Sự thật này sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn về ngân hàng và tiền tệ

08/04/2015 18:02 PM | Kinh doanh

"Ngân hàng không nhận tiền gửi từ người dân và cho vay số tiền đó, mà ngược lại, các khoản vay tạo ra những khoản tiền gửi mới”.

Hơn 80 năm trước, vào những năm 30, Henry Fords đã từng có một lời tiên tri rằng, một cuộc cách mạng sẽ nổ ra ngay ngày mai nếu những người dân Mỹ hiểu ngân hàng thực sự hoạt động như thế nào. Tuần trước, điều kỳ diệu đó đã xảy ra.

Ngân hàng trung ương Anh xuất bản một bài viết với tựa đề: “Cách tạo ra tiền trong thế giới tài chính hiện đại”, viết bởi 3 nhà kinh tế học, 3 giám đốc tiền tệ cao cấp của chính ngân hàng. Tài liệu học thuật khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, những hiểu biết thông thường về cách hoạt động của ngân hàng là hoàn toàn sai lầm và người dân cần phải hiểu rõ hơn cách hoạt động của các chính sách tài chính quốc gia như: “Thắt chặt chi tiêu công” có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ.

Để hiểu một cách rõ hơn, chúng ta xem xét cách nhìn nhận thông thường từ trước đến nay về tiền tệ. Đầu tiên, mọi người gửi tiền vào ngân hàng, sau đó ngân hàng cho vay với một lãi suất nhất định cho người tiêu dùng hoặc cho doanh nghiệp. Số tiền đó tiếp tục được đem đi đầu tư để sinh ra các khoản lợi nhuận lớn hơn.

Theo quy định, ngân hàng phải giữ lại một phần tiền gửi (chứ không được cho vay hết) để đảm bảo tính thanh khoản (rút tiền ATM, rút tiền tại quầy), ở Mỹ tỉ lệ này là 0-10% còn ở Việt Nam là 0-7%.  Ví dụ, bạn gửi 100 nghìn vào ngân hàng, ngân hàng sẽ giữ lại 7 nghìn và có quyền cho vay đi 93 nghìn còn lại. Tuy nhiên trong trường hợp nếu cho vay hết mà vẫn không đủ nhu cầu vay, họ có thể vay nhiều hơn từ ngân hàng nhà nước.

Ngân hàng nhà nước sở hữu cỗ máy in tiền và có thể in bao nhiêu tiền tùy thích nhưng không được phép in quá nhiều. Đó là lý do ở các nước, ngân hàng trung ương đứng độc lập với chính phủ. Nếu nhà nước có thể tự in ra tiền, chắc chắn họ sẽ in ra quá nhiều, dẫn đến lạm phát và làm nền kinh tế rơi vào hỗn loạn. Các tổ chức như Ngân hàng Anh, Cục dự trữ liên bang Mỹ được tạo ra nhằm mục đích kiểm soát lượng cung tiền để hạn chế lạm phát. Đó là lý do vì sao các tổ chức này bị cấm cung cấp tiền trực tiếp cho nhà nước bằng cách mua vào trái phiếu chính phủ. Thay vào đó, ngân hàng trung ương sẽ tìm cách cung cấp tiền cho doanh nghiệp tư nhân, và nhà nước sẽ thu thuế từ doanh nghiệp tư nhân.

Cách hiểu biết thông thường này cho phép chúng ta nhìn nhận tiền như một nguồn tài nguyên có giới hạn như dầu mỏ hay bauxite. Vì vậy ở các nước tư bản, chính phủ có thể nói: Không đủ tiền cho các chương trình phúc lợi xã hội, hay giáo dục, hay y tế … vì nợ công quá nhiều. Tuy nhiên, điều ngân hàng Anh quốc thừa nhận tuần vừa rồi lại hoàn toàn phủ định điều này.

Trích dẫn từ báo cáo: “Ngân hàng không nhận tiền gửi từ người dân và cho vay số tiền đó, mà ngược lại, các khoản vay tạo ra những khoản tiền gửi mới”… “Ngân hàng trung ương không hề giới hạn tổng số lượng tiền trong hệ thống”.

Nói một cách dễ hiểu hơn, mọi thứ chúng ta nghĩ phía trên đều sai, thực tế hoàn toàn trái ngược.

 

 

Khi một ngân hàng cho vay, họ không lấy tiền của bạn cho người khác vay mà tạo lại ra một tài khoản tiền gửi mới, giữ lại khoản dự trữ bắt buộc và cho vay phần còn lại. Khi ngân hàng cho vay, họ tạo ra tiền. Đó là bởi vì, tiền thực ra chỉ là một tờ Giấy ghi nợ (IOU – I own you). Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là đưa ra các quy định, luật pháp để hợp pháp hóa quyền tạo ra Giấy ghi nợ của ngân hàng, từ đó nhà nước có thể thu thuế.

Thực tế, không hề có một giới hạn trong việc tạo ra tiền, chỉ cần có người chấp nhận vay. Ngân hàng không bao giờ thiếu tiền cho vay vì đơn giản người vay sẽ không lấy tiền ra và giấu đi mà sẽ dùng để tiêu hoặc đầu tư. Vì vậy số tiền mới được tạo ra đó sẽ tiếp tục di chuyển trong hệ thống kinh tế, qua nhiều người đến một lúc nào đó, ai đó lại biến nó thành một khoản tiền gửi deposit.

Trước kia chúng ta nghĩ, khoản tiền gửi của mình sẽ biến thành khoản tiền cho vay một ai đó nhưng thực tế ngược lại, khoản tiền vay nợ của ai đó đến cuối sẽ lại biến thành một khoản tiền gửi.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng không cần xin phép lấy tiền từ ngân hàng trung ương để cho vay, họ có thể vay ngân hàng trung ương bao nhiêu tùy thích. Điều duy nhất cần chú ý là lãi suất vay, hay còn gọi là chi phí của tiền vay, không phải là số lượng tiền vay. Nghiên cứu cho thấy, từ sau khủng hoảng kinh tế, ngân hàng Mỹ và Anh đã giảm chi phí vay đến mức gần như cho không.

Điều này có nghĩa giới hạn thực sự có bao nhiêu tiền trên đời (hay trong nền kinh tế) không phải là do ngân hàng trung ương sẽ cho vay ra thêm bao nhiêu trong một năm mà lại là do lòng can đảm của chính phủ, công ty, các tổ chức kinh tế hay thậm chí người dân bình thường dám vay bao nhiêu. Trên thực tế, người đi đầu, gan dạ nhất là gương thường là chính phủ các nước. Vì vậy chi tiêu hay nợ chính phủ nhiều không hề làm giảm lượng tiền ngân hàng trung ương sẽ cho doanh nghiệp tư nhân hay người dân vay mà là ngược lại.

Tại sao ngân hàng Anh lại bất ngờ thừa nhận điều này?

Trước tiên, vì đây là sự thật. Nhiệm vụ của ngân hàng là vận hành nền kinh tế và gần đây, cỗ máy ấy hoạt động không thực sự xuất sắc theo phương pháp này. Cũng có thể việc duy trì một nền kinh tế trong mơ bằng cách bơm thêm tiền đang dần trở nên một điều xa xỉ.

Về mặt chính sách, đây là một hành động kéo theo nhiều rủi ro. Hãy thử nghĩ xem, một người dân đi vay mua nhà nhận ra rằng số tiền ngân hàng cho họ vay từ gói kích cầu không phải là tiền của một bác công nhân hưu trí nào đó mà lại là một khoản tiền xuất hiện từ chiếc đũa thần kỳ của ngân hàng mà chính chúng ta, người dân, đã đưa cho họ.

Trong quá khứ, ngân hàng Anh đã từng có khả năng phổ biến những điều khó chấp nhận thành hiểu biết chính thống và không ai phản đối. Chúng ta hãy xem những điều Henry Ford trước kia tiên đoán có xảy ra hay không.

Trung Đức

Trung Đức

Cùng chuyên mục
XEM