Khi đồng Yên "cứu" nhiệt điện Phả Lại

05/05/2013 11:56 AM | Kinh doanh

Năm 2012 có thể coi là một năm kinh doanh tốt của công ty CP Nhiệt điện Phả lại khi công ty đã hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh đề ra. Kết thúc năm, công ty đạt doanh thu gần 4.800 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 776 tỉ đồng, tỉ lệ chia cổ tức đạt 10%. Đây có thể  coi là kết quả kinh doanh vượt trội nếu so với năm 2011, khi PPC hoàn toàn không có lãi.

Mặc dù vậy, tại ĐHCĐ thường niên 2013, chủ tịch HĐQT PPC, ông Phạm Kim Lâm cho biết, năm 2013, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 5.530 tỷ đồng, (tăng 15% so với thực hiện 2012), lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 400,29 tỷ. Con số 400 tỉ LNTT chỉ bằng già nửa so với những gì PPC đạt được năm 2012. Bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận khiêm tốn, PPC cũng đặt tỉ lệ chia cổ tức dự kiến chỉ 8%, thấp hơn so với năm 2012.

Thông thường, kế hoạch kinh doanh của một công ty thường đặt năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước từ 15 - 20%. Vì vậy, việc đưa ra những chỉ tiêu kinh doanh thấp trong năm 2013 của PPC khiến cổ đông lớn không đồng tình.
 
Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ hoạt động kinh doanh của PPC trong năm 2012, có thể thấy kế hoạch kinh doanh năm 2013 của công ty là hoàn toàn có cơ sở.

Trên thực tế, dù tăng trưởng về doanh thu trong năm 2012 nhưng nếu xét về chỉ tiêu sản xuất điêịn, PPC lại không hoàn thành yêu cầu đề ra. Với việc nền kinh tế gặp khó khăn trong năm 2012, áp lực về cung điện không cao như những năm trước, EVN đã ưu tiên phát công suất cao tại các nguồn thủy điện và huy động phát công suất thấp tại các nhà máy nhiệt điện. Có thời điểm, Nhiệt điện Phả Lại chỉ phải  phát điện một tổ máy. Sản lượng điện sản xuất trong năm 2012 của công ty đạt 5,427 tỷ kWh, đạt 93,21% kế hoạch. Sản lượng điện này chỉ tương ứng với khoảng 85% công suất của công ty.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất và bán điện cho EVN đã không đạt được chỉ tiêu đề ra, vậy khoản tiền lớn PPC thu được là từ đâu? Câu trả lời đó là chênh lệch tỉ giá. Khi người Nhật quyết định phá giá đồng yên của mình, có lẽ PPC là một trong những công ty vui nhất. Cùng với việc tỉ giá đồng yên giảm so với đồng Việt Nam, khoản nợ bằng đồng yên của PPC cũng giảm xuống. 

Ông Phạm Kim Lâm cho biết, nhờ vào việc tỷ giá giữa VND/JPY giảm gần 26 đồng trong năm 2012, công ty đã có lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá năm 2012 lên tới 103,88 tỷ đồng.

"Nhờ vào tỉ giá về đồng Yên tác động vào cuối năm. 2012, công ty mới có thể nâng tỉ lệ chi cổ tức từ mức 4,5% dự kiến lên mức 10%. Nếu không có sự trợ giúp của đồng Yên thì có lẽ mức 4,5% cũng không đạt được", ông Lâm thẳng thắn nhận định.

PPC đang hưởng lợi rất nhiều từ sự suy giảm của đồng Yên 

Ngoài ra, hoạt động tài chính cũng đem về cho PPC một khoản tiền lớn khi doanh thu tài chính năm 2012 của công ty đạt gần 660 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi ngân hàng gần 476 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh tốt nhưng lại không dựa vào hoạt động sản xuất cốt lõi, việc ban lãnh đạo PPC dè chừng trong năm 2013 là điều khó tránh khỏi. Ông Lâm cho biết, năm 2013, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 8% sẽ là một mức "an toàn". 

Song, có thể thấy rất nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ cho PPC trong năm 2013 này. Ngay từ đầu năm, EVN đã huy động tăng sản lượng phát của các nhà máy điện trong toàn hệ thống.

Cụ thể, EVN và tổng công ty phát điện 2 đã thông qua người đại diện vốn của mình tại PPC đề nghị ĐHĐCĐ biểu quyết kế hoạch tăng sản lượng điện 2013 của công ty từ 5,77 tỉ lên 6,3 tỉ KwH.

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó tổng giám đốc PPC cho biết: "con số 6,3 tỉ Kwh điện cũng ngang ngửa với tổng công suất của hai nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Ngay từ những tháng đầu mua khô 2013, để tránh tình trạng thiếu điện, các tổ máy ở PPC đã phát công suất cao. Tính đến 25/4, PPC đã phát được 2,58 tỉ KWh điện. nếu so với con số 6,352 tỉ KWh thì đã đạt được hơn 40%".

Cùng với việc tăng sản lượng sản xuất trong năm 2013 (và rất có thể là cả giá bán), PPC sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi từ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng yên. Do đó, nhiệm vụ cán đích thành công kế hoạch đề ra của công ty là hoàn toàn khả quan.

Trần Dũng

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM