Ra biển rộng, doanh nghiệp chọn đối đầu hay đối tác?

31/10/2014 10:38 AM | Kinh doanh

Bên cạnh các cơ hội, AEC, FTA, TPP... mở ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt sẽ chọn cách đối đầu với doanh nghiệp nước ngoài, khi không thắng sẽ thành đối tác hay sẽ “bán mình” nếu thua.

Nêu quan điểm về vấn đề này, tại tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 – Chiến lược cạnh tranh nào cho doanh nghiệp Việt” diễn ra vào ngày 30/10, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, với ngành công nghệ thông tin, việc đối đầu hay đối thủ đều không có lợi cho doanh nghiệp, thậm chí sẽ giết chết doanh nghiệp.

Chính vì vậy theo ông Chính, câu chuyện hợp tác làm sao tăng sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cho xã hội, tạo môi trường phát triển bền vững.

Ông cũng chia sẻ, trước đây CMC đã từng mong muốn hợp tác với công ty Mỹ, làm việc với Nhật Bản nhưng tới đây sẽ chọn đối tác tầm trung từ các nước trong khối ASEAN.

“Tôi cũng cảm thấy hài lòng vì họ “vừa miếng” với mình và mình cũng “vừa miếng” với họ, có lợi ích và giá trị gia tăng để có sức mạnh, cơ hội thành công cao hơn. Một sân chơi đã mở không có cách nào đóng cửa, nên theo tôi tư tưởng hợp tác là chủ đạo”, ông Nguyễn Trung Chính khẳng định.

Ông Chính cũng cho biết, hội nhập đặt ra yêu cầu doanh nghiệp không thể sống khác, nằm ngoài dòng chảy hội nhập. Vì vậy, ông kiến nghị từ Chính phủ đến doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận thức về việc này.

Trong khi đó, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà lại cho biết, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, việc đối đầu không được, thành bạn bè, hợp tác cũng khó.

Chính vì vậy, ông Sơn đề xuất: “Chúng ta sẽ lựa chọn làm mắt xích trong cả hệ thống. Điều đáng buồn là giấc mơ trở thành nền kinh tế đại nhảy vọt lại chưa thấy có”.

Có mặt tại hội đàm, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cũng chia sẻ quan điểm với ông Nguyễn Trung Chính và ông Lê Vĩnh Sơn đồng thời cũng cho biết, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã coi thường thị trường ASEAN, thậm chí cả thị trường nội địa.

“Tôi thấy điều không hay là người Việt Nam hơi chút coi thường ASEAN vì đã nghĩ là phải ra biển lớn là hướng tới những thị trường cao cấp còn đối tác xung quanh là nhỏ, vừa không quan tâm. Có thời doanh nghiệp chỉ chăm chăm xuất khẩu, thậm chí bỏ ngỏ thị trường nội địa để doanh nghiệp nước ngoài vào”, bà Phạm Chi Lan nói.

Theo đó, bà Phạm Chi Lan lấy dẫn chứng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 50% là thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản trong khi ASEAN chỉ chiếm khoảng 22% là tỷ lệ thấp so với mức trung bình 25%.

Trong khi, ASEAN lại là một thị trường tiềm năng với tổng dân số thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, chiếm tới 30% thương mại toàn cầu và là thị trường không quá rủi ro, quá khó tiếp cận như EU, Mỹ, Nhật Bản.

>> Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp FDI

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM