Nhà đầu tư xuống nước, Samsung được tiến hành thương vụ sáp nhập lịch sử

17/07/2015 16:20 PM | Kinh doanh

Các nhà đầu tư đã đồng ý để Samsung thực hiện thương vụ sáp nhập giữa Cheil Industries và Samsung C&T.

Ngày hôm nay, các cổ đông đã chính thức “bật đèn xanh” cho thương vụ sáp nhập lịch sử của tập đoàn Samsung giữa 2 chi nhánh gồm Cheil Industries và Samsung C&T. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực truyền ngôi cho con trai của chủ tịch Lee Kun-hee.

Trước đó, thỏa thuận giữa Cheil Industries và Samsung C&T – 2 trong số 70 doanh nghiệp của Samsung gặp phải sự phản đối gay gắt của nhà đầu tư người Mỹ Eliot Associates và có nguy cơ không thể thực hiện được.

Các chuyên gia phân tích biết rằng, thương vụ sáp nhập được thiết kế để giúp Lee Jae-yong – người thừa kế trẻ tuổi của tập đoàn tăng quyền kiểm soát tại Samsung Electronics – mảng kinh doanh quan trọng nhất của đế chế Samsung. “Samsung và gia đình họ Lee đã nỗ lực trong hơn 1 thập kỷ qua để thực hiện mục tiêu đơn giản là chuyển đổi cổ phần sở hữu và kiểm soát tại những công ty khác nhau thuộc Samsung cho thế hệ tiếp theo trong gia đình”, Bernstein viết.

Lee Kun-hee – vị chủ tịch tập đoàn đã phải trải qua cơn đột quỵ vào năm ngoái. Chính vì vậy, kế hoạch chuyển giao quyền lực của ông lại càng được đẩy nhanh hơn. Eliot thì cho rằng, thỏa thuận này không tốt cho các cổ đông của C&T và vận động ngăn cản thương vụ.

Thực tế nếu trong trường hợp xấu, phía những nhà đầu tư và dẫn đầu là Eliot thành công, kế hoạch đơn giản hóa hệ thống cổ phần phức tạp tại Samsung chắc chắn sẽ bị chệch hướng. “Samsung Group không phải là một thực thể pháp lý. Samsung Group chỉ là một cụm từ để thuận tiện cho việc liên tưởng đến một nhóm những công ty có mối liên hệ chặt chẽ với nhau mà thôi”, trích trên website chính thức của công ty.

Samsung hiện là “chaebol” lớn nhất Hàn Quốc, tập đoàn gia đình trị chiếm gần 1/5 lượng xuất khẩu của quốc gia này. Những tập đoàn lớn như Samsung thường khởi đầu từ một doanh nghiệp nhỏ nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ và nhiều ưu đãi đặc biệt, họ bùng nổ thành những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ. Đứng sau Samsung là LG, Hyundai và một số tập đoàn khác.

Các chuyên gia phân tích tại Bernstein thì cho rằng, việc Eliot đứng lên ngăn cản thương vụ sáp nhập sẽ tốt cho Samsung trong dài hạn. Đây là lần đầu tiên tập đoàn này bị buộc phải “cân nhắc đến quyền của những cổ đông tối thiểu”.

“Chúng tôi tin rằng bước đi này là tích cực và cần thiết trong đầu tư dài hạn không chỉ ở Samsung mà còn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Nó giúp đảm bảo rằng quyền của cổ đông thiểu số được nâng cao hơn và không có bất cứ sự thiên vị nào.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM