Giấc mơ ôtô Việt: Thêm GM dậm dọa, bóng gió... ưu đãi

08/05/2015 08:53 AM | Kinh doanh

Sau Toyota, đến lượt hãng GM tuyên bố sẽ cân nhắc duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập xe về bán.

"Nếu điều đó xảy ra, vấn đề đặt ra sẽ là các nhà sản xuất nên tiếp tục duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về. Câu hỏi này thực ra đã có từ 6 năm nay", VnExpress dẫn lời ông Gupta cho biết. "Lúc đó, nếu thấy xe sản xuất trong nước có giá rẻ hơn là đưa xe từ bên ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục để nhà máy. Khả năng nhập khẩu sẽ cao hơn trong trường hợp ngược lại".

Tuyên bố của GM cũng tương tự như tuyên bố của Toyota vào đầu tháng 4 vừa qua. Chỉ có điều, không ai biết GM có đặt điều kiện "ngàn tỷ" với Việt Nam như Toyota đã từng làm hay không.

Theo đó, hôm 2/4, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) cho rằng: “Trong khi Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì chi phí nhập khẩu, vận chuyển từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam rất tốn kém. Nói một cách hơi quá thì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp.

Tất cả chúng ta đều hình dung nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu”.

Sau đó, Toyota đã có văn bản đề xuất nhiều loại thuế lên Chính phủ, mà thực chất là xin ưu đãi hàng ngàn tỷ như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước; giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Đặc biệt, Toyota xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thời gian hỗ trợ phải kéo dài 10 năm.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ không thể chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ từ Toyota, vì trái với cam kết đối xử bình đẳng trong WTO.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng cho rằng ông không tin rằng Toyota sẽ ra khỏi Việt Nam.

"Họ dọa đấy. Vì họ cũng đã tuyên bố ý định tương tự như vậy nhiều lần rồi. Việc di dời một nhà máy từ nơi này sang một nơi khác đâu có dễ. Họ dọa không có lý thì chúng ta phải giải thích cho họ hiểu", GS Nguyễn Mại nói.

GS Mại cũng phân tích, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, đến 2020 mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.500-4.000 USD/người/năm thì sẽ có khoảng 15% người trung lưu có mức thu nhập khoảng 10.000 USD.

Như vậy, sẽ có khoảng 15 triệu người có khả năng mua ô tô. Mà người dân Việt Nam lại thích mua ô tô đẹp và đắt tiền nên thị trường ô tô nước ta “người ta” nhăm nhe rất lâu rồi nhưng vì chúng ta bảo hộ nên không phát triển được.

Điều thứ hai là ASEAN có dân số 600 triệu người với GDP gần với Đức (gần 2.500 tỷ USD), ô tô có thể luân chuyển thoải mái trong khu vực.

"Do đó, đây cũng là điều Chính phủ nên quan tâm", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

>> TGĐ Toyota phủ nhận hoàn toàn thông tin dừng sản xuất ô tô

Theo An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM