M&A nông nghiệp: "Đường tắt" chiếm lĩnh thị trường của các đại gia Việt?

21/08/2015 09:37 AM | Kinh doanh

Vượt mặt được bầu Đức để trở thành tỷ phú thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, tập đoàn Hòa Phát của bầu Long vẫn đang “dò dẫm”. Trong khi đó, Masan chỉ một bước đã trở thành tập đoàn số 1 trong lĩnh vực cám heo sau khi thâu tóm Cám Con Cò và Anco. Những thương vụ M&A có phải là "lối tắt" giúp đi đến thành công?

Nội dung nổi bật:

- Lĩnh vực nông nghiệp càng trở nên hấp dẫn khi xuất hiện bóng dáng nhiều tỷ phú hàng đầu Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, bầu Đức, bầu Long, bầu Hiển

- Trong khi Hòa Phát mất khá nhiều thời gian đầu tư cho lĩnh vực mới – chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, với mục tiêu chiếm thị phần chỉ 10% trong 10 năm tới, Masan chỉ một bước đã chiếm 15% thị phần thức ăn chăn nuôi bằng việc thâu tóm Cám Con Cò và Anco.

- Đi tắt đã hẳn đi nhanh? Vua cá Hùng Vương liên tục thực hiện các hoạt động M&A các doanh nghiệp cùng ngành. Kết quả trước mắt: Hùng Vương lãi sau thuế giảm mạnh, một phần do chi phí tài chính đội lên từ các hoạt động M&A, một phần do kết quả kinh doanh của các công ty con sau M&A ngày càng đi xuống


Làm nông không khó

Dù chưa thể nói thời kỳ coi làm nông gắn với nghèo khó đã qua, nhưng những gì mà các tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang làm thời gian gần đây cũng khiến dư luận có một góc nhìn khác về lĩnh vực nông nghiệp.

Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã công bố báo cáo tài chính quý 2 với doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Bất ngờ hơn, bán bò – hoạt động lần đầu ghi nhận doanh thu – lại đem lại tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho công ty của bầu Đức, với gần 800 tỷ đồng, chiếm 39% doanh thu toàn công ty.

Cũng trong quý 2, theo công bố của Tập đoàn Masan, doanh thu của tập đoàn cũng tăng tới 52% với công lao chủ yếu thuộc về công ty con Masan Nutri-Science - công ty được thành lập từ thương vụ mua lại công ty Sam Kim, vốn đang nắm giữ 52% vốn cổ phẩn của CTCP sản xuất thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco, được biết đến nhiều với sản phẩm Cám Con Cò) và 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco).

Lĩnh vực nông nghiệp càng trở nên hấp dẫn khi xuất hiện bóng dáng nhiều tỷ phú Việt Nam khác như bầu Hiển được sở hữu 50% vốn điều lệ Tổng công ty Rau quả Nông sản - Công ty TNHH MTV (Vegetexco) (mặc dù còn nhiều nghi ngờ bầu Hiển đầu tư “rau” hay “đất”), hay CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất được duyệt mua gần 64% vốn điều lệ của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea).

Trước đó, có thể kể đến những cái tên khác như Vingroup, Hòa Phát, Pan Pacific...

M&A: Đi tắt có dẫn đầu?

Mặc dù ông chủ của Hòa Phát đã vượt mặt được bầu Đức để trở thành tỷ phú thứ 2 trên sàn chứng khoán, nhưng trong lĩnh vực mới – chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát vẫn đang “dò dẫm tìm đường”.

Ở bước đầu tìm hiểu thị trường, Hòa Phát hiện đang nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để bán cho các nhà sản xuất trong nước. Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát đang được xây dựng và dự kiến sẽ cho ra sản phẩm trong quý 1/2016.

Tuy nhiên từ tháng 9/2015, Hòa Phát sẽ bắt đầu bán thí điểm sản phẩm đặt gia công để thăm dò thị trường. Với lĩnh vực mới này, Hòa Phát đặt mục tiêu 10 năm chiếm 10% thị phần.

Thay vì chọn “lối chính ngạch” – vốn dĩ rất mất thời gian - như Hòa Phát và Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp đã chọn “lối tắt” bằng cách M&A (mua bán – sáp nhập) các doanh nghiệp trong lĩnh vực muốn nhắm tới. Với cách thức này, có doanh nghiệp chỉ 1 bước từ vô danh nhảy lên ngôi đầu trong lĩnh vực mới. Nhưng không hẳn kết quả M&A lúc nào cũng vậy.

Masan: Thâu tóm doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Khoảng 3 năm trở lại đây, Masan liên tục thực hiện các cuộc thâu tóm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, để hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm)

Với việc thâu tóm Proconco và Anco, Masan đã ngay lập tức nắm trong tay 15% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Vị thế trong ngành:

- Số 1 lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cho heo

- Số 2 trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc

- Tỷ suất biên lợi nhuận gộp của Masan Nutri-Science: 19,1%, cao nhất trong ngành

Pan Pacific: Nông nghiệp và thực phẩm

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Pan Pacific, và cũng là Chủ tịch HĐQT của SSI.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Pan Pacific, và cũng là Chủ tịch HĐQT của SSI.

CTCP Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) của ông chủ SSI xuất phát điểm là công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp, nhưng cũng đặt mục tiêu doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng, thực phẩm…

Tuy nhiên, những tính toán của ông Nguyễn Duy Hưng rất khó lường. Các danh mục đầu tư hiện tại của Pan gồm:

- CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An: 23%. Lĩnh vực: Xuất khẩu hạt điều

- CTCP Thực phẩm Pan (Pan Food): 99,99%. Lĩnh vực: Nông nghiệp và thực phẩm

- CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC): 58%, mới đây Pan Pacific đã đăng ký mua thêm 5%, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 63%. Lĩnh vực: Giống cây trồng

Thông qua NSC, Pan Pacific đã gián tiếp sở hữu cổ phần tại nhiều công ty cùng lĩnh vực. Cụ thể: CTCP Giống cây trồng Miền Nam: tỷ lệ sở hữu của NSC là 61,4%, Pan sở hữu gián tiếp 35,5%; CTCP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam: Pan sở hữu 48%; CTCP Giống cây trồng Hà Tây: 30%; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre: 63,2%.

Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Thủy sản và Nông nghiệp của Masan 6 tháng đầu năm 2015.

Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Thủy sản và Nông nghiệp của Pan Pacific 6 tháng đầu năm 2015.

Trong khi hệ số biên lợi nhuận trước thuế lĩnh vực thủy sản tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015, Pan lại quyết định thoái toàn bộ cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre để dồn vốn cho Pan Food nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Vị thế trong ngành hiện tại: Chưa xác định.

- Hùng Vương: Thâu tóm các công ty cùng ngành

Từ một doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, CTCP Hùng Vương (Mã CK: HVG) đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành như Việt Thắng, An Giang, Thực phẩm Sao Ta, Lâm thủy sản Bến Tre. Chiến lược này giúp Công ty tăng doanh thu từ 4.700 đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỉ đồng vào năm 2014.

Nhưng có hẳn đây là chiến lược khôn ngoan?

Bất chấp những kết quả đạt được trong năm 2014, năm 2015 chứng kiến sự thụt lùi đến bất ngờ về lợi nhuận của Hùng Vương.

Hùng Vương và Vĩnh Hoàn là 2 doanh nghiệp đáng chú ý nhất của ngành thủy sản trên sàn chứng khoán. Trong khi Vĩnh Hoàn quý 1 và quý 2 luôn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột phá, lần lượt tăng ở mức 183% và 34%, thì Hùng Vương lại tăng trưởng.... thụt lùi.

Quý 1, doanh thu thuần hợp nhất của Hùng Vương giảm 16,5%, đạt 3,120 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hợp nhất chỉ đạt 50,17 tỷ đồng, giảm 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý 2, thời điểm bước vào giai đoạn sản xuất chính của các doanh nghiệp trong ngành, hoạt động tài chính với doanh thu suy giảm, cộng thêm chi phí tăng vọt khiến lợi nhuận của Hùng Vương giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý 2 của Hùng Vương chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 71,6% so với cùng kỳ 2014.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là hoạt động tăng cường M&A khiến chi phí gia tăng, trong khi đó, nhiều công ty mua lại ngày càng chứng minh hoạt động làm ăn kém hiệu quả.

Kết quả kinh doanh Quý 2 của một số công ty con của Hùng Vương sau M&A:

- CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) 15,7 tỷ đồng, giảm gần 17%

- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF): 6,87 tỷ đồng chỉ bằng 1/7 mức LNST đạt được trong quý 2/2014 (45,2 tỷ đồng).

- CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF): bất ngờ lãi sau thuế đạt 59,9 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ. Trước đó Quý 1, lợi nhuận sau thuế của Việt Thắng giảm 30% so với cùng kỳ.

Nguồn: Vietstock.

Nguồn: Vietstock.

Trong khi đó, Hùng Vương vẫn tiếp tục miệt mài với các hoạt động M&A. Trong tháng 3 vừa qua, HVG tiếp tục nâng tỉ lệ sỡ hữu tại VTF lên 90,28%. Quý 2/2015, công ty nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thưc phẩm Sao Ta và CTCP CBTS Xuất khẩu Tắc Vân lên trên 50%.

Trước đó, cũng có một loạt thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực lương thực khi một số công ty lương thực cổ phần hóa, ông chủ chuỗi siêu thị Nguyễn Kim đã góp vốn và có ghế tại hội đồng quản trị một số công ty lương thực như Docimexco, Angimex, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương Thực.

Mặc dù đều là các công ty lớn trong ngành, nhưng sau thời gian ăn nên làm ra, hiệu quả kinh doanh của những công ty nói trên bắt đầu đi xuống, có công ty lợi nhuận liên tục giảm, hoặc thậm chí lỗ như như Angimex, Thực phẩm Vĩnh Long và Docimexco. Đáng chú ý nhất là Docimexco lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2013, lỗ tới 138 tỉ đồng) và đã bị buộc hủy niêm yết từ 15/5/2014.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM