Khát khao đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam cao thứ 7 thế giới

10/03/2016 13:58 PM | Kinh doanh

Nhưng làm thế nào để biến khát khao đó thành thực tế, biến đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa ở Việt Nam là một nan đề không dễ giải quyết...

Tại Hội nghị “Thúc đẩy sáng tạo” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức tại TPHCM, đại sứ Divid Thorne cho biết ông chúc mừng Việt Nam đã và đang tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích việc đổi mới sáng tạo.

Ở Mỹ, những lĩnh vực trong ngành công nghiệp sáng tạo như Internet đang tạo ra 6% GDP và không ngừng tăng lên. Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2030 sẽ có 2/3 dân số thuộc tầng lớp trung lưu, đây là động lực cho đổi mới sáng tạo. Năm vừa qua Việt Nam đã tăng 19 bậc trong bảng chỉ số sáng tạo toàn cầu.

“Phái đoàn của chương trình Kết nối và Đổi mới sáng tạo Mỹ đã cảm nhận được năng lượng tràn đầy của giới trẻ Việt Nam trong việc thiết lập doanh nghiệp mới. Mong ước của tôi là thấy được những người trẻ ở cả hai quốc gia cùng nhau sáng tạo, mở rộng hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Họ sẽ không ngần ngại chia sẻ những ý tưởng để giúp phát triển công việc kinh doanh, cộng đồng và chính phủ của họ. Họ sẽ tìm ra phương pháp chữa trị mọi loại bệnh tật, giải pháp chống biến đổi khí hậu và sẽ trở thành người lãnh đạo đất nước hiệu quả...”, ông Thorne chia sẻ.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, cố vấn cấp cao của tạp chí Forbes, nhận xét: “Đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp tiến xa hơn nhưng nếu không có đổi mới sáng tạo trong giáo dục thì không thể có nguồn nhân lực cao để phục vụ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và làm lãng phí các nguồn lực trong xã hội”.

Theo khảo sát 50.000 người tại 44 quốc gia của công ty nghiên cứu thị trường GfK được công bố vào tháng 12-2015, có đến 71% số người được hỏi ở Việt Nam có một thái độ tích cực đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, 89% số người được hỏi có mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng, và 75% nghĩ rằng bắt đầu kinh doanh là khả thi...

Khát khao đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam cao thứ 7 thế giới chỉ sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng làm thế nào để biến khát khao đó thành thực tế, biến đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa ở Việt Nam là một nan đề không dễ giải quyết trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Hoành Tiến - Phó giám đốc Công ty VNG, một trong những diễn giả tại hội nghị, nhận xét các nền tảng công nghệ trên thế giới như internet, smartphone khiến cho việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dễ dàng hơn, trước đây cần sự góp sức của 10-15 người mới lập thành một công ty thì nay chỉ cần 1-2 người là có thể tạo nên một doanh nghiệp.

Bà Deborah Magid, đại diện IBM Venture Capital Group, cho biết ở Thung lũng Silicon (Mỹ), các doanh nghiệp rất sẵn lòng hỗ trợ nhau và bà kêu gọi các doanh nghiệp thành công ở Việt Nam nên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và vật chất nhiều hơn cho xã hội, để những người khởi nghiệp không cô đơn, như vậy mới tạo ra được một văn hóa đổi mới sáng tạo trong xã hội.

Ông Sheel Tyle từ New Enterprise Associates và người sáng lập Seedcom Đinh Anh Huân cùng chia sẻ quan điểm là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam nên bắt đầu từ phục vụ nhu cầu địa phương nhưng luôn phải có tư duy toàn cầu.

Về vấn đề thúc đẩy sáng tạo trong giáo dục, bà Rebecca Taber từ Hệ thống đào tạo trực tuyến Coursera liên kết với 133 trường đại học hàng đầu thế giới, cho rằng không thể có sáng tạo nếu không được giáo dục. "Mỗi công việc mới cần một kỹ năng mới và chỉ có học mới có kỹ năng mới, có những người sau khi trải qua 17 nghề khác nhau vẫn đến theo học với chúng tôi”, bà nói .

Trong dịp ông David Thorne thăm Việt Nam, một quỹ đầu tư mạo hiểm là 500 Startups cũng công bố sẽ rót 10 triệu USD cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn trong lĩnh vực B2B, doanh nghiệp dịch vụ phần mềm Saas, công nghệ tài chính Fintech và thương mại điện tử nhưng điều chúng tôi cần nhất chính là sự tận tâm và khát khao chinh phục đỉnh cao bất khả thi nhất của các founder”, Eddie Thái – nhà điều hành quỹ tại Việt Nam chia sẻ.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM