Lạc lối ở Shangywood

22/10/2015 08:59 AM | Kinh doanh

Thị trường phim đang bùng nổ của Trung Quốc như trêu ngươi các nhà sản xuất đến từ Mỹ.

Các hãng phim Mỹ đã dùng mọi cách để giành quyền được phát hành tại Trung Quốc khi mà thị trường phim ảnh tại đây tăng vọt. Từ năm 2003-2010 doanh thu phòng vé ở đại lục đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm trên 40%. Năm 2012 doanh thu điện ảnh ở Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới. Doanh thu phòng vé của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD mỗi năm trước năm 2017, khi mà Trung Quốc sẽ tiệm cận Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới (xem biểu đồ).

Không quá ngạc nhiên, các doanh nghiệp giải trí phương Tây đã và đang vung tiền vào thị trường Trung Quốc. IMAX, chuỗi rạp chiếu phim màn hình lớn, đã cho phát hành cổ phiếu của công ty con ở Trung Quốc hồi đầu tháng này để tài trợ cho việc mở rộng kinh doanh tại đây. Vào tháng Chín, Warner Brothers công bố một liên doanh với China Media Capital (CMC), một công ty đầu tư địa phương, để sản xuất các bộ phim phù hợp thị hiếu người Trung Quốc. CMC cũng là một nhà đầu tư của Oriental DreamWorks, một liên doanh địa phương hợp tác với DreamWorks, một studio của Mỹ, để thực hiện phần tiếp theo trong loạt phim "Kung Fu Panda".

Hollywood nên thận trọng với tiếng hát của những “mỹ nhân ngư”. "Con số tăng trưởng ấn tượng cho thấy đường đi được dát vàng, nhưng nó không dễ như vậy đâu," ông Peter Shiao đến từ Orb Media, một công ty sản xuất phim và thương mại độc lập, cảnh báo. Chỉ có hai cách để phim ảnh được sản xuất ở nước ngoài được thâm nhập vào thị trường Trung Quốc: 34 bộ phim lớn của nước ngoài được đưa vào hàng năm thông qua hệ thống hạn ngạch; các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được cho phép mua bản quyền từ 30-40 bộ phim nước ngoài nhỏ hơn hàng năm với mức phí cố định.


Tăng trưởng của thị trường phim Trung Quốc.

Tăng trưởng của thị trường phim Trung Quốc.

Để tránh những bất lợi này, các công ty nước ngoài đang đổ tiền vào các "sản phẩm chung" với đối tác địa phương. Tuy nhiên, văn hóa Trung Quốc đã chứng minh rằng hiểu được nó còn khó hơn là hiểu về chính trị Trung Quốc. Ông Clark Xu đến từ CMC nhận định "chưa ai giải mã được cách tạo ra các bộ phim hấp dẫn ở cả Trung Quốc và phương Tây." Thị hiếu phim ảnh ở Trung Quốc cũng đang thay đổi nhanh chóng, với doanh thu chủ yếu đến từ người xem trẻ tuổi và những người sống ở các thành phố nhỏ.

"Đó không phải chỉ là vấn đề tiền bạc," ông Gregory Ouanhon đến từ Fundamental Films, một hãng sản xuất và phân phối phim ở Thượng Hải, khẳng định. Ông nghĩ rằng các hãng phim phương Tây cuối cùng đã nhận ra nó khó và tốn thời gian như thế nào để phát triển một kịch bản có thể hấp dẫn cả nhà kiểm duyệt Trung Quốc và người đi coi phim.

Trong khi đó, các đối thủ địa phương, từng bị xem thường bởi các ông trùm Hollywood, đang có những bước tiến dài. Các công ty điện ảnh Trung Quốc đang đầu tư vào những công nghệ mới, nâng cao khả năng sáng tạo và thu hút đầu tư nhiều hơn. Những công ty lớn như Huayi Brothers Media và Beijing Enlight Media hiện nay đang sản xuất các bộ phim bom tấn của riêng mình. "Bị lạc ở Thái Lan", một bộ phim quay ở nước ngoài được phát hành bởi công ty Enlight vào năm 2012, trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên kiếm được 200 triệu USD tại các phòng vé. "Bị lạc ở Hồng Kông", phần tiếp theo của nó được phát hành vào cuối tháng Chín , kiếm được hơn 100 triệu USD vào cuối tuần đầu tiên được công chiếu.

Từ kịch bản cuốn hút cho đến kỹ xảo ma thuật, các hãng phim Hollywood vẫn đang đi trước các đồng nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đi tắt đón đầu trong một lĩnh vực khác: mô hình kinh doanh. Khi nhắc đến sự tích hợp Internet vào kinh doanh phim ảnh, "Trung Quốc đánh bại hoàn toàn Hollywood," ông Shiao lập luận. Ông cho rằng sự sáng tạo trong lĩnh vực này tại các công ty phương Tây đang bị bóp nghẹt bởi những lo ngại về bản quyền truyền hình và doanh thu DVD, những thị trường chưa bao giờ cất cánh ở Trung Quốc.

Được tự do khỏi những vấn đề đó, các công ty Trung Quốc đang thử nghiệm các mô hình kinh doanh nhằm phát triển doanh thu trực tuyến và tăng cường sự tham gia của người hâm mộ trên mạng xã hội. Nhà sản xuất phim "Vua khỉ", một bộ phim hoạt hình, đã kêu gọi đầu tư thông qua WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, bằng cách hứa hẹn thêm tên con của nhà đầu tư vào phần cảm ơn của phim nếu họ chịu bỏ ra hơn 100.000 nhân dân tệ (16.000 USD) mỗi người; bộ phim đã kêu gọi được 7 triệu nhân dân tệ bằng cách này.

Internet cũng trở thành một kênh phân phối quan trọng. Alibaba, Tencent và Baidu, các hãng Internet lớn nhất Trung Quốc, đều đang đầu tư vào video trực tuyến. Như ở Mỹ, doanh thu từ các dịch vụ trực tuyến được dự kiến ​​sẽ vượt doanh thu tại các phòng vé trong một vài năm tới. Khán giả Trung Quốc, về phần mình, đang ngày càng trẻ hóa và hiểu biết công nghệ: 63% mua vé xem phim trực tuyến, so với chỉ 13% ở Mỹ. Do đó, nếu Hollywood không tìm thấy một mỏ vàng ở Trung Quốc, nó vẫn có thể học được một ít về tương lai của ngành điện ảnh toàn cầu.

Đinh Ngọc Lam Điền

Cùng chuyên mục
XEM