"Gánh nặng" nào cho Sếp mới của EVN?

01/07/2015 09:24 AM | Kinh doanh

Từ ngày 1/7, ông Đặng Hoàng An sẽ chính thức giữ vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo quyết định của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, với không ít thách thức đang đặt ra cho ngành điện và EVN về tính hiệu quả đầu tư kinh doanh; giá điện và nhu cầu vốn đầu lớn; tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh… thì đây sẽ là “gánh nặng” lớn cho Tổng giám đốc mới của Tập đoàn này.

Trong biên bản bàn giao công việc, ông Lê Quang Long, Trưởng Ban tổ chức và Nhân sự EVN, cho biết ông Đặng Hoàng An – Tổng Giám đốc mới sẽ trực tiếp tiếp nhận từ ông Đặng Lê Thanh – Tổng Giám đốc hiện nay của EVN bộ máy tổ chức và các công việc hiện có. Theo đó Tổng Giám đốc mới sẽ quản lý bộ máy tổ chức nhân sự gồm Ban Tổng Giám đốc với 6 cán bộ; bộ phận giúp việc và văn phòng gồm 17 phòng, ban chức năng.

Nhiệm vụ nặng nề

Ông An cũng sẽ quản lý 46 đơn vị thành viên, 23 đơn vị trực thuộc, 17 công ty con và 6 công ty liên kết. Hiện EVN có số vốn điều lệ đến hết 2015 là 160.000 tỷ đồng, vốn và tài sản tính đến 31/12/2014 578.068 tỷ đồng, số lao động 106.011 cán bộ công nhân viên.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của được dư luận quan tâm khi Tập đoàn này liên tục báo lỗ “khủng”, đặc biệt là các khoản lỗ từ đầu tư ngoài ngành, làm thất thoát vốn nhà nước. Với hệ thống bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, EVN đang đối diện với nhiều thách thức khi đứng trước bài toán tái cơ cấu tổ chức và hoạt động.

Đáng chú ý, với lý do giá điện hiện đang thấp hơn giá thành, EVN đã liên tục đề xuất tăng giá điện trong nhiều năm qua, với mức tăng gần đây nhất lên tới 7,5%. Trong khi theo Tổng sơ đồ Điện VII thì giá điện bị giới hạn trong 7 cent/kWh. Hiện, nhiều chuyên gia lo ngại rằng các khoản lỗ của EVN trong đầu tư ngoài ngành, cùng hoạt động kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn này đang “đổ” vào giá điện, tạo gánh nặng lên người tiêu dùng, khi vấn đề công khai, minh bạch của ngành điện liên tục được nhắc đến trong thời gian qua.

Do đó, vị trí Tổng Giám đốc với ông Đặng Hoàng An được đánh giá là hết sức nặng nề, để giải quyết những khó khăn của EVN và đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Năm 2015, mục tiêu của EVN là đạt các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh cao nhất, có lợi nhuận, cân bằng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, nhằm tạo đà vững chắc để phát triển.

EVN đang chịu nhiều “thiệt thòi”

Các nhiệm vụ chủ yếu mà Tổng Giám đốc mới của EVN phải hoàn thành gồm: đảm bảo cung ứng đủ điện, đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án nguồn điện cho miền Nam, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, đạt kế hoạch lợi nhuận, hoàn thành tái cơ cấu, đổi mới và quản trị DN, thực hiện tốt nhiệm vụ và tham gia đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng…

Các chỉ tiêu cụ thể như: Điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh, tăng 10,5% so với 2014; điện sản xuất và mua đạt 156,9 tỷ kWh, tăng 10,3%, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao. Tiết kiệm điện 2.453 triệu kWh, tương đương 1,7% kế hoạch; tỷ lệ tổn thất điện năng 8%; chỉ tiêu giải quyết sự cố giảm 5%, chỉ số tiếp cận điện năng 37 ngày…

Phát biểu tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc EVN cho ông Đặng Hoàng An, ông Phạm Lê Thanh, hiện đang là EVN, cho rằng với vị trí là Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, có tài sản lên tới hơn 576.000 tỷ đồng, vốn điều lệ là 160.000, vị trí Tổng Giám đốc có trọng trách vô cùng to lớn, với trách nhiệm nặng nề, khi phải đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế có quy mô 160 tỷ USD, 90 triệu dân của cả nước. Hiện ngành điện Việt Nam đang là hệ thống điện lớn thứ 3 Đông Nam Á, đứng thứ 31 thế giới, với tổng công suất 35.000 MW, đưa điện đến 99,59% xã, 98,22% hộ dân nông thôn có điện.

“Từ nay đến năm 2020 không chỉ là thời cơ mà còn là thách thức. Chúng tôi đã ngồi nói thảo luận nhiều về tương lai và trách nhiệm của EVN. Theo Nghị quyết Trung ương về phát triển cơ sở hạ tầng để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, thì vai trò của EVN sẽ thế nào, EVN phải tái cơ cấu như thế nào? Chuyển sang bán buôn cạnh tranh để tiến tới bán lẻ, nâng cao sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, đây là công việc lớn”, ông Thanh tâm sự.

Trong vai trò là Tổng Giám đốc mới, ông Đặng Hoàng An cũng đánh giá những khó khăn và nhiệm vụ là hết sức nặng nề, không chỉ với riêng ông, mà với cả hệ thống Ban điều hành của EVN. Vì vậy, ông An “hứa” sẽ làm hết sức mình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.

Cho rằng ngành điện đang phải chịu “thiệt thòi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng chia sẻ với những khó khăn mà ngành điện và các lãnh đạo của EVN đang phải đối mặt. Theo Bộ trưởng, thời gian qua ngành điện đã làm được nhiều việc, đưa hệ thống sản lượng mà EVN cung cấp từ 5 tỷ kWh của năm 1990 lên 140 tỷ kWh, song lại không nhận được lời khen từ xã hội. Do đó, Bộ trưởng cho rằng các lãnh đạo và toàn tập đoàn phải cố gắng hơn nữa để đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng, việc bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An là đúng quy trình, thủ tục và việc lựa chọn ban lãnh đạo của Tập đoàn EVN không chỉ có Ban cán sự, mà còn có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM