Sáng lập LinkedIn: "Đây là 7 điểm chung mà những người thành công nhất thế giới đều có"

04/01/2016 16:03 PM | Kinh doanh

"Tôi đã dùng 5 năm để phỏng vấn những người thành công nhất trên thế giới để tìm ra 7 điểm chung mà bọn họ đều có".

Gillian Zoe Segal, người đồng sáng lập ra mạng xã hội việc làm LinkedIn đã nói về cuốn sách mới của ông "Cách để chạm đích: Cuốn sách của những nhà thông thái" rằng ông đã dành 5 năm để phỏng vấn những người thành công nhất trên thế giới (gồm Warren Buffett, Michael Bloomberg, Anderson Cooper, Sara Blakely, Jeff Koons, Kathy Ireland, Les Moonves và một số người thành đạt khác).

Và đây là 7 điểm chung mà Zoe Segal nhận ra tất cả những người giỏi nhất đều có:

1. Họ hiểu đúng về năng lực bản thân

Theo cuốn sách này, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã giải thích việc hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là vô cùng quan trọng.

Ông cho rằng khi quyết định cái mà bản thân sẽ theo đuổi, việc biết phải bỏ lại những gì cũng quan trọng như việc phải biết nên tập trung vào đâu, điểm nào. Theo Tom Watson (người sáng lập của IBM) nói "Tôi không phải là thiên tài nhưng tôi biết mình có năng lực ở mặt nào và tôi chỉ tập trung để phát huy nó."

Buffett giải thích, "bộ não của tôi không phải là một bộ máy khổng lồ để có thể dung nạp mọi lý thuyết và tình huống. Có rất nhiều những điều mà tôi không hề giỏi và thậm chí có vô vàn các cơ hội đầu tư mà tôi không thể hiểu rõ ràng. Tôi chỉ hiểu một vài loại hình doanh nghiệp đơn giản, tôi không thể hiểu được những cái phức tạp.

Ví dụ như Coca-Cola là loại hình đơn giản. Đó là một sản phẩm tồn tại lâu bền và được biết đến rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu về các doanh nghiệp mà tôi có thể nắm bắt, nơi mà tôi cảm thấy thích cách họ điều hành, quản lý doanh nghiệp và khiến tôi nghĩ rằng giá một lon coca có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai. "

John Paul DeJoria, tỷ phú đồng sáng lập của Công ty Patrón Spirits và Công ty John Paul Mitchell Systems thì khuyên "Hãy phát huy khả năng của bạn tốt nhất có thể và cố gắng tìm người hợp tác tài ba về lĩnh vực mà bạn không thành thạo. Ví dụ, tôi rất tệ trong những việc yêu cầu tiểu tiết, vì vậy tôi đã thuê kế toán để giúp tôi. Việc này giúp tôi dễ dàng tập trung vào những điều tôi nổi trội hơn và khiến tôi có thể vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn ".

2. Họ chọn đam mê

Bạn có thể đã nghe điều này từ trước, rằng con đường dẫn đến thành công không tránh khỏi gian khổ, nhưng nếu bạn yêu những gì bạn làm, bạn sẽ hoàn toàn đủ “mạnh” để đối đầu với những thách thức không thể tránh khỏi cùng với sức chịu đựng bền bỉ để đạt đến tiềm năng của bản thân. "Cách để chạm đích" chỉ ra rằng nếu bạn theo đuổi một điều gì đó chỉ vì tiền hay vì “bạn nghĩ bạn nên" - thì có lẽ nó sẽ không có một kết thúc có hậu đâu.

Nhà khoa học nổi tiếng thế giới J. Craig Venter (hay còn được biết đến là người đầu tiên thiết lập trình tự gen của con người) cho biết, "Rất nhiều người bị đẩy vào lối mòn suy nghĩ này, bởi vì họ không thực sự biết họ muốn gì, thực tế là họ để sự nghiệp lựa chọn họ. Nếu bạn không đam mê về những gì bạn đang làm thì thật khó để thành công trong lĩnh vực ấy. Thành công đến từ sự đột phá với niềm đam mê và cường độ bền bỉ."

3. Mục tiêu sự nghiệp của họ thay đổi liên tục

Cuốn sách “Cách để chạm đích” chứng minh rằng bạn không cần phải vạch ra đường đi nước bước chi tiết cho sự nghiệp mình. Điều thật sự cần thiết là phải luôn luôn giữ cho đôi mắt của bạn mở thật lớn để “bắt” được những cơ hội mới và sẵn sàng cho sự thay đổi.

▪ Craig Newmark – đã sáng lập ra trang Craigslist trong khi đang cố gắng theo đuổi mục tiêu xã hội của bản thân.

▪ Michael Bloomberg chỉ quyết định lập công ty riêng của mình - Bloomberg LP, sau khi bị sa thải khỏi Công ty ông đang làm lúc bấy giờ, Salomon Brothers.

▪ Jillian Michaels, hướng dẫn viên thể thao – người đã dâng hiến hết mình sát cánh cùng cộng đồng người béo phì sau khi bị sa thải vì chính lí do này.

▪ Les Moonves, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CBS ban đầu theo đuổi nghiệp diễn xuất, nhưng cuối cùng ông đã nhận ra ông sẽ hạnh phúc hơn với ngành truyền thông.

4. Họ tạo ra cơ hội cho riêng mình

Không có một cuốn sách nào sẽ khuyên bạn nên chờ đợi cho đến khi có ai đó nhận ra tài năng của bạn. Nếu bạn muốn một cái gì đó, hãy tìm mọi cách để đạt được nó.

Ví dụ:

Anderson Cooper muốn trở thành một phóng viên tin tức nước ngoài nhưng lại không được nhận vào bất kỳ báo lớn nào. Cuối cùng ông chọn công việc làm kiểm tra chất lượng cho Channel One, một cơ quan sản xuất chương trình tin tức cho các trường trung học.

Cooper nhanh chóng nhận ra rằng khi bạn làm một công việc mà được chỉ đâu làm đó – thì bạn chỉ thay đổi được nhận thức của mọi người về bạn khi bạn làm được việc gì đó thật táo bạo và quyết liệt. Vì vậy, ông đã bỏ việc, mượn máy quay của một người bạn và ra nước ngoài để tạo ra những câu chuyện của riêng mình.

Sống chỉ một năm đô la một ngày, Cooper tạo ra những cuốn phim thú vị và nguy hiểm nhất có thể, sau đó cung cấp cho Channel One với một mức giá thấp để họ không thể từ chối. Bước đi táo bạo này là những gì khởi đầu sự nghiệp của ông và cho phép ông sống đúng với giấc mơ của mình.

5. Họ đặt dấu hỏi với tất cả mọi thứ

Cuốn sách này khuyên rằng không nên mù quáng nghe theo người khác. Phải hiểu rằng không phải việc thực hiện lặp đi lặp lại trong nhiều năm một điều gì đó thì có nghĩa đấy là cách tốt nhất, còn nếu mà dùng cách khác thì sẽ không đem lại hiệu quả nào.

Ví dụ:

Vào giữa những năm 1970, Gary Hirshberg nhận thấy rằng việc thay đổi cách thức tạo ra thực phẩm đang tồi tệ hơn. (Họ đã tiêm các chất kích thích và thuốc kháng sinh vào động vật, phun thuốc cho các cánh đồng, sản xuất thuốc trừ sâu độc hại, sử dụng phân bón hóa học khi không hề có kiến ​​thức về việc chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ lớn lên với một chế độ ăn uống chứa những thực phẩm này).

Hirshberg bắt đầu thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm hữu cơ trước khi hầu hết mọi người hiểu rõ ý nghĩa của từ này. Ông đã sớm đồng sáng lập công ty sữa chua hữu cơ, Stonyfield Farms. Ông nhớ lại: "Khi tôi cố gắng để các nhà bán lẻ mua sữa chua Stonyfield, việc đó tốn kém hơn một chút so với các nhãn hiệu không hữu cơ khác, họ luôn hỏi 'Liệu hữu cơ có phải có nghĩa là nó có bụi bẩn ở trong không?" Thật là khó khăn để các cửa hàng nhập bán sản phẩm của chúng tôi."

Phải mất tới 9 năm, Stonyfield mới làm nên thành tựu và bây giờ nó đã trở thành công ty sữa chua hữu cơ lớn nhất thế giới - và mỗi một nhà sản xuất lớn trong ngành thực phẩm luôn có một dòng sản phẩm hữu cơ riêng.

6. Họ không để cho nỗi sợ hãi thất bại ngăn chặn quyết tâm

"Cách để chạm đích" viết rằng việc thử những điều mới mẻ là điều cần thiết cho việc phát triển sự nghiệp và nếu bạn không chấp nhận rủi ro thì bạn sẽ không bao giờ đến đích. Kathy Ireland – siêu mẫu và cũng là doanh nhân nổi tiếng nói, "Nếu bạn chưa bao giờ thất bại, thì có nghĩa là bạn đã cố gắng chưa đủ."

Ireland đã thất bại trong nhiều lĩnh vực khi khởi nghiệp (một nhà máy bia mini, một dòng mỹ phẩm chăm sóc da, và một số dự án nghệ thuật) trước khi thành công tung ra thị trường thương hiệu của riêng mình, kathy ireland Worldwide. Hiện nay đây là một doanh nghiệp được định giá khoảng 2 tỷ đô la Mỹ và tên của nó được in trên hơn 15.000 sản phẩm.

Chuyên gia thể dục Jillian Michaels chia sẻ, "Không ai thích cảm giác bị tổn thương, nhưng thực tế là bạn chỉ có thể biết thế nào là hạnh phúc và thành công khi bạn đã biết thế nào là tổn thương. Nếu bạn không hỏi cô gái hay chàng trai bạn thích về một cuộc hẹn hò, thì bạn sẽ không bị từ chối, thế nhưng bạn sẽ không biết tình yêu là gì nữa. Tương tự khi áp dụng cho công việc, hiển nhiên sau đó bạn sẽ không có được vị trí bạn muốn. Nếu bạn không cố gắng để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng, bạn sẽ không bao giờ trở thành doanh nhân - điều mà bạn đã luôn mơ ước được. "

7. Họ luôn kiên cường

** Đây chính là lý lẽ đanh thép thực sự! **

Mỗi một đối tượng trong cuốn sách "Cách để chạm đích" đều đã thất bại, thậm chí rất nhiều lần - nhưng cuối cùng họ vẫn thành công vì họ đã đứng lên rồi lại thử lại, hoặc học hỏi từ sai lầm của mình và cố gắng bắt đầu một cái gì đó mới khác. Vấn đề ở đây là họ luôn buộc bản thân phải không ngừng tiếp tục tiến về phía trước.

 ▪ Tác giả Jeff Kinney đã dành tám năm để viết cuốn sách đầu tiên "Nhật ký Cậu bé nhút nhát", cuốn sách của ông đã bị từ chối bởi nhiều nhà xuất bản. Abrams cuối cùng đã cho ông một cơ hội và tính tới hiện nay đã có hơn 115 triệu cuốn sách được in ấn (chưa kể đến những bộ phim cùng tên).

▪ John Paul DeJoria bị sa thải khi đang có ba công việc một lúc và phải sống trong xe hơi của mình chỉ với hai đô la và năm mươi xu một ngày. Sau cùng ông lại chính là người đồng sáng lập ra Công ty John Paul Mitchell Systems và Công ty Patron Spirits.

Những nhân vật trong “Cách để chạm đích: Cuốn sách của những nhà thông thái” được như ngày hôm nay bởi vì cho dù bị cuộc sống “đánh ngã” nhiều lần, họ vẫn luôn tìm cách xoa dịu vết thương và đứng dậy với nụ cười rạng rỡ. Đây là việc mà bạn phải làm được trong thế giới này… để về sau khi bạn có bị “đánh” một lần nữa, thì hãy nhớ lại những kinh nghiệm cũ để lấy cảm hứng cho bản thân, sau đó tìm cách thoát ra khỏi khó khăn mà bạn đang gặp phải.

Khánh Hòa

Cùng chuyên mục
XEM