Phi vụ mời M.C: khó lỗ!

21/07/2015 09:03 AM | Kinh doanh

Theo phát biểu của ông chủ Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển, chi phí để mời CLB Manchester City (M.C) đến VN rơi vào khoảng 1 triệu bảng Anh (tương đương 33 tỉ đồng).

Thế nhưng theo tính toán chưa đầy đủ thì số tiền thu về từ việc bán vé có thể lên tới gần 40 tỉ đồng. Đó là chưa kể tới số tiền bán bảng quảng cáo. Vì vậy, nguy cơ “lỗ nặng” như ban tổ chức thường nói chắc chắn khó có thể xảy ra.

Trận đấu giữa tuyển VN - M.C thực chất là trận đấu thương mại bên cạnh mục đích phục vụ người hâm mộ bóng đá. Dù vậy, trong các thông cáo báo chí, phát biểu của ban tổ chức (BTC), mục đích “vì người hâm mộ” lúc nào cũng được nhấn mạnh. Cụ thể, trong thông cáo báo chí gửi đến truyền thông ngày 10-7 tại cuộc họp báo công bố sự kiện M.C du đấu tại VN, BTC trận đấu nhiều lần khẳng định: “Riêng với SHB, đơn vị mời M.C sang VN du đấu, SHB nhằm mục đích vì cộng đồng, hướng tới cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Với các đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện, đây là sự kiện thể thao hướng tới người hâm mộ, vì người hâm mộ”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức LĐBĐ VN (VFF) cho biết 1 triệu bảng như bầu Hiển thông báo thật ra là tiền phí ra sân SHB phải trả cho M.C. Ngoài khoản này, BTC trận đấu còn phải lo một khoản khá lớn để trả cho công tác tổ chức trận đấu, thuế, chi phí an ninh, tiền thuê chuyên cơ, khách sạn 5 sao cho hơn 80 thành viên đoàn M.C... Số tiền này chưa có con số cụ thể, sau khi trận đấu kết thúc VFF và SHB mới ngồi lại với nhau để tính toán. Tất nhiên theo VFF, VFF sẽ không phải “chịu thiệt” nếu chẳng may trận đấu phải bù lỗ vì SHB sẽ lo. Dự kiến các khoản ngoài phí ra sân sẽ trên 10 tỉ đồng.

Sau khi bỏ ra số tiền lớn như vậy để đưa M.C sang VN, BTC trận đấu mà trực tiếp ở đây là SHB sẽ thu được gì?

Theo số liệu VFF đưa ra, trận đấu giữa VN - M.C sẽ có 37.000 vé được bán (3.000 vé mời). Mệnh giá vé là 600.000 đồng, 1 triệu đồng, 1,5 triệu đồng, 1,8 triệu đồng. Nếu so với mệnh giá vé mà EximbankHAGL đã đưa ra trong trận VN - Arsenal là 400.000 đồng, 700.000 đồng, 1 triệu đồng, 1,5 triệu đồng thì giá vé này cao hơn khoảng 30%. Theo báo cáo của VFF gửi Bộ 
VH-TT&DL năm 2013 về trận đấu giữa tuyển VN - Arsenal, tổng chi cho trận đấu này là khoảng 45 tỉ đồng, trong đó riêng nguồn thu từ bán vé là 30,6 tỉ đồng.

Giá vé trận VN - M.C tăng khoảng 30% so với giá vé trận VN - Arsenal, nếu tính số vé in theo mệnh giá trận VN - M.C tương đương số vé in theo mệnh giá trận VN - Arsenal thì tổng nguồn thu từ bán vé trận VN - M.C dự kiến gần 40 tỉ đồng (với điều kiện 37.000 vé được bán hết).

Nếu như trận VN - Arsenal, HAGL và Eximbank không bán biển quảng cáo mà dành biển quảng cáo cho hai đơn vị này và các nhà tài trợ của bóng đá VN thì trận VN - M.C giá biển quảng cáo được bán với giá kỷ lục. Theo VFF, sẽ có khoảng 60/98 biển quảng cáo trên SVĐ Mỹ Đình được bán cho các đơn vị có nhu cầu. Giá bán biển quảng cáo là 2.500 - 3.000 USD/biển quảng cáo lẻ ở vòng 2 SVĐ Mỹ Đình (khoảng 48 biển). Giá để đặt biển quảng cáo tại vòng 1 SVĐ là 20.000 USD/đơn vị (với số tiền này mỗi đơn vị được đặt một vài biển quảng cáo + hưởng quyền lợi của nhà tài trợ trận đấu).

VFF không bán lẻ các biển quảng cáo ở vòng 1 SVĐ mà bán theo các gói tài trợ này. Theo VFF, trong tuần này VFF sẽ ký một số hợp đồng với các nhà tài trợ như trên. Nếu bán hết các gói tài trợ, các biển quảng cáo với số tiền như VFF đưa ra, tiền thu từ biển quảng cáo tối thiểu cũng phải vào khoảng 4,4 tỉ đồng (200.000 USD).

Không ai phản đối việc Ngân hàng SHB mời M.C đến VN du đấu vì thực tế nhu cầu đến xem các danh thủ từ các CLB hàng đầu thế giới như M.C là nhu cầu có thật của một bộ phận người hâm mộ VN. Nếu không có các doanh nghiệp như SHB, trước đó là HAGL, Eximbank, người hâm mộ bóng đá VN rất khó có cơ hội để được xem những trận đấu với các CLB hàng đầu thế giới như M.C, Arsenal. Thế nhưng cũng phải nói một cách khách quan, với các đơn vị tổ chức sự kiện - ở đây là Ngân hàng SHB, việc mời M.C sang VN mục đích quan trọng nhất vẫn là phục vụ công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những khoản thu lớn từ bán vé, bán biển quảng cáo, bán các gói tài trợ... số tiền mà BTC trận đấu thu về theo tính toán sẽ hòa vốn, cùng lắm là lỗ nhưng khoản này chắc chắn chẳng đáng là bao so với tuyên bố lỗ lớn của BTC trận đấu. Ngoài ra, cái lợi các doanh nghiệp thu từ sự kiện này không thể đong đếm được, đó chính là cơ hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp. Sự kiện Eximbank, HAGL mời Arsenal đến VN năm 2013, VFF sau đó cho biết BTC trận đấu phải bù lỗ khoảng 14 tỉ đồng. Với sự kiện M.C sang VN, SHB chắc chắn thu được nhiều tiền hơn và chịu lỗ (nếu có) ít hơn con số này rất nhiều.

Theo KHƯƠNG XUÂN

Cùng chuyên mục
XEM