“Ghế nóng” ngân hàng: Vẫn chưa đến thời của người trẻ

11/02/2016 21:50 PM | Kinh doanh

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay chỉ có hai người thế hệ 8X làm "tướng", trong khi vẫn có tới 1/3 số các ngân hàng có người đứng đầu tuổi trên dưới 60.

Nhân sự ngân hàng, không chỉ ở cấp thấp, mà cả ở cấp cao nhất là các lãnh đạo trong ban điều hành hay hội đồng quản trị, đã thay đổi liên tục trong hơn 2 năm trở lại đây. Thậm chí có những nhà băng, chỉ trong vòng chưa đến 9 tháng đã phải thay tới 3 đời Tổng giám đốc, như ngân hàng V. hồi năm 2013 hay ngân hàng E. hồi năm 2014.

Nhưng tất cả sự thay đổi hoặc không đổi thay đáng kể đều có chung một đặc điểm, đó là những người giữ trọng trách cao nhất gồm Tổng giám đốc hay chủ tịch Hội đồng quản trị, phần lớn là người có tuổi đời khá cao. Còn những người tuổi dưới 40 – tầng lớp được xem là trẻ nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - hầu như rất ít cơ hội.

Thống kê của chúng tôi từ 32 ngân hàng thương mại cổ phần và do NHNN quản lý 100% cho thấy, số các lãnh đạo trẻ tuổi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chỉ có 2 người thuộc thế hệ 8X đó là Tổng giám đốc Nam A Bank bà Lương Thị Cẩm Tú 36 tuổi và bà Phương Thanh Nhung, Tổng giám đốc của VietABank cùng 36 tuổi. Ông Trần Hùng Huy, chủ tịch HĐQT của ACB cũng là một trong số ít người trẻ tuổi nhưng thuộc thế hệ 7X, năm nay ông 38 tuổi.

Trong khi đó, những người tuổi cao ở các ngân hàng vẫn được tin tưởng hơn so với người trẻ, bằng chứng cho thấy có tới 1/3 số các ngân hàng do người tuổi trên dưới 60 nắm giữ những trọng trách quan trọng. Như ở Eximbank ông chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc năm nay 65 tuổi; chủ tịch của ABBank Vũ Văn Tiền cũng đã 57 tuổi, chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà 60 tuổi, chủ tịch HDBank Lê Thị Băng Tâm năm nay 69 tuổi…

Tổng giám đốc của BacABank Thái Hương đã sang tuổi 58, chủ tịch của SeABank bà Nguyễn Thị Nga bước sang tuổi 61, Tổng giám đốc KienLongBank ông Võ Văn Châu năm nay 63 tuổi, chủ tịch Dương Công Minh của LienVietPostBank năm nay 56 tuổi.

Ở ngân hàng Quân đội, cả chủ tịch HĐQT là ông Lê Hữu Đức và tổng giám đốc Lê Công đều ngoài 60. Chủ tịch HĐQT của TPBank ông Đỗ Minh Phú đã sang tuổi 63. Ở DongABank, trước khi ngân hàng bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, vị chủ tịch HĐQT là ông Cao Sỹ Kiêm tuổi còn ngoài 70 – vị “lão làng” cao tuổi nhất ngành tài chính ngân hàng.

Dù rằng phần lớn lãnh đạo các ngân hàng hiện nay là các nhân sự tuổi trên dưới 50, trong đó, thế hệ cuối 6X đầu 7X của thế kỷ trước góp mặt nhiều hơn cả. Và theo đánh giá của các chuyên gia thì những vị CEO này nằm trong độ tuổi “chín” nhất, quy tụ đủ các yếu tố về kinh nghiệm cả trong cuộc sống lẫn công việc, có bản lĩnh nghề nghiệp vững chắc để lèo lái tốt con thuyền mà hàng nghìn người trong mỗi nhà băng giao phó.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, các ngân hàng không nên quá chủ quan về thế hệ lãnh đạo ấy, bởi lẽ làn sóng thay đổi nhân sự sẽ diễn ra khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là khi nước ta mở rộng hội nhập và ngày càng phải cạnh tranh với các ngân hàng ngoại.

Ngân hàng này có thể bỏ ra một vài tỷ đồng để trả thù lao cho Tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT, thì các ngân hàng khác họ cũng làm được điều đó, thậm chí còn có thể bạo chi hơn để mang về cho được vị “tướng” mà họ thực sự cần.

Bên cạnh việc nhân sự cấp cao được “săn đón”, những thế hệ lãnh đạo đang chiếm áp đảo cũng sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu trong vài năm nữa. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các ngân hàng cần nhanh chóng quy hoạch cán bộ nguồn, đặc biệt chú trọng tới thế hệ 8X nếu không muốn rơi vào tình trạng bị “chảy máu” nhân lực cấp cao, hoặc phải nhập khẩu CEO từ nước ngoài trong vài năm tới.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM