Sau bán lẻ, ngành nhựa Việt Nam sẽ về tay người Thái?

02/03/2016 14:06 PM | Kinh doanh

Sau ngành bán lẻ, ngành nhựa Việt Nam là một trong những trọng điểm thâu tóm của các đại gia đến từ Thái Lan như SCG. Các doanh nghiệp nội thì vừa chịu áp lực thoái vốn Nhà nước, vừa sợ cạnh tranh không nổi nên đã "bán mình".

Trong năm 2016, khi Nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư tại nhiều doanh nghiệp nhựa, mức tổng đầu tư toàn ngành của ngành nhựa sẽ tiếp tục thay đổi mạnh theo hướng doanh nghiệp ngoại chiếm 60%. Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lên tiếng sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa.

Trong đó, đáng kể nhất là Tập đoàn SCG của Thái Lan. Chỉ trong vòng 5 năm lại đây, tập đoàn này thông qua các công ty con lần lượt thâu tóm hoặc trở thành cổ đông lớn tại 21 công ty nhựa Việt Nam.

Các công ty này đều là nhà cung cấp chủ lực trên thị trường trong lĩnh vực xây dựng, bao bì và sản phẩm tiêu dùng gia dụng. Chỉ tính riêng với việc sở hữu Công ty cổ phần nhựa Bình Minh và Tiền Phong, chiếm đến 50% thị trường ống nhựa xây dựng tại Việt Nam.

Và với việc đánh tiếng mua lại toàn bộ cổ phần thoái vốn từ Nhà nước, SCG sẽ đạt mục tiêu thâu tóm hai doanh nghiệp này và thống trị ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, ngay trên lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, gia dụng, doanh nghiệp Thái cũng đang chiếm ưu thế.

Đơn cử, giữa năm ngoái, Công ty Nhựa Tín Thành đã bất ngờ bán lại 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG (Thái Lan) với giá 44,4 triệu USD. Với SCG, đây chính là con đường ngắn nhất để họ mở rộng sản xuất và củng cố vị thế hàng đầu ngành bao bì tại thị trường Đông Nam Á.

Tín Thành là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam, có nhiều khách hàng lớn như Nestlé, Bayer, Dupont, C.P, Walmart, Trung Nguyên, Vinamit... Tuy nhiên, e ngại cạnh tranh gay gắt, họ đã quyết định bán mình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết gần đây hai nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa với tổng vốn đầu tư hàng tỉ USD đã được khởi công xây dựng tại Việt Nam nhưng thay vì chia sẻ nguồn nguyên liệu trong nước cho các doanh nghiệp nội thì chủ đầu tư người Thái chỉ ưu tiên cung ứng trong chuỗi sản xuất của họ.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM