Nhà băng ngoại xông pha, ngân hàng nhà sắp bị nuốt chửng?

14/12/2015 09:27 AM | Kinh doanh

Sự đổ bộ của khối ngân hàng ngoại dồn dập từng ngày, nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang xin chuyển sang ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Cờ đã đến tay, ngân hàng ngoại phất. Cuộc chiến "nội - ngoại" chính thức bước vào hồi gay cấn!

Ngân hàng ngoại tổng tấn công thị trường tài chính Việt Nam

Chưa bao giờ thị trường tài chính trong nước lại ghi nhận một cuộc tổng tấn công ồ ạt, liên tiếp từ ngân hàng ngoại như hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 ngân hàng 100% vốn ngoại hoạt động tại Việt Nam. Các ngân hàng này bao gồm: Citibank, HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank và Public Bank Berhad.

Ngoài ra còn rất nhiều các ngân hàng nước ngoài khác đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam như Maybank (Malaysia) với 2 chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM. Ngân hàng Kasikorn - một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan cũng chính thức thành lập 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xem xét, cấp phép hoạt động cho một ngân hàng nước ngoài khác là UOB (Singapore) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu UOB xin cấp phép thành công sẽ nâng con số nhà băng ngoại 100% vốn hoạt động lên tới 8. Đó là chưa kể 47 chi nhánh và 53 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Trước biến động trên, nhận định của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dù liên tục phát triển và mở rộng sự hiện diện, nhưng thị phần của khối ngân hàng nước ngoài hiện vẫn ở mức thấp.

Số liệu cập nhật đến 31/12/2014, thị phần của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 6,92% tổng thị phần, trong khi ngân hàng 100% vốn và ngân hàng liên doanh chỉ chiếm tương ứng khoảng 3% và 0,75% tổng thị phần (xét theo tổng tài sản).

Tuy vậy, về tốc độ tăng thị phần, mặc dù vốn điều lệ/vốn được cấp có xu hướng tăng từ mức 13% lên đến 19,1% nhưng thị phần tổng tài sản và huy động vốn của khối ngân hàng nước ngoài chỉ tăng nhẹ. Thị phần tổng tài sản từ 10,4% năm 2009 lên 10,67% năm 2014. Thị phần huy động vốn tăng từ 7,9% năm 2009 lên 8,19% năm 2014.

Có thể thấy rõ một điều, sự đổ bộ của ngân hàng ngoại vào thị trường Việt Nam trong năm 2015 là hiện tượng đón đầu hàng loạt các hiệp định thương mại tự do chẳng hạn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC...

Cho rằng việc các nhà băng ngoại tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam là tất yếu, bà Phạm Thùy Dương – Phó Tổng giám đốc Ernst&Young (EY) Việt Nam bày tỏ chắc chắn con số này sẽ chưa dừng lại và áp lực với các nhà băng nội trong cuộc cạnh tranh tới đây ngày càng rõ nét. Bởi thực tế không chỉ các nước trong khu vực, mà ngay cả các nước ngoài ASEAN cũng đang rất quan tâm thị trường tài chính Việt Nam.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Huy Thọ, Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cũng cho rằng, ngân hàng nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ, công nghệ và khả năng thực hiện các sản phẩm mới.

Chính điều này khiến hệ thống ngân hàng trong nước đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

“Về dài hạn, cùng với khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể gây áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn đến khối ngân hàng trong nước”, ông Thọ khẳng định.

Nhà băng nội đối phó bằng cách nào?

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của các ngân hàng nước ngoài trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm gia tăng yếu tố cạnh tranh, tạo sức ép buộc các ngân hàng trong nước phải đổi mới. Qua đó, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là, do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” khách hàng ruột của nước mình, mà còn mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ.

Với quy mô 90 triệu dân, thu nhập trung bình thấp thì hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là mảnh đất “màu mỡ” đối với ngân hàng ngoại.

Lo ngại về áp lực đè lên vai ngân hàng nội, ông Keith Pogson – lãnh đạo cấp cao của hãng kiểm toán EY cảnh báo rằng: Các ngân hàng Việt Nam còn 5 năm nữa để chuẩn bị nội lực cho mình, nếu như không muốn thị phần “rơi tõm” vào tay các ngân hàng ngoại.

"Đã tới lúc các ngân hàng Việt Nam thay đổi nhận thức và cần đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, vào giá trị cốt lõi. Bởi về lâu dài thị trường cần có những ngân hàng có mạng lưới thanh toán lớn, phục vụ mục tiêu bán lẻ tốt" - ông Keith nói.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, để "thắng" được trên sân nhà thì các ngân hàng nội phải mở rộng quy mô. Và NHNN cần tính tới việc sớm nới room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Việc nới room sẽ thu hút thêm nhà đầu tư mới, thu hút được thêm nguồn lực tài chính, sự hợp tác của các đối tác và mức độ hợp tác sẽ sâu sắc hơn.

Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo: "Việc nới room được thực hiện đồng thời với quy định cho phép tự do luân chuyển vốn sẽ gây ra nguy cơ khủng hoảng cho cả hệ thống, nếu hoạt động bán tháo diễn ra ồ ạt".

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM