Giờ đây Nike là hãng thể thao hay hãng công nghệ?

23/10/2013 08:43 AM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

Sau một loạt sự ra đời của thiết bị thông minh, ứng dụng đi kèm và những cái bắt tay với các công ty công nghệ nổi tiếng, Nike vẫn một mực khẳng định mình không phải là một hãng công nghệ.

Theo Nike, tất cả chỉ là để phục vụ thể thao. Tuy nhiên, khách hàng càng ngày càng chìm đắm với sản phẩm vòng theo dõi sức khỏe Nike+ FuelBand của hãng. Thậm chí, Apple còn tuyên bố iPhone mới sẽ có thêm bộ cảm biến theo dõi tích điểm trên Fuel qua iPhone. 

Nike đi theo hướng phát minh ra những thiết bị sành điệu dùng kèm với phần mềm của riêng sản phẩm. Tất cả đều nhằm phục vụ một đối tượng: vận động viên.


Nike vừa cho ra mắt phiên bản thế hệ 2 của chiếc vòng theo dõi sức khỏe Nike+ FuelBand và tuyên bố rằng: "Bạn bè trên mạng xã hội Nike+ càng đông, người dùng sống càng "thọ"". Sản phẩm được mệnh danh là "Twitter cho sức khỏe", khiến Dennis Crowley, nhà đồng sáng lập ứng dụng check-in siêu hot Foursquare phải bật dậy và công nhận rằng chính cách thức theo dõi dữ liệu của Nike đã khơi nguồn ý tưởng ban đầu cho công ty.

"Chúng tôi chỉ phục vụ thể thao!"

Nike luôn khẳng định: "Chúng tôi không phải là một hãng công nghệ, nói thẳng là như vậy", thật quái lạ khi cả thế giới cứ cho rằng Nike đang tiếp bước các công ty ở Silicon Valley. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể phủ nhận chiếc FuelBand đời mới của hãng trông thật "cool".

Nike đang thực hiện một vài thay đổi để FuelBand SE bắt kịp với các địch thủ đến từ Fibit và Jawbone. Chiếc vòng thông minh theo dõi sức khỏe biết nhắc nhở người đeo đứng dậy và đi lại theo giờ, cho phép người dùng đo lường cường độ hoạt động khi tập thể thao, yoga hay đi xe đạp. Khi vòng theo dõi của Fitbit cũng đã mang những chức năng tương tự, chiếc FuelBand đời mới liền được cập nhật thêm tính năng đo lường giấc ngủ.

Stefan Olander, phó chủ tịch phụ trách mảng thể thao kỹ thuật số của Nike cũng nhấn mạng tầm quan trọng của Fuel trong thể thao, đặc biệt là chức năng theo dõi, thống kê cường độ hoạt động người dùng độc nhất vô nhị. Công ty sẽ không tiết lộ thuật toán của chiếc vòng, chỉ biết rằng khi người dùng đặt mục tiêu tập luyện với Fuel, thật sự họ đã vận động nhiều hơn. Olander miêu tả Fuel là "thước đo và động lực" cho người tập thể thao.

... Nhưng rõ ràng ngày càng "công nghệ hóa"

Nike ngày càng mong muốn những sản phẩm công nghệ khác cũng làm được điều tương tự. Đầu năm 2013, công ty đưa ra chương trình tài trợ và giúp đỡ các công ty nhỏ xây dựng ứng dụng tích hợp cho Nike+. Vừa qua, Olander cho biết Nike đang hướng tới thiết lập một lượt quan hệ mới, lần này sẽ là những công ty vững vàng và uy tín hơn.

Khi người ta sử dụng Fuel để đo lường vận động nhiều hơn thì càng bị cuốn sâu vào hệ sinh thái của Nike+, từ đó càng khó chuyển sang những thiết bị đeo tay khác. Nếu đột nhiên người dùng thích và chuyển sang vòng đeo tay của Fitbit thì những số điểm tích lũy được trong Fuel cũng coi như "vứt đi". Sản phẩm còn giữ chân họ quay lại với website và các ứng dụng khác của Nike.

Sau nhiều cố gắng, Nike cũng đã nhận được phần thưởng lớn nhất khi Apple tuyên bố iPhone mới của hãng sẽ có thêm bộ cảm biến cho phép khách hàng theo dõi tích điểm trên Fuel qua iPhone. Tuy chiếc smartwatch (vẫn được "giang hồ đồn đại" nhưng không biết bao giờ mới được xác nhận) của Apple hiển nhiên là mối đe dọa khổng lồ cho FuelBand nhưng đến nay hai bên vẫn có vẻ khá hòa hảo với nhau. Nike cho biết công ty hiện chưa có kế hoạch tạo lập ứng dụng Nike+ cho Android, phó chủ tịch Olander cũng nói rằng hiện đã có thừa thiết bị chạy Android cho người dùng tha hồ trải nghiệm liên tục.

"Thật ra cũng khác đôi chút..."

Khác với những công ty công nghệ khác, người khổng lồ thể thao cho biết công ty sẽ không bao giờ lợi dụng các thông tin thu thập được về thói quen tập luyện của khách hàng để kiếm tiền từ các nhà quảng cáo.

Nhắc đến các hãng công nghệ, người dùng nghĩ ngay đến ứng dụng với tiện ích. Nhưng Nike đi theo hướng phát minh ra những thiết bị sành điệu dùng kèm với phần mềm của riêng sản phẩm. Tất cả đều nhằm phục vụ một đối tượng: vận động viên.

Chiến lược này có vẻ tương tự với nhiều công ty công nghệ khác đang thực hiện ngày nay. Cái bắt tay đầy hấp dẫn giữa phần cứng và phần mềm chính là lý do Microsoft mua lại Nokia, Amazon sản xuất smartphone và là cách Apple tự đẩy mình lên vị trí "cầm đầu" trong làng di động.

Nike không muốn bị gọi là một hãng công nghệ nhưng Olander cũng thoải mái công nhận kế hoạch đưa ra sẽ làm cho công ty giống như "phiên bản thể thao" của Apple.

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM