Hai “tính xấu” này có thể giúp bạn thành công trong sự nghiệp
Giờ đây, một nghiên cứu mới lại đưa ra kết quả là những “gã khốn” đôi khi lại thành công hơn, dựa trên các nét tính cách cụ thể mà họ thể hiện.
Ai sẽ là người tiến xa hơn trong sự nghiệp – “người tốt” hay “kẻ xấu”?
Đây là câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu bận tâm bấy lâu nay, và không may là vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Giờ đây, một nghiên cứu mới lại đưa ra kết quả là những “gã khốn” đôi khi lại thành công hơn, dựa trên các nét tính cách cụ thể mà họ thể hiện.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà tâm lý học tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ đã quan sát khoảng 800 nhân viên người Đức trong độ tuổi từ 25 đến 34.
Những người tham gia đều phải trả lời chuỗi câu hỏi đo lường các đặc điểm của “Ba tính xấu”, gồm có thái nhân cách (rối loạn tâm thần), kiêu căng, và xảo quyệt. Thái nhân cách được xác định bằng các nét tính cách như bốc đồng và thiếu cảm thông; tự kiêu được xác định qua đặc điểm “khoa trương, nhưng lại yếu đuối về ý thức cá nhân”; và xảo quyệt là thái độ sẵn sàng thao túng và lợi dụng người khác.
Các câu hỏi gồm có, “Tôi có xu hướng muốn người khác chú ý đến mình” (tự kiêu); “Tôi có xu hướng thiếu lòng thương cảm (thái nhân cách); và “Tôi có xu hướng thao túng người khác để phục vụ mục đích của bản thân” (xảo quyệt).
Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến cả thành công khách quan và chủ quan trong công việc của những người tham gia nghiên cứu. Trước hết họ đo lường mức lương của những người này và ghi lại xem họ có nắm giữ vị trí lãnh đạo hay không (thành công khách quan). Sau đó họ yêu cầu những người này trả lời một bài trắc nghiệm về sự hài lòng với sự nghiệp (thành công chủ quan).
Theo kết quả thu được, tự kiêu và xảo quyệt có liên quan đến thành công trong công việc – nhưng thái nhân cách thì không.
Khi các nhà nghiên cứu xem xét thêm các yếu tố khác như giới tính và giờ làm việc, họ thấy rằng những người có điểm số “tự kiêu” cao thường có mức lương cao. Trong khi đó, những người có số điểm cao về “xảo quyệt” lại có vẻ nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo và tỏ ra hài lòng hơn về sự nghiệp của mình.
Vậy thì mối liên hệ giữa các nét tính cách xấu với thành công trong sự nghiệp là gì?
Về tính xảo quyệt, các nhà nghiên cứu viết: “Có thể sự ham muốn địa vị cao độ thể hiện một khía cạnh của sự xảo quyệt, và điều này giúp các cá nhân có tính xảo quyệt nắm giữ các vị trí tổ chức có khả năng dẫn đến những đánh giá tích cực về sự nghiệp”.
Với những người có điểm số cao về “tự kiêu”, các nhà nghiên cứu nói rằng họ thường tạo ấn tượng đầu tiên rất tốt, đặc biệt là trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, vì thế họ có thể kiếm được nhiều công việc ngon lành hơn so với những người bình thường. Cũng có thể là họ chủ động trong việc khởi xướng và thành công khi thương lượng.
Trong khi những người có điểm số cao ở cả ba nét tính cách tỏ ra tương đối khó ưa (nghĩa là họ gặp khó khăn khi hòa nhập với người khác), thì các nhà nghiên cứu lại cho rằng những người có biểu hiện thái nhân cách thường thể hiện sự khó chịu của mình theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, họ có thể có các hành vi gây hấn và khó gần, và điều này có thể phá hoại sự nghiệp của họ.
Để làm rõ hơn, nếu bạn có điểm cao ở một trong ba nét tính cách này, điều có không có nghía là bạn có vấn đề về bệnh lý. Ngược lại, như Tomas Chamorro-Premuzic đã giải thích trong một bài báo, bạn vẫn có thể sống và làm việc bình thường.
Quan trọng hơn, tác giả Chamorro-Premuzic cũng nhấn mạnh rằng trong khi các nét tính cách tiêu cực có thể tốt đối với một cá nhân, thì chúng lại có hại cho thành công lâu dài của tổ chức nếu xét tổng thể. Ví dụ, có một nghiên cứu cho thấy những nhân viên có nhiều nét tính cách xấu thường có các hành vi xấu như bắt nạt người khác và hay vắng mặt, thậm chí hiệu quả công việc cũng không cao.
Tất nhiên, vấn đề ở đây là làm sao để nhận diện được một người có tính xấu trước khi người đó giành được thiện cảm của người khác và leo lên vị trí cao trong tổ chức. Theo lời khuyên của một chuyên gia, hãy chú ý đến những hành vi ức hiếp và những người tỏ ra quá tử tế.