Những ông lớn như Microsoft đang 'lấn' ưu thế linh hoạt của các hãng trẻ?

03/12/2014 07:41 AM | Kinh doanh

Những công ty như Microsoft kết hợp được nguồn vốn, nhân lực và công nghệ khổng lồ với sự linh hoạt của một doanh nghiệp trẻ, họ có thể buộc các hãng mới phải đau đầu tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

Người ta thường nghĩ các công ty lớn đương nhiên sẽ có ưu thế vượt trội hơn so với những hãng mới thành lập. Nhưng theo Peter S. Cohan, tác giả cuốn sách Hungry Start-up Strategy thì phải ngược lại mới đúng. Ông cho rằng từ trước đến nay, các công ty trẻ luôn sở hữu những lợi thế nhất định.

Một công ty lớn thường có hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn nhân viên, sở hữu đến hàng tỷ USD tiền mặt, có đội ngũ bán hàng đông đảo và nắm trong tay số lượng bằng sáng chế khổng lồ.

Vậy làm thế nào một công ty mới với ngân sách eo hẹp và các nhân viên luôn phải làm việc quá sức có thể chiến thắng? Câu trả lời rất đơn giản. Sự dồi dào về nguồn lực khiến các công ty lớn trở nên chậm chạp hơn những doanh nghiệp mới. 

Hãy xem sự khác biệt giữa cách hoạch định chiến lược của một công ty lớn so với các doanh nghiệp trẻ. Đó là công ty lớn thường có ban chỉ đạo và một đội ngũ cố vấn khi phát triển chiến lược.

Những cố vấn này sẽ dành 6 đến 12 tháng phân tích sức hút của một thị trường tiềm năng, đánh giá các điều kiện cần thiết để chinh phục thị trường đó, thu thập nguồn lực, cụ thể hóa từng bước thực hiện chiến lược và xây dựng một mô hình tài chính đánh giá những khoản đầu tư cần thiết cũng như lợi nhuận dự kiến.

Nhưng sau khi phỏng vấn hơn 160 nhà khởi nghiệp,  Peter S. Cohan nhận thấy họ không dư dả thời gian để thực hiện chiến lược này. Họ có thể dễ dàng thiêu rụi toàn bộ số tiền mặt còn lại nếu muốn đầu tư cho một chiến lược kỳ công như thế.

Thay vào đó, các hãng mới sẽ đưa ra hai phán đoán tốt nhất rồi nhanh chóng tạo phiên bản giá rẻ của sản phẩm theo các phán đoán trên và ghi nhận phản hồi từ khách hàng. Họ tiếp thu những phản hồi này và thử lại lần nữa. 

Trong thời gian 6 đến 12 tháng mà một hãng lớn thực hiện quy trình hoạch định chiến lược, các công ty mới có thể đã kịp thử được 6 hay 7 chiến lược khác nhau, cái sau thường tốt hơn cái trước. Kết quả là chỉ với nguồn lực ít ỏi, doanh nghiệp trẻ lại tiến nhanh hơn các ông lớn.

Về mặt lý thuyết, không có gì ngăn cản các công ty lớn thực hiện cách hoạch định chiến lược tương tự. Một trong những ông lớn làng công nghệ – Microsoft – dường như vừa thay đổi cách làm truyền thống để áp dụng  phương pháp này.

David Campbell, kỹ sư phụ trách hệ điều hành “đám mây” Azure của Microsoft, phát biểu trên tạp chí New York Times: “Bạn học để biết khai thác các thông tin phản hồi. Điều đó có nghĩa là bạn thực hiện nhiều “thử nghiệm A/B” hay xây dựng hai phiên bản website khác nhau để xem khách hàng thích cái nào hơn”.

Microsoft điều chỉnh Azure theo sở thích của người tiêu dùng. Ông Campbell cho biết, nhóm phụ trách Azure “thực hiện những thay đổi kỹ thuật bằng cách tiếp thu ý kiến khách hàng, quan sát xem nó có hiệu quả như dự kiến không, sau đó phát triển sản phẩm. Việc kiểm định các dự đoán cũng như giả thuyết trong thực tiễn sẽ chỉ mất vài giờ thay vì hàng tháng như phân tích giả định”.

Với phương pháp này, đội ngũ phụ trách Azure của Microsoft tung ra các sản phẩm mới nhanh hơn. Theo New York Times, trong quý trước, Azure cho ra đời một tính năng hoặc dịch vụ mới cứ mỗi hai ngày.  

Kết quả là có sự thay đổi rõ rệt trong việc thực hiện chiến lược của Microsoft. Phản ứng thị trường với các thử nghiệm giá rẻ đã thắng thế trong cuộc chiến với phương pháp phân tích cũ. Campbell giải thích: “Thay vì phải tranh luận xem liệu người tiêu dùng thích A hay B hơn chỉ bằng kiến thức và kinh nghiệm, chúng tôi vạch ra thuyết thử nghiệm, sau đó nhanh chóng áp dụng”.  

Microsoft không phải là ông lớn đầu tiên áp dụng phương pháp linh hoạt này. Hai “gã khổng lồ” Google và Amazon từ trước tới giờ vẫn thử nghiệm thị trường cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều khiến ông Cohan thích thú là Microsoft đã chịu thay đổi cách làm truyền thống.

Nếu Microsoft có thể tăng doanh thu đáng kể bằng phương pháp hoạch định chiến lược mới, giá cổ phiếu của hãng sẽ tăng mạnh, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn. Nhưng cũng có rất nhiều lý do khiến hãng này có thể không thành công, chẳng hạn như khi CEO cho rằng việc tung ra nhiều sản phẩm mới sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu những công ty như Microsoft kết hợp được nguồn vốn, nhân lực và công nghệ khổng lồ với sự linh hoạt của một doanh nghiệp trẻ, họ có thể buộc các hãng mới phải đau đầu tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

>> Microsoft và Yahoo nỗ lực 'thế chân' Google trên iPhone

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM