực phần cứng mà còn ngày càng phát triển với những iPod, iPhone hay iPad, đồng thời liên tục ra mắt các dịch vụ mới như App Store và gần đây nhất là Apple Pay. Apple tiết lộ rằng những nhà phát triển ứng dụng của mình đã thu về hơn 20 tỷ USD kể từ khi phát hành App Store năm 2008, còn iTunes thì đem lại doanh thu tới 4,6 tỷ USD chỉ trong quý vừa rồi.

Vậy nếu cả hai công ty đều thành công trong việc bán các dịch vụ thì tại sao Apple vẫn sản xuất thiết bị còn IBM thì không thể?

Tất nhiên là bỏ ra 49 USD để mua chiếc iPod Shuffle khác xa so với việc ký một hợp đồng mua bán lớn với các doanh nghiệp. Mỗi công ty cũng bị ảnh hưởng bởi hàng triệu yếu tố khác nhau.

Nhưng có một sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm mà Apple làm được còn IBM thì không. Có lẽ sự kết nối hoặc phụ thuộc đó đã bị công nghệ điện toán đám mây che khuất.

Thật khó để thấy chính xác các kế hoạch của IBM có gì khác biệt và độc đáo. Người ta vẫn cần phần cứng để gửi dữ liệu vào “đám mây”, thực hiện một số thao tác trong đó rồi lại lấy dữ liệu ra. Tương tự, chúng ta cũng cần phần mềm để ứng dụng các dữ liệu.

Apple dùng phần cứng như một công cụ truy cập các phần mềm và dịch vụ. Có thể nói thương hiệu của hãng phụ thuộc vào mối liên kết đó. Apple đã xây dựng một hệ thống độc quyền về nhãn hiệu và marketing. Hãng này cũng luôn sử dụng điện toán đám mây dù hiếm khi đề cập đến, trừ khi là nói về iCloud.

IBM có thể lựa chọn cách làm tương tự. Trên thực tế, họ đã thực hiện phần nào với cam kết mới về đầu tư cho siêu máy tính Watson. IBM cũng có thể đầu tư cho những phần cứng khác, và phát triển các phương pháp mới để thực hiện lời hứa mơ hồ về việc áp dụng “đám mây” vào những thiết bị hay dịch vụ do hãng sở hữu, qua đó tạo ra lợi nhuận.

Nhiều năm qua IBM đã chứng minh được rằng họ cũng có thể chế tạo các thiết bị khá thành công. Khi CEO Ginni Rometty gọi một số mảng phần cứng trước đây của hãng là “Calo rỗng”, đó chỉ là ý kiến chủ quan chứ không phải sự thật. Chúng “rỗng” vì IBM đã quy chụp cho chúng như vậy.

Kết quả tài chính của Apple và IBM quý vừa rồi là minh chứng cho hai công ty khác nhau có những cách tiếp cận cũng rất khác cho cùng một vấn đề. Chuyên gia Jonathan Salem Baskin quan niệm, các cách tiếp cận không cần phải khác biệt đến thế. Không nhất thiết phải chọn chỉ một trong hai mảng phần cứng hoặc dịch vụ.

Trên thực tế, có lẽ kết hợp chúng với nhau sẽ tuyệt hơn là tách riêng.

>> Bí mật kinh doanh làm nên thành công của Google và Apple

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM