Nidec: Vì sao bỏ phố về vườn?

24/10/2012 20:27 PM | Kinh doanh

Khu công nghệ cao thực chất giống... khu công nghiệp hơn.


Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) siết lại chính sách ưu tiên nhà đầu tư có tỷ trọng R&D cao và sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Việc Nidec, công ty đang hưởng "chế độ” công nghệ cao tại TP.HCM quyết định mở thêm nhà máy tại Bến Tre tạo ra nhiều thắc mắc, gây liên tưởng đến ví von rằng, hai khu công nghệ cao (CNC) tại Hà Nội và TP.HCM thực chất giống... khu công nghiệp hơn.

Về quê để... tìm người

Tuần qua, Công ty Nidec Tosok (thuộc Tập đoàn Nidec Corp., Nhật Bản) đã khởi công xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Giao Long, tỉnh Bến Tre. Đại diện truyền thông của Nidec Tosok cho biết, nhà máy sẽ sản xuất linh kiện ô tô và cơ khí chính xác.

Nhà máy được chia thành hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư trên 39 triệu USD và tuyển dụng hơn 1.000 công nhân; riêng giai đoạn 2 sẽ được triển khai theo nhu cầu của khách hàng. 100% sản phẩm của nhà máy này sẽ phục vụ cho xuất khẩu.

Việc Nidec Tosok được cho là doanh nghiệp (DN) CNC nhưng lại về đồng bằng sông Cửu Long là điều thoạt nghe không mấy hợp lý vì nguồn nhân lực tại chỗ khó bề đáp ứng. Nguyên nhân chuyển về Bến Tre được phía Nidec xác nhận là do tại TP.HCM không thể mở rộng được bởi vấn đề đất đai, chi phí...

Những thông tin từ phía Tập đoàn Nidec cho thấy, trước đó, vào ngày 21/6/2012, Nidec Seimitsu Corp. (NSTJ, công ty con của Tập đoàn Nidec) đã xây dựng một nhà máy ở Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện ô tô và các linh kiện khác (đây cũng là nhà máy thứ ba tại TP.HCM chuyên sản xuất linh kiện ô tô).

Giai đoạn đầu tiên của nhà máy sẽ hoạt động vào quý I/2013. Kể từ khi thành lập Nidec Tosok vào năm 1997 tại Khu chế xuất Tân Thuận, đến nay, Tập đoàn Nidec đã có 9 công ty tại TP.HCM và một ở Hà Nội. NSTJ là nhà máy thứ 11 của họ tại Việt Nam, thứ 10 ở TP.HCM và thứ 5 ở Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Với số lượng nhà máy đầu tư như thế, Tập đoàn Nidec hiện có khoảng 22.000 công nhân, con số được xem là lớn hơn bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào đang hoạt động tại TP.HCM.

Dự kiến, số lượng nhân công này sẽ tăng lên 25.000 khi nhà máy NSTJ đi vào hoạt động. Song, cũng cần phải nói thêm, dù là DN nằm trong khu công nghệ cao nhưng trong các thông báo tuyển dụng của các công ty Nidec đa phần là lao động phổ thông.

Động thái mở rộng đầu tư ở Bến Tre không nằm ngoài nguyên nhân tận dụng nguồn lao động dạng này, vốn đang thiếu hụt trầm trọng tại những tỉnh - thành phát triển công nghiệp như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Siết lại tiêu chí "công nghệ cao"

Từ trước đến nay, trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thường nhìn nhận theo kiểu: miễn sản xuất linh kiện ô tô hay các loại linh kiện dùng trong điện thoại di động hay linh kiện nói chung đều được xếp vào hàng công nghệ cao!

Song, tại quốc gia phát triển công nghệ mạnh như Mỹ, định nghĩa "các hãng công nghệ cao" phải đi liền với những cam kết về thiết kế, tạo ra sản phẩm mới hay những quy trình sản xuất hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng về khoa học và kỹ thuật cao.

Theo Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (National Science Foundation), những ngành CNC đòi hỏi nhân lực là kỹ sư, nhà khoa học và các bậc thầy về kỹ thuật, cơ khí. Họ là thước đo của các hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D).

Tại Mỹ, chia CNC thành ba cấp độ (1, 2, 3). Trong đó, ở cấp độ 1, hoạt động R&D chiếm tỷ trọng cao. Còn những ngành như: sản xuất thân xe ô tô, linh kiện ô tô không được xếp vào ba cấp độ này và thường có tỷ trọng về R&D thấp hơn các ngành: phần mềm (nhóm 1), đường ống dẫn khí (nhóm 3),...và chỉ chiếm từ 4,7 - 8,8% trong hoạt động của DN; đồng thời, số lượng lao động trong những ngành này cao hơn nhiều so với ngành thuộc ba cấp độ trên.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, trong giai đoạn 1 (300ha), giá trị gia tăng giữa xuất - nhập khẩu hiện xấp xỉ 10%, tức, khi giá trị xuất khẩu là 3,6 tỷ USD thì DN cũng nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ USD.

Tại sao lại có sự chênh lệch này? Theo ông Quốc, do hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, linh kiện, vật tư, nguyên liệu để đáp ứng sản xuất công nghệ cao rất thiếu. Ngay cả như thép dùng trong cơ khí chính xác cũng phải nhập khẩu.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, như trường hợp của Nidec tại SHTP, họ sử dụng hơn 12.000 lao động, có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng nếu không có Nidec thì tỷ lệ nhập / xuất là trên 80%.

Việc nhập khẩu quá nhiều, khó có thể đáp ứng chuyện mang lại giá trị gia tăng cao. Ông Lê Hoài Quốc cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, chỉ những nhà đầu tư đem lại giá trị gia tăng cao thì Ban Quản lý mới cấp phép, còn những DN tập hợp nguyên liệu mang đến đây để lắp ráp sẽ bị từ chối.

Được biết, hiện nay, Ban Quản lý SHTP đang tổ chức để xếp loại DN (cuối tháng 12 này sẽ thử nghiệm xếp hạng lần thứ nhất). Theo đó, những DN CNC phải có tỷ trọng R&D cao và sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam, hơn là xuất khẩu lớn.

Ngoài ra, năm 2013, một số tiêu chí sẽ được điều chỉnh lại đề làm căn cứ phân biệt DN "công nghệ cao đích thực". Theo đó, những DN (kể cả DN FDI) đáp ứng tiêu chí sẽ được đăng ký là "DN công nghệ cao" để được hưởng các ưu đãi (miễn phí tiền thuê đất, giảm thuế...) theo Luật Công nghệ cao.

Ngược lại, những DN không đạt tiêu chí đề ra, trước mắt sẽ có thời hạn để chuyển đổi, nếu sau thời gian "thử thách" vẫn "chứng nào tật nấy" sẽ bị chế tài bằng việc chấm dứt những ưu đãi...


Theo ĐỖ HẢI
  Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM