Nhãn ghi một đường, trọng lượng một nẻo

20/09/2015 10:39 AM | Kinh doanh

Tình trạng trên thực chất cũng là hình thức cân thiếu phổ biến ở sản phẩm đóng gói sẵn, từ thực phẩm (bánh kẹo, sữa…) đến chất tẩy rửa và nhiều loại nhóm hàng khác.

Hộp sữa, gói bánh kẹo, một chai nước chấm..., chỉ cần cố ý rút ruột vài gam hay vài chục mililit, với một sản phẩm khoản tiền gian lận không đáng kể nhưng với hàng chục ngàn sản phẩm thì đây là con số khổng lồ. Đáng buồn là thực tế này đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, sau hai tháng triển khai kiểm tra đối với hàng đóng gói sẵn trên toàn quốc, ông Trần Minh Dũng, chánh thanh tra Bộ Khoa học & công nghệ (KH&CN) cho biết:

Đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN triển khai một đợt thanh tra chuyên đề diện rộng đối với hàng đóng gói sẵn. Phạm vi triển khai là ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đợt thanh tra được thực hiện trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 7 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 9.

Có 16 nhóm hàng hóa nằm trong diện thanh tra gồm: sữa và sản phẩm từ sữa; thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; bánh mứt, kẹo, đường; bia rượu, nước giải khát và nước uống; dầu ăn, muối, bột ngọt, bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước xốt; xà phòng và chất tẩy rửa, nông sản và sản phẩm từ nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; dầu nhờn, khí đốt hóa lỏng, sơn; ximăng...

Thực tế hàng đóng gói sẵn rất rộng. Do đó, mỗi địa phương sẽ tập trung vào những mặt hàng đang gây bức xúc trong dư luận người tiêu dùng, đang có khiếu nại... để thanh kiểm tra.

* Qua hai tháng triển khai, cơ quan thanh tra các tỉnh đã phát hiện mức độ vi phạm, gian lận như thế nào, thưa ông?

- Hiện chúng tôi đã nhận được báo cáo nhanh kết quả thanh tra của hơn 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, mức độ vi phạm với đóng gói sẵn là không nhỏ. Trong số 1.283 đơn vị sản xuất được kiểm tra, có 265 cơ sở có vi phạm.

Số cơ sở có vi phạm chiếm trên 20%. Các vi phạm nhiều nhất là thiếu về khối lượng, dung tích so với công bố trên bao bì sản phẩm, chiếm tới 33% số vi phạm.

Tiếp đến là những loại hàng hóa có số đơn vị hàng hóa đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá tỉ lệ cho phép, hàng hóa đóng gói sẵn không ghi lượng hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định...

Qua kết quả thanh tra ban đầu, chúng tôi đánh giá vi phạm nhiều nhất là không đạt giá trị trung bình cho phép, tức là sản phẩm đóng gói bị thiếu hụt vượt ngưỡng cho phép so với số liệu công bố trên bao bì.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã lưu ý thêm thanh tra sở KH&CN các địa phương cần chú ý hơn đến việc kiểm tra chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, lấy nhiều mẫu hàng để xét nghiệm, đánh giá việc đảm bảo chất lượng, thành phần như công bố.

Người mua hàng rất khó để xác định được trọng lượng chính xác của sản phẩm. Trong ảnh người dân mua hàng tiêu dùng tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh (TP.HCM) Ảnh: THANH TÙNG

 

Người mua hàng rất khó để xác định được trọng lượng chính xác của sản phẩm. Trong ảnh người dân mua hàng tiêu dùng tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Tùng

* Vì sao đợt thanh tra lần này lại chọn nhóm mặt hàng đóng gói sẵn, phải chăng nhóm hàng này có nhiều vi phạm, gian lận và đã đến lúc cần chấn chỉnh, thưa ông?

- Tính đến thời điểm này, cùng với Luật đo lường đã ban hành và đi vào cuộc sống, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp cơ bản đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, hàng đóng gói sẵn lại có đặc thù là hàng hóa được sản xuất, bao gói và định lượng không có sự chứng kiến của khách hàng.

Từ thực phẩm tươi sống, sản phẩm nông nghiệp - những mặt hàng tiêu dùng phổ biến nhất trong cuộc sống hằng ngày đến sản phẩm công nghiệp, nguyên liệu để sản xuất... đều được đóng gói sẵn, đa dạng về số lượng, chủng loại để phục vụ mọi nhu cầu.

Đối với hàng đóng gói sẵn, giữa người tiêu dùng và người sản xuất không có quan hệ mua bán trực tiếp, chỉ dựa trên thông số được nhà sản xuất công bố trên bao bì và người tiêu dùng không được chứng kiến hay thỏa thuận.

Vì thế, trên thực tế đang có rất nhiều vấn đề bất cập nảy sinh đối với hàng đóng gói sẵn, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp... của các nhà sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này.

Qua các đợt thanh tra gần đây, nhiều sở KH&CN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hàng hóa đóng gói sẵn.

Có thể nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ là gian lận nhỏ trên một gói hàng và dễ dàng bỏ qua. Nhưng nếu hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm tương tự thì rất nhiều người tiêu dùng sẽ thiệt thòi và đó là sự gian lận lớn.

* Các sản phẩm hàng đóng gói sẵn sẽ được xác định mức độ gian lận theo những tiêu chí nào?

- Mục đích của đợt thanh tra là vừa đo lường vừa kiểm tra chất lượng hàng hóa, lấy mẫu xác suất để kiểm tra chất lượng.

Đồng thời cũng kiểm tra cả mã số mã vạch của sản phẩm đóng gói sẵn, vì hiện nay có tình trạng nhiều chủ sản xuất không đăng ký mã số mã vạch, nhưng vẫn gắn lên sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng như một dạng “tem” bảo đảm chất lượng. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra về sở hữu công nghiệp, mẫu mã xem sản phẩm có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Những nội dung chúng tôi đã yêu cầu thanh tra sở KH&CN các tỉnh thành tập trung kiểm tra là việc ghi nhãn hàng hóa, kiểm tra đối chiếu theo quy định lượng thiếu (sai số) cho phép trong đóng gói và chất lượng có đúng như công bố thông tin trên bao bì.

* Các sản phẩm khi bị phát hiện có sai phạm, gian lận có được công bố công khai không? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý những nhãn hàng, sản phẩm gian lận, thưa ông?

- Bước đầu, ngay sau khi phát hiện sai phạm, thanh tra các sở KH&CN đã xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền theo quy định hơn 600 triệu đồng, thu hồi số lợi nhuận bất hợp pháp từ số sản phẩm vi phạm.

Đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất phải áp dụng những hình thức khắc phục hậu quả như buộc định lượng lại hàng hóa, buộc công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, buộc hoàn thiện ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy chuẩn...

Chúng tôi đã yêu cầu thanh tra sở KH&CN từng địa phương phải công bố rộng rãi thông tin về những sản phẩm hàng đóng gói sẵn vi phạm về khối lượng (thiếu hụt), về chất lượng (không đảm bảo, sử dụng nguyên liệu không đúng như công bố...), mã số mã vạch không đăng ký, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp...

Khiếu nại ở đâu?

Theo các chuyên gia, nếu người tiêu dùng mua phải hàng thiếu trọng lượng, dung tích như thông tin niêm yết tại bao bì có thể khiếu nại tới hội bảo vệ người tiêu dùng và phòng bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Ngoài Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, hiện cả nước có gần 50 hội bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương.

Theo Thanh Hà

Cùng chuyên mục
XEM