Người trẻ tuổi không còn đặt tiền bạc lên hàng đầu, các tổ chức tài chính nên làm gì?

26/10/2015 14:57 PM | Kinh doanh

78% lượng người trong độ tuổi 18-35 ở châu Á, hay còn được gọi là thế hệ mới tại đây tin rằng đối với họ hạnh phúc còn quan trọng hơn cả việc kiếm tiền. Quan niệm mới gần như trái ngược với những gì mà các tổ chức tài chính xây dựng cho thương hiệu cũng như thông điệp của mình suốt hơn một thập kỷ qua.

Một nghiên cứu mang tên “Money Gap” của Y&R Asia và VML đã tiết lộ một sự khác biệt đáng kể trong cái nhìn của giới trẻ về vai trò của tiền trong cuộc sống của họ, và những quan điểm “cũ kỹ” của các tổ chức tài chính và thương hiệu khác.

Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái định vị thương hiệu từ các tổ chức tài chính sao cho phù hợp với phân khúc khách hàng phổ biến nhất hiện nay là những người trẻ tuổi, đặc biệt là các thương hiệu tài chính vốn có tiếng về sự bảo thủ.

Báo cáo trên cho biết, 78% lượng người trong độ tuổi 18-35 ở châu Á, hay còn được gọi là thế hệ mới tại đây tin rằng đối với họ hạnh phúc còn quan trọng hơn cả việc kiếm tiền.

Những người tham gia khảo sát cho hay họ muốn làm những công việc theo sở thích của mình, và sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ để sống trong niềm hạnh phúc đó. Thế hệ mới tại châu Á muốn nhìn thấy một thế giới mà tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ niềm đam mê và không bị ràng buộc bởi bất kỳ quan điểm hay hệ tư tưởng nào, dẫn lời ông Hari Ramanathan, giám đốc chiến lược của Y&R Asia.

Quan niệm mới gần như trái ngược với những gì mà các tổ chức tài chính xây dựng cho thương hiệu cũng như thông điệp của mình suốt hơn một thập kỷ qua.

"Trong con mắt của những người trẻ tuổi, vai trò quan trọng nhất của tiền hiện nay là mang lại cho họ sự tự do và giúp các cá nhân xuất sắc nhận được nhiều cơ hội hơn trong tương lai" Ramanathan nói.

Trong khi đó, các thương hiệu tài chính vẫn chỉ tập trung quảng bá về tính năng các sản phẩm của mình mà không chú ý đến suy nghĩ và mong muốn của khách hàng. Thế hệ trẻ ngày nay tỏ ra vô cùng khác biệt khi nhìn nhận tiền chỉ là công cụ giúp họ theo đuổi đam mê, chứ không thể mang lại đam mê cho họ.

Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng không hề đánh giá cao hay nhận thức đúng mức về các thương hiệu tài chính. Tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, thứ hạng về độ phổ biến của các thương hiệu này trong mắt đa số người dân là rất thấp. Các ngân hàng chỉ đứng thứ 85 trong số 115 lĩnh vực tại Trung Quốc, bảo hiểm có vị trí là 49 và ngành tín dụng là 43.


Người tiêu dùng không đánh giá cao các thương hiệu về tài chính

Người tiêu dùng không đánh giá cao các thương hiệu về tài chính

Rajeev Lochan, giám đốc nghiên cứu và tài chính tại VML đã chỉ ra một sự thay đổi cơ bản: Thế hệ mới ở châu Á không quan tâm và đánh giá cao hình ảnh sang trọng hay lâu đời thường thấy ở các thương hiệu tài chính lớn trên thế giới, dẫn đến việc những tổ chức này dù rất nổi tiếng nhưng lại không thể kết nối hiệu quả với các khách hàng trẻ tuổi.

Những người này cho biết họ cảm thấy mình thuộc một thế giới khác, hoàn toàn không liên quan đến những viễn cảnh mà các thương hiệu tài chính vẽ ra. Cụ thể, đến 80% nhận thấy những thông điệp mang hơi hướng xa xỉ hiện nay là một cái gì đó quá mới mẻ và không phù hợp với suy nghĩ và hoàn cảnh của họ.

"Quan niệm về thành công giờ đây không chỉ liên quan đến những thành tựu trong kinh doanh hay sự tích lũy tài chính khổng lồ, mà còn là cảm giác được ghi nhận và ngưỡng mộ bởi những người xung quanh, thậm chí điều này còn mang lại nhiều hạnh phúc hơn.", Lochan giải thích.

Gần 82% số người cho biết, họ mong muốn đem đến được một điều gì lớn lao và đủ sức ảnh hưởng đến thế hệ của mình, nhờ vậy sẽ có được sự tôn trọng của những người khác, thay vì chỉ chăm chăm kiếm tiền.

"Để thích ứng với sự thay đổi này, các tổ chức tài chính cần thay đổi việc định vị thương hiệu cũng như hình ảnh của mình trong nhận thức của giới trẻ, nhằm mang lại cho họ sự trải nghiệm thú vị và nhiều động lực hơn, chứ không phải những gói dịch vụ tài chính nhàm chán hay một tương lai mơ hồ. Tập trung vào việc giúp các khách hàng trẻ trung theo đuổi đam mê cũng như khích lệ sự nhiệt huyết trong họ sẽ là xu hướng mới trong những thông điệp của các thương hiệu tài chính toàn cầu. "Lochan nhận định.

Nghiên cứu này dựa trên việc thu thập các đánh giá chuyên sâu từ Generation Asia, khảo sát người tiêu dùng của các thương hiệu tại châu Á và những người tham gia đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Phillipines, Ấn Độ và Hong Kong.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM