Muốn kinh doanh quốc tế, phải chú ý màu sắc!

06/04/2015 08:29 AM | Kinh doanh

Mỗi quốc gia có một cách hiểu khác nhau về màu sắc, do đó, cần tìm hiểu kỹ trước khi muốn xâm nhập thị trường nước ngoài.

Nội dung nổi bật:

- Màu sắc là yếu tố quan trọng trong marketing, ảnh hưởng lớn đến mức độ một công ty được đón nhận hay việc khách hàng sẽ phản ứng như thế nào.

- Mỗi quốc gia có một cách hiểu khác nhau về màu sắc, do đó, cần tìm hiểu kỹ trước khi muốn xâm nhập thị trường nước ngoài.


Xanh lam được coi là màu “an toàn” nhất trên thế giới. Xanh lam cũng liên tục được nhắc đến như màu sắc phổ biến nhất, thống trị trên logo của nhiều cái tên lớn như IBM, Barclays, Nokia và EU. Một cuộc khảo sát các công ty Internet do ColourLovers thực hiện cho thấy đây là màu họ lựa chọn nhiều nhất, sau đó mới đến đỏ.

Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty mở rộng thị phần ra nước ngoài. Khi di chuyển giữa các nền văn hóa, chắc chắn màu sắc là một yếu tố đáng quan tâm. Chỉ riêng việc chọn màu cũng có thể ảnh hưởng lớn đến mức độ công ty đó được đón nhận hay phản ứng của khách hàng. Mối liên kết chặt chẽ giữa Starbucks với màu xanh lá hay hình ảnh Coca-Cola gắn liền với màu đỏ là những ví dụ điển hình. 

Nghiên cứu trong lĩnh vực marketing cho thấy hơn 80% thông tin hình ảnh liên quan đến màu sắc. Vậy hãy thử tìm hiểu ý nghĩa của các màu sắc khác nhau trên thế giới.

Đỏ: Đỏ gắn liền với đam mê và nguy hiểm tại các quốc gia phương Tây, nhưng lại gợi liên tưởng đến cái chết hay đám tang ở Côte d’Ivoire và Nam Phi. Với người Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho đám cưới và may mắn trong khi tại Nga, đỏ lại là màu của chủ nghĩa Cộng sản. Theo một số chuyên gia, màu đỏ luôn thu hút sự chú ý, bất kể là ở đâu.

Cam: Tại Ấn Độ, vàng nghệ là màu linh thiêng, trong khi với người Ai Cập, nó chỉ gợi ra tang thương. Ở châu Âu, công ty viễn thông Pháp Orange (Màu Cam) với khẩu hiệu “Tương lai tươi sáng – Tương lai màu cam” đã rất thành công những năm 1990. Thế nhưng hãng này phải nhanh chóng thay đổi khi mở rộng sang Bắc Ireland. Nguyên nhân là màu cam liên hệ chặt chẽ đến nhóm Tin lành “Trật tự Cam” (Orange Order), khiến những người khác theo Công giáo phẫn nộ. Tuy nhiên, chắc hẳn công ty này sẽ làm ăn phát đạt ở Hà Lan khi tại đây, màu cam gắn liền với hình ảnh hoàng gia. 

Vàng: Màu vàng là biểu tượng của sức mạnh tại Ảrập Xêút nhưng lại là tang tóc tại Ai Cập, Ethiopia và Mexico. Người Đức thấy màu vàng sẽ nghĩ ngay đến sự đố kỵ. Ở Thái Lan, vàng lại là màu sắc hoàng gia và gắn với sinh nhật của Quốc vương vào ngày 5/12.

Xanh lục: Có thể với người Ireland hay người Mỹ, đây là màu của may mắn. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, câu “đội một chiếc mũ xanh lục” nghe giống với “gã chồng bị cắm sừng”. Vậy nên hãy cẩn thận với những thứ màu xanh bạn khoác lên người khi du lịch Trung Quốc! Người Nhật liên hệ màu xanh với sự sống, trong khi ở Indonesia, điều đó là cấm kỵ. Tại Bắc Phi, xanh lục gợi liên tưởng đến sự mục nát nhưng lại gợi ra tiền với người Mỹ.

Xanh lam: Êm dịu và sạch sẽ, các ngân hàng sử dụng màu xanh lam ở phương Tây để gợi lên sự tin tưởng. Với các quốc gia phương Đông, xanh lam hàm nghĩa cuộc sống bất tử. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á, xanh da trời lại là màu đám tang. Pepsi từng mất thị phần nghiêm trọng tại một quốc gia Đông Nam Á vào những năm 1950 khi thay đổi máy bán hàng tự động của mình từ xanh hoàng gia sang màu lam nhạt. Lý do là tại nước này, màu lam nhạt gắn liền với cái chết.

Tím: Màu tím gợi liên tưởng đến hoàng gia hoặc sự xa xỉ tại Nhật Bản và các nước phương Tây, trong khi lại gắn với đám tang hay chết chóc ở Brazil, Ấn Độ và Thái Lan. Hiếm công ty Internet nào sử dụng màu này, nhưng ta có thể kể ra một vài cái tên nổi bật như Yahoo, Craigslist và Monster.

Khi EuroDisney sử dụng lượng lớn màu tím trên những mẫu biển hiệu đầu tiên, một vài khách du lịch người châu Âu theo Công giáo cho rằng các biển hiệu này không lành mạnh vì màu tím gợi liên hệ mật thiết đến cái chết và hình ảnh Chúa bị đóng đinh lên cây thập tự. Sử dụng màu tím là ưu tiên của CEO lúc đó với ý định sẽ nổi bật như sắc đỏ của Coca-Cola, nhưng cuối cùng công viên giải trí cũng phải đổi màu biển tên. 

Đen và trắng: Thậm chí hai màu đen trắng cũng không hề đơn giản. Đen là màu quốc gia của New Zealand, nhưng lại gợi đến sự ô uế ở Ethiopia, ác quỷ ở Tây Tạng và Trung Đông, bé trai ở Trung Quốc. Trắng tượng trưng cho đám tang tại hầu hết các nước phương Đông. Tuy nhiên, người New Guinea thì cho rằng trắng là màu của thịnh vượng.

Với bất kỳ màu sắc nào, bạn cũng nên cân nhắc xem ý nghĩa của chúng là gì ở quốc gia bạn muốn đến. Mỗi nền văn hóa lại có một cách hiểu khác nhau về màu sắc, do đó, hãy tìm hiểu kỹ trước khi có ý định vươn ra thị trường nước ngoài.

>> Bí kíp 'bách chiến bách thắng' như một Samurai trong kinh doanh

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM