Làm sao để Hy Lạp không rơi vào thảm kịch như Argentina

03/07/2015 10:55 AM | Kinh doanh

Một đất nước với lịch sử của những cuộc thâm hụt lớn, tỷ lệ lạm phát cao và kinh tế trì trệ thường tìm kiếm những cột neo cứu trợ từ bên ngoài. Neo tỷ giá với đồng tiền của một đất nước bình ổn hơn là một cách để làm điều đó. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, neo tỷ giá có thể trở thành nguồn gốc của thảm họa.

Khoảng 15 năm trước, người Hy Lạp nghĩ mình có thể giải quyết khôn ngoan hơn. Họ quyết định vứt bỏ loại tiền tệ mất giá của mình để sử dụng đồng euro. Cách làm này mới đầu thực sự có hiệu quả. Trong vòng gần 10 năm, đất nước đã phát triển chưa từng thấy. Những nguồn vay nợ từ nước ngoài giúp đất nước này gia tăng mức lương và tiêu dùng. Nhưng khi thời kỳ hưng thịnh qua đi, không có gì bất ngờ khi đất nước chìm trong nợ nần mà đến giờ vẫn chưa giải quyết hết.

Gần một thập kỷ trước khi Hy Lạp gia nhập Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu, một đất nước khác cũng nghĩ rằng mình tìm được cách đơn giản để đảm bảo ổn định tài chính. Vào năm 1991, Argentina giới thiệu đồng tiền mới được neo một-đổi-một và “không hủy ngang” với đồng USD.

Mới đầu, chính sách này mang lại hiệu quả tốt. Tăng trưởng trở lại và niềm tin của các nhà đầu tư đã tạo ra dòng chảy lớn nguồn vốn nước ngoài vào trong nước. Nhưng sau khoảng 10 năm, câu chuyện đã nhuốm màu u ám. Đối tác thương mại chủ đạo của Argentina mất giá tiền tệ, đồng đô la Mỹ được đánh giá cao và giá các sản phẩm xuất khẩu chính giảm. Argentina gặp vấn đề lớn về xuất khẩu, thâm hụt đối ngoại tăng còn tăng trưởng thì chậm lại.

Hơn nữa, chính sách tài khóa không được kiểm soát khiến nợ công tăng lên. Các nhà đầu tư quốc tế mới đầu sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chính phủ, nhưng phí bảo hiểm rủi ro bắt đầu tăng khi mức thâm hụt nghiêm trọng đến mức không thể đảo ngược. Vào lúc này, chính sách neo tỷ giá “không hủy ngang” với đồng USD bắt đầu mất uy tín và phí bảo hiểm rủi ro vượt ngoài tầm với. Argentina phải viện đến sự hỗ trợ tài chính từ của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và một vài nước khác (như Mỹ).

Gói cứu trợ đầu tiên dự kiến sẽ phục hồi mức tăng trưởng, giảm thâm ngụt ngân sách và cải cách cơ cấu. Tuy nhiên không một mục tiêu nào được thực hiện, vì nền kinh tế đã suy giảm dưới tác động của các biện pháp tài khóa thắt chặt, chưa thể phục hồi nhờ gia tăng xuất khẩu bởi nền tảng xuất khẩu còn quá hẹp và tiền lương chưa giảm nhiều. Một năm sau đó, một gói cứu trợ thứ hai được đưa ra, nối tiếp là một cuộc "tự nguyện" gia hạn nợ.

Nhưng tất cả những điều đó chưa đủ để hồi phục niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, họ đã không còn tin tưởng rằng chính phủ có thể trả lãi cho khoản nợ khi sự phản đối của xã hội leo thang và nền kinh tế tiếp tục bị thu hẹp. Tệ hơn, những nhà cứu trợ của đất nước này đã mất niềm tin vào chính phủ và bắt đầu rút các khoản tiền gửi. Chính phủ áp dụng chính sách kiểm soát tài chính, nhưng nền kinh tế suy yếu và căng thẳng xã hội bùng nổ. Chính phủ sụp đổ, và một trong số những nhà kế nhiệm tuyên bố chấm dứt thanh toán cho các trái chủ nước ngoài và bỏ chính sách neo tỷ giá.

Trong 10 năm, Argentina chuyển từ tình trạng neo tỷ giá vào đồng USD sang khủng hoảng nợ vào cuối 2001, đầu 2002.

Liệu Hy Lạp có lặp lại quá khứ của Argentina?

Diễn biến tại Hy Lạp đến 2011-2012 trông giống như quay lại một bộ phim về Argentina. trong suốt thập kỷ đầu sử dụng đồng euro, chính phủ đã chi quá tay và mất sức cạnh tranh so với Đức, giống như Argentina đã mất sức cạnh tranh với Brazil. Hy Lạp cũng phải thuyết phục các chủ nợ tư nhân bỏ một phần yêu sách của họ. Khi điều này được thực hiện vào năm 2012, tình hình đã ổn định cũng một phần nhờ vào sự hỗ trợ tài chính trên quy mô chưa từng có.

Nhưng ngay cả sau 2012, tình hình kinh tế cũng không cải thiện mặc dù tài chính đã tương đối ổn định. Ngành xuất khẩu tại Hy Lạp có quy mô nhỏ (giống như Argentina), và đất nước này đang xuất khẩu rất ít sản phẩm mang tính cạnh tranh (những sản phẩm có chi phí lương thấp). Việc bỏ phiếu cho Đảng chống thắt lưng buộc bụng vào năm nay đã khơi lại vòng luẩn quẩn của bất ổn chính trị và thất thoát vốn. Khi Thủ tướng Tsipras cắt đứt các cuộc đàm phán với các chủ nợ trong tuần qua và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, ông đã hy vọng tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nếu điều này không xảy ra, một kỳ nghỉ dài của ngân hàng và việc kiểm soát vốn là không thể tránh khỏi.

Tiếp theo sẽ là gì?

Những diễn biến trong những tháng cuối cùng của chế độ tiền tệ cứng nhắc tại Argentina là một bài học lớn: chỉ mất 36 ngày từ việc áp đặt kiểm soát vốn đến hồi kết. Luật pháp và trật tự đã bị phá vỡ khi mọi người thấy khoản tiết kiệm của họ biến mất. Khi không còn ai nộp thuế, chính phủ không thể hoạt động. Cuối cùng, tổng thống mới được bầu phải được giải cứu bằng trực thăng từ nơi ở của mình.

Điều gì sẽ giúp Hy Lạp tránh được tình trạng của Argentina? Giải pháp tốt nhất chắc chắn là một thỏa thuận cho phép các ngân hàng mở cửa sớm với sự kiểm soát ít ngặt nghèo hơn với xuất khẩu vốn. Tuy nhiên, điều này ít có khả năng xảy ra dù có hàng loạt đề xuất mới từ Athens đi ngược lại sự căng thẳng ngày càng gia tăng của chính phủ Syriza.

Một trong những khác biệt chính giữa Argentina lúc đó và Hy Lạp ngày nay là chính trị: tại Argentina, chính sách neo tỷ giá cứng nhắc với đồng đô la là một dự án của tầng lớp thượng lưu và không hề phổ biến. Ngược lại, tại Hy Lạp, dù phải “thắt lưng buộc bụng”, hỗ trợ cho các thành viên khu vực đồng euro vẫn có lợi hơn cho dân chúng hơn là chính phủ. Các cử tri vẫn mơ hồ rằng trở lại với đồng Drachma có nghĩa là rời khỏi châu Âu.

Về mặt pháp lý điều này là không đúng. Nước này sẽ lâm vào khủng hoảng nợ với các đối tác châu Âu, thậm chí có thể quay lại với đồng Drachma mà không bị mất tư cách thành viên EU. Nhưng, trên thực tế, Hy Lạp có thể bị chuyển thành thành viên cấp hai nếu nước này quay lưng lại với đồng tiền chung của châu Âu.

Cảm giác thuộc về châu Âu có thể làm nên sự khác biệt, khiến phần lớn người Hy Lạp chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng, và ngăn chặn Hy Lạp lặp lại thảm kịch của Argentina.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM