Những tài sản còn bỏ lại của đại gia thủy sản Phương Nam

01/02/2013 09:51 AM | Kinh doanh

Ngoài tư dinh vừa bị biến thành nhà hàng khách sạn, ông Lâm Ngọc Khuân còn nhiều bất động sản khác ở Sóc Trăng, TP HCM. Hầu hết đã được bán, cho thuê và vắng bóng người sử dụng.


Hai ngày qua người dân Sóc Trăng liên tục tìm đến dinh thự của đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam) để ngắm "tòa lâu đài" có một không hai ở Sóc Trăng vừa biến thành nhà hàng khách sạn. Trước khi cùng vợ con sang Mỹ định cư, ông Khuân chỉ ở tư dinh cạnh nhà máy thủy sản Phương Nam được vài tháng. Ngoài địa chỉ thường trú ở 32 Nguyễn Văn Cừ, TP Sóc Trăng, đại gia thủy sản còn có căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng (Sóc Trăng) và sở hữu nhiều căn hộ cao cấp ở Phú Mỹ Hưng, khu Mỹ Thái (TP HCM).

Căn nhà 32 Nguyễn Căn Cừ, phường 1, TP Sóc Trăng (cổng rào xanh) là địa chỉ thường trú của ông Khuân trước đây. Ảnh: Duy Khang

Ông Khuân quê Trà Cuông thuộc xã Thạnh Qưới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Đây là vùng đất thuần nông, cuộc sống người dân gắn liền với con tôm và cây lúa. Lên thị xã Sóc Trăng (nay là TP Sóc Trăng) lập nghiệp khi cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, thuở thiếu thời ông chạy xe lôi khách kiếm sống rồi làm bột mì, tích lũy vốn kinh doanh xăng dầu, xe máy.

Khan hiếm nhiên liệu khi thế giới xảy ra chiến tranh vùng vịnh năm 1991 đã giúp ông giàu nhanh. Gần 10 năm sau đó, con tôm sú ở miền Tây bước vào thời kỳ hoàng kim, ông Khuân đầu tư vốn vào ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu rồi trở thành đại gia thủy sản.

Có tài kinh doanh, được cộng sự giỏi giúp sức và đặc biệt là làm ăn uy tín với khách hàng nước ngoài nên kim ngạch xuất khẩu của Thủy sản Phương Nam tăng dần theo từng năm. Trong phần thông tin tự giới thiệu về mình trên website công ty trước đây, Phương Nam thành lập tháng 8/1998 với số vốn đầu tư 17 triệu USD (gần 360 tỷ đồng), tổng công suất năm 2010 đạt 11.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Phương Nam là Mỹ, Nhật, EU, Canada và Trung Đông. Trong đó Mỹ chiếm hơn 50%. Doanh thu năm 2010 của công ty này vào khoảng 120 triệu USD.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), đến năm 2011 Công ty Phương Nam đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD. Với con số này, Thủy sản Phương Nam được xếp thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011.

Căn nhà một trệt một lầu trên đường Hai Bà Trưng, TP Sóc Trăng từng được gia đình ông Khuân cho thuê mở cửa hàng xe đạp. Ảnh: Duy Khang

Thế nhưng, bước sang năm 2012, lượng công nhân đến làm việc tại Công ty Phương Nam ngày một thưa dần. Ông Khuân đi Mỹ trị bệnh (được cho là tiểu đường) nên có lúc nhà máy thủy sản hoạt động cầm chừng và dự án xây dựng nhà máy chế biến tôm, cá tra của công ty con là KM Phương Nam bị đình trệ trong giai đoạn sắp hoàn thiện. Công ty con này có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ góp vốn 25,6%, nguyên Giám đốc KM Phương Nam Trịnh Thị Hồng Phượng góp 10%, còn lại là vốn góp của Chủ tịch HĐQT với vợ Trần Thị Mỹ và con trai Lâm Ngọc Khoa.

Láng giềng của đại gia thủy sản cho biết trước đây ông Khuân vài tháng ở Mỹ, vài tháng ở Việt Nam. Căn nhà 32 Nguyễn Văn Cừ (Sóc Trăng) thưa dần bóng dáng ông bà chủ và hơn một năm nay mọi người không thấy ông Khuân về đây. Mới đây, con trai ông Khuân được cho là đang ở TP HCM đã bán căn nhà này cho chủ một tiệm mì với giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Còn căn nhà 116 đường Hai Bà Trưng, TP Sóc Trăng từng được gia đình ông Khuân cho thuê mở cửa hàng bán xe đạp. Tháng trước chủ thuê ngưng hợp đồng để dọn hàng về Cần Thơ. Hiện căn nhà này cũng được ngân hàng cho ông Khuân vay vốn phát mãi để thu hồi nợ.

Với tổng nợ gần 1.600 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam được cho là từng nhận “tối hậu thư” của cơ quan chức năng ở quê nhà nhưng ông Khuân không về Việt Nam để cùng 8 ngân hàng chủ nợ bàn phương án tái cấu trúc doanh nghiệp mà gửi thư cáo bệnh. Có thông tin ông Khuân mở lò bánh mì kinh doanh ổn định ở Mỹ nên không về nước, trút bỏ gánh nặng nợ nần cho các ngân hàng.

Trong lần trò chuyện cùng VnExpress.net vào tháng 9/2012, ông Nguyễn Thế Thắng (Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB - chi nhánh tỉnh Sóc Trăng) cho rằng ông Khuân là người tâm huyết với ngành thủy sản và Công ty Phương Nam được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Vì vậy, Phương Nam đã được VDB thẩm định, cho vay từ gói kích cầu của Chính phủ. Khi ông Khuân ngã bệnh, VDB Sóc Trăng thuê bảo vệ trông giữ nhà máy của KM Phương Nam tại Kế Sách (Sóc Trăng) vì ngân hàng đã cho vay đầu tư vào dự án khoảng 170 tỷ đồng.

Đối với tư dinh trị giá hàng chục tỷ đồng, trước lúc qua Mỹ có lần ông Khuân tiết lộ với VnExpress.net rằng xây nhà to không phải để phô trương mà muốn vừa làm nơi ở kết hợp với tiếp khách là đối tác ngoại quốc mỗi lần sang Việt Nam làm việc, ký kết hợp đồng với Công ty Phương Nam. Đó là mỗi lần khách Tây sang làm việc, chiều tối phải quay lên TP HCM tìm chỗ ở vì Sóc Trăng không có khách sạn hay nơi giải trí phù hợp.

“Mỗi lần đi công tác nước ngoài, tôi thường tự tay đi lựa mua những vật dụng để trang trí trong nhà. Tôi xây nhà bên trong như một khách sạn đạt chuẩn quốc tế, có cả quầy bar phục vụ khách Tây”, ông Khuân tiết lộ và giải thích về nguyên nhân xây cạnh công ty là để hàng đêm tiện việc tới lui kiểm tra quá trình vận hành, sản xuất của nhà máy thủy sản.

Một nguồn tin cho biết đến thời điểm này có 3 ngân hàng vào "chung kết" của quá trình tái cơ cấu nợ nần tại Công ty Phương Nam là Sacombank, LienVietPostBank và ABBank (Ngân hàng An Bình). Đối với Agribank do cơ chế nên không tham gia góp vốn mà chỉ có thể giãn nợ phù hợp với quá trình hoàn vốn của Công ty Phương Nam.

Theo Duy Khang
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM