Phát triển thị trường du lịch: Từ điểm đến vùng

19/09/2015 08:53 AM | Kinh doanh

Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng tình trạng "mạnh ai nấy làm" khiến sản phẩm du lịch vừa chồng chéo vừa thiếu hấp dẫn với du khách. Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện quy hoạch mà còn là sự chia sẻ, liên kết giữa các địa phương trong việc định hình sản phẩm du lịch đặc trưng của từng tỉnh, từng vùng để tạo thành "chuỗi sản phẩm" nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong giai đoạn hội nhập.

Mỗi một địa phương đều có thế mạnh riêng nhưng làm thế nào để phát huy thế mạnh ấy thì ngoài vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách còn cần sự nỗ lực của từng doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, ví von việc đi tìm nét riêng cho du lịch từng địa phương, từng vùng nhằm níu chân du khách giống như "những chàng trai theo đuổi một cô gái".

Để tạo được thiện cảm và sự chú ý của cô gái, chàng ít nhất phải có cá tính riêng, ai cũng thể hiện nhưng cứ nhàn nhạt thì rất khó làm cô gái chú ý.

Ông Mỹ cho rằng, giữa các tỉnh - thành nên thẳng thắn chia sẻ quan điểm và có sự phân vai rõ ràng, cùng là khu vực duyên hải miền Trung (DHMT) nhưng Bình Thuận sẽ có sản phẩm du lịch khác với Khánh Hòa và phải gắn kết với thế mạnh biển đảo của vùng.

Vấn đề quan trọng là các địa phương, các vùng phải hoạch định rõ hướng phát triển để không bị chồng chéo, trùng lắp sản phẩm.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2011 cũng đã xác định phát triển sản phẩm du lịch theo 7 vùng.

Trong đó, vùng DHMT với bờ biển dài trên 1.200km có thế mạnh về du lịch biển đảo với sự đa dạng của các hệ sinh thái đặc trưng.

Không những vậy, là khu vực có sự giao thoa giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn, DHMT còn sở hữu Con đường Di sản văn hóa với cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, tháp Mỹ Sơn, bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn, lễ hội văn hóa Chăm Ninh Thuận...

Cho nên, DHMT được định hướng phát triển trở thành vùng quan trọng về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tìm hiểu di sản, còn du lịch MICE, khám phá thiên nhiên là những sản phẩm bổ trợ.

Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên lại thích hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa dân tộc, tham quan thắng cảnh, khám phá thiên nhiên; vùng Đông Nam Bộ có các sản phẩm du lịch đặc trưng được định hướng phát triển mạnh về du lịch đô thị (điển hình như TP.HCM), tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Khu vực Đông Nam Bộ hằng năm đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách đến TP.HCM chiếm hơn 85% lượng khách của cả vùng.

Mỗi năm, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đón khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu lượt khách nội địa. Vấn đề là làm gì để lượng khách này được nâng lên mỗi năm?

Các địa phương không thể đứng một mình để phát triển du lịch, vì hiện nay, những tour có tính liên kết theo dạng "chuỗi" là mục tiêu phát triển tất yếu của các vùng để chia sẻ những trải nghiệm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế cũng như nâng cao sức cạnh tranh của ngành khi hội nhập.

Chẳng hạn, du khách có thể đến Mũi Né (Bình Thuận) để nghỉ dưỡng, sau đó thực hiện tour đến Nha Trang, Quảng Nam, Huế... để tìm hiểu về văn hóa của vùng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng DHMT nhìn nhận, du lịch của Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng nếu để phát triển tự phát như hiện nay thì không thể khai thác hết tiềm năng mà phải liên kết tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù.

Chẳng hạn trường hợp của TP.HCM, trong không gian du lịch chung của vùng Đông Nam Bộ, nơi phát triển kinh tế năng động của cả nước, du lịch đô thị là then chốt nhưng TP.HCM lại có nét riêng so với Bình Dương hay Đồng Nai.

Cụ thể, TP.HCM có khoảng 1.000km sông, kênh, rạch, có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông. Đặc biệt, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều đoạn rất đặc sắc, được kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận.

Đặc biệt, hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé khá hấp dẫn du khách khi bao trọn cả khu vực trung tâm thành phố với các quận 1, 3, 5, 10. Đây chính là tiềm năng lớn để TP.HCM chọn du lịch đường sông làm mũi nhọn của ngành du lịch.

Trong "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP.HCM giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020", TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội phát triển du lịch đường sông.

Với sự đầu tư này, mỗi năm, lượng khách du lịch đường sông sẽ tăng 20%, doanh thu tăng 30% và đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố.

Mới đây, trong dịp lễ 2/9, Sở Du lịch TP.HCM đã khai trương tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Trong kế hoạch, thành phố sẽ cải tạo và xây 45 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ... tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông và xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại Củ Chi, Cần Giờ...

Theo ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Dynasty (chủ sở hữu Les Rives), tiềm năng phát triển du lịch đường sông của TP.HCM là rất lớn.

"Cũng như thành phố Paris, Amsterdam, TP.HCM với kênh du lịch đường sông đang và sẽ phát triển trong tương lai, sẽ thu hút một lượng lớn du khách quốc tế.

Việc xây dựng hệ thống bến du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng trên sông cũng như vùng phụ cận là rất quan trọng để kết hợp các tuyến du lịch đường sông với các điểm tham quan trên đất liền".

Để những thế mạnh du lịch của mỗi địa phương phát huy tối đa, ngoài vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách, các DN phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng và chí ít là tạo ra các tour, mô hình hoạt động khác biệt.

Điển hình như trường hợp của Les Rives, nhận thấy tiềm năng của du lịch đường sông, năm 2010, DN đã mạnh dạn bước vào thị trường này.

Đến nay, Les Rives sở hữu 15 tàu cao tốc, 1 du thuyền du lịch trên sông, có thể phục vụ hơn 6.000 du khách trong 1 tháng. Hiện Les Rives đang dẫn đầu thị trường du lịch đường sông cao cấp tại Sài Gòn.

Sự khác biệt cũng như thế mạnh của Les Rives để thu hút du khách là lựa chọn những điểm đến không quá đông người, tạo nên trải nghiệm đích thực và duy nhất về sông nước, văn hóa miền Nam cho từng nhóm du khách nhỏ.

Chẳng hạn như đưa du khách từ TP.HCM đến địa đạo Củ Chi, đồng bằng MeKong và rừng Cần Giờ trong nửa ngày hoặc một ngày để tận hưởng thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử và đời sống địa phương.

Các đường tour buổi sáng và hoàng hôn dành cho những du khách thích ngắm đường chân trời của thành phố từ trên sông. Tháng 9/2015, Les Rives ra mắt đường tour 2 ngày 1 đêm đầu tiên tới đồng bằng MeKong, kết hợp với khách sạn boutique The Island Lodge.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng, đến nay, TP.HCM đã khai thác những đường tour dài ngày từ TP.HCM đến Phnom Penh và Siem Reap cũng như sự phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực thượng lưu sông MeKong và TP.HCM tạo nền tảng cho việc thiết kế những trải nghiệm dành cho du khách.

Thế nhưng, việc khai thác này chưa nhiều và các con sông rất quan trọng với nền du lịch thế giới nhưng lại đang bị bỏ ngỏ, mặc cho tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch.

Theo HỒNG NGA - HẢI ÂU

Cùng chuyên mục
XEM