[Q&A] Khu phức hợp của HAGL vừa được tập đoàn Singapore rót vốn có gì?

12/02/2015 16:09 PM | Kinh doanh

Mới đây, tập đoàn bất động sản Singapore Rowsley Limited cho biết đã đạt được thỏa thuận với Hoàng Anh Gia Lai về hợp tác phát triển khu phức hợp tại Yangon, Myanmar. Theo đó Rowsley sẽ đầu tư 275 triệu USD, tương đương gần 5.900 tỷ đồng để sở hữu 50% cổ phần của công ty đang sở hữu 100% dự án HAGL Myanmar Centre. Đây là một trong những khu phức hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm lớn nhất tại Myanmar.

 

Dự án khu phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai 'khủng' cỡ nào?

Theo Báo cáo thường niên năm 2013 của Hoàng Anh Gia Lai, dự án “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center” là một dự án trọng điểm. Đây được xem là dự án bất động sản có quy mô lớn nhất của tập đoàn này.

Dự án này được xây dựng trên diện tích đất 73.358 m2 tại khu vực đắc địa nhất Yangon, là trung tâm kinh tế- tài chính và là cửa ngõ quan trọng nhất đón khách du lịch quốc tế của Myanmar. Tổng vốn đầu tư dự án lên đến 440 triệu USD.

Khu phức hợp này được đầu tư được khởi công từ ngày 05/06/2013 theo hình thức BOT với thời gian 70 năm và chia thành 2 giai đoạn xây dựng:

- Giai đoạn 1 từ 2013 đến Quý I/2015 sẽ hoàn thành một trung tâm thương mai, hai tòa cao ốc văn phòng cho thuê, một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

- Giai đoạn 2 từ 2014-2016 gồm 2 tòa cao ốc và 5 block căn hộ với khoảng 1.000 căn.

 
1

Ai 'cai quản' dự án này tại Myanmar cho bầu Đức?

Tính đến thời điểm 31/12/2013, Hoàng Anh Gia Lai có đầu tư vào một công ty con về bất động sản tại Myanmar là Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar với tỷ lệ sở hữu là 98,18%. Công ty này được thành lập vào ngày 21/02/2013, trước thời điểm khởi công khu phức hợp hơn 3 tháng. Thời điểm 30/09/2014, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại công ty con này giảm xuống còn 85,72%.

Tuy nhiên theo trả lời phỏng vấn của bầu Đức trên VnExpress, Rowsley sẽ rót vốn vào công ty HAGL Land và hiện công ty này đang quản lý và sở hữu nhiều dự án bất động sản của tập đoàn này tại Việt Nam cũng như các thị trường khác như Myanmar. Bầu Đức kỳ vọng đối tác mới sẽ đồng hành với HAGL Land phát triển và kinh doanh rất nhiều dự án bất động sản, trong đó có khu phức hợp tại Yangon (Myanmar).

 
2

Dự án này 'ngốn tiền' của Hoàng Anh Gia Lai ra sao?

Dự án khu phức hợp này của Hoàng Anh Gia Lai được tài trợ một phần vốn từ khoản vay dài hạn ngân hàng Eximbank, tính đến thời điểm 31/12/2013, Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ 1.480,6 tỷ đồng vay dài tại ngân hàng này với lãi suất Libor 3 tháng bằng đồng Đô la Mỹ tại thời điểm giải ngân 7,8%/năm và điều chỉnh 3 tháng một lần. Khoản vay này được thế chấp bằng chính tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai từ dự án “Trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar” và các khoản phải thu và tài sản khác.

Tính đến 31/12/2013, tập đoàn này có cam kết liên quan đến chi phí xây dựng công trình khoảng 376 tỷ đồng.

 
3

Vì sao bầu Đức chọn Myanmar để đầu tư dự án hoành tráng như vậy?

Myanmar được xem là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á, "miếng mồi" béo bở, được khao khát bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quy mô kinh tế của Myanmar có thể tăng lên gấp 4 lần, đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2030. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030. Với khoảng 60 triệu dân, quốc gia này có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam của 10 năm trước.

Theo đánh giá của Hoàng Anh Gia Lai năm 2013, thị trường Myanmar đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung bất động sản. Tại thời điểm cuối năm 2013, giá cho thuê bình quân của phân khúc văn phòng cao cấp ở Yangon lên tới 80 USD/m2/ tháng, giá cho thuê bình quân của phân khúc khách sạn đến 250 USD/phòng/đêm, căn hộ dịch vụ từ 2.300 USD đến 12.500 USD/căn/tháng.

 
4

Bầu Đức từng giấu cổ đông chuẩn bị cho dự án này?

Đúng vậy. Bầu Đức âm thầm chuẩn bị cho dự án khu phức hợp này, thậm chí là giấu cả cổ đông để mua mảnh đất vàng tại Yangon với giá chỉ 700 USD/m2. Sau này, bầu Đức lý giải “Lúc đó tôi có lỗi là phải giấu cổ đông. Vì thời điểm 2009, 2010 kinh tế khó khăn bộn bề, tiền đâu mà dám tuyên bố đầu tư vào Myanmar, người ta sẽ cho tôi là viễn tưởng.”

 
5

Bầu Đức bỏ buôn bán 'nhà đất' chuyển sang làm 'nông dân'?

Bất động sản mảng kinh doanh chủ lực của tập đoàn HAGL cho đến năm 2012. Tuy nhiên đến năm 2013, Hoàng Anh gia lai tái cấu trúc toàn diện tập đoàn với phương châm “Tập trung vào năng lực cốt lõi” theo đó chỉ giữ lại những tài sản và dự án sinh lợi cao như dự án khu phức hợp tại Myanmar, đồng thời chuyển hướng sang ngành nông nghiệp bao gồm cao su, cọ dầu và mía đường. Doanh thu từ ngành bất động sản năm 2013 chỉ còn chiếm tỷ trọng 8,9%.

Thậm chí, đến giữa năm 2014, bầu Đức còn đầu tư mạnh tay vào nuôi bò dựa vào các lợi thế sẵn có về đất đai, vùng nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Đầu tháng 2/2015, HAGL công bố sản phẩm mới là thịt bò tơ giống Úc sau hơn 7 tháng chăn nuôi, với tuyên bố của bầu Đức là "lãi hơn cả làm bất động sản thời kỳ cực thịnh".

 

 
6

>> Peter Lim: Từ môi giới chứng khoán trở thành một trong 40 người giàu nhất Singapore

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM