Nestlé gặp sự cố ở Ấn Độ: Bài học không mới

11/07/2015 16:16 PM | Kinh doanh

Sự cố về an toàn thực phẩm của Neslé tại Ấn Độ có khiến thương hiệu này mất vị trí dẫn đầu?

New Delhi (Ấn Độ) đã ban hành lệnh cấm bán mì gói hiệu Maggi của Hãng Nestlé trong vòng 15 ngày trong khi đợi thêm kết quả kiểm tra về hàm lượng chì trong sản phẩm này trên toàn quốc.

Trước đó, các cuộc kiểm tra tại Delhi và bang Uttar Pradesh cho thấy hàm lượng chì trong mì gói Maggi ở mức rất cao. Hãng tin AFP dẫn lời quan chức thuộc Bộ Thực phẩm và Người tiêu dùng Ấn Độ, G. Gurucharan cho biết: "Các cuộc kiểm tra ở Delhi cho thấy 10 trong số 13 mẫu (mì Maggi) có hàm lượng chì quá mức cho phép (mức quy định là 2,5/1 triệu)".

Hàng loạt bang khác trên Ấn Độ, bao gồm Goa, Haryana, Gujarat, Karnataka và Tamil Nadu cũng đang tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm đối với Maggi. Tại bang Kerala, hơn 1.000 cửa hàng nhà nước đã ngưng bán mì gói Maggi.

Trong khi đó, Nestlé Ấn Độ đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng sản phẩm của mình hoàn toàn an toàn. Maggi là một thương hiệu rất phổ biến ở Ấn Độ với doanh số hàng năm lên đến 15 tỉ rupee (khoảng 235 triệu USD).

Tuy nhiên, công ty này cũng thừa nhận, vụ việc đã gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh doanh của Nestlé tại Ấn Độ.

Tập đoàn Future - nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ cho biết vì lợi ích của khách hàng, họ đã bỏ mỳ Maggi khỏi toàn bộ 500 cửa hàng cho đến khi kết quả kiểm tra được công bố. Bang miền Nam Kerala cũng đã yêu cầu 1.000 cửa hàng tạp hóa tại đây lấy sản phẩm trên ra khỏi gian hàng cho đến khi có kết quả.

Phiên tòa đã được hoãn lại đến ngày 14/7 để có thời gian Nestlé đáp ứng với chứng thư từ Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) và từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) bang Maharashtra.

FSSAI cho biết không cấm Nestlé xuất khẩu mì mặc dù phải tuân thủ lệnh cấm ở Ấn Độ để Nestle Ấn Độ có thời gian thu hồi và thay thế bằng những sản phẩm đã vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn. Quyết định này trông giống như tiêu chuẩn kép.

Nhưng ngày 8/6, Singapore đã dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời về nhập khẩu mì Maggi sau khi xác nhận sản phẩm của thương hiệu này an toàn. Hồng Kông cũng đã cho nhập khẩu trợ lại mì Nestlé.

Nhiều nhà phân tích thị trường đang đánh cược rằng mì Maggi sẽ sớm trở lại thị trường Ấn Độ và Nestlé có thể phục hồi danh tiếng. Giá cổ phiếu của Nestlé Ấn Độ, vốn đã sụt giảm hơn một phần năm vào thời điểm tồi tệ nhất (xem biểu đồ), đã tăng gần 5% sau phán quyết của tòa án.

Tuy nhiên, không phải như vậy mà Nestlé chủ quan. Theo danh sách "Thương hiệu bị ghét nhất hành tinh" của The Richest mới đưa ra, có những cái tên khá quen thuộc như Nestlé, McDonalds, Wal-Mart... Nestlé vào những năm 70 từng bị cáo buộc lừa dối các bà mẹ từ những nước thuộc thế giới thứ ba sử dụng các sản phẩm sữa công thức của họ.

Sữa công thức hiển nhiên đắt hơn nguồn sữa mẹ. Nestlé còn hối lộ các bệnh viện để quảng bá sản phẩm, bằng cách cung cấp những chai, hộp miễn phí, công thức, thậm chí nội thất văn phòng... Khi điều này bị phanh phui, một làn sóng tẩy chay toàn cầu đối với Nestlé diễn ra.

Năm 2010, nhãn hàng KitKat của Nestlé phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng thương hiệu do sự tấn công ồ ạt từ các trang mạng xã hội trong chiến dịch bảo vệ những khu rừng nhiệt đới của tổ chức Greenpeace.

Greenpeace phát hiện ra rằng Nestlé đã lấy nguồn dầu cọ từ Sinar Mas (đối tác của Nestlé), một công ty Indonesia bị cho là đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Đối với nhiều người, sự tẩy chay Nestlé còn kéo dài đến tận hôm nay.

Theo HÀ CÚC

Cùng chuyên mục
XEM