Đường của bầu Đức được ưu đãi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam

29/05/2015 12:34 PM | Kinh doanh

Mức thuế suất ưu đãi 2,5% với hạn ngạch 50.000 tấn có hiệu lực từ ngày 27/5/2015.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 08/2015/TT-BCT quy định việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 có xuất xứ từ Lào.

Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 1701) năm 2015 có xuất xứ từ Lào là 50.000 tấn, thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch 2,5%. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27/5/2015.

Thuế suất này áp dụng với thương nhân nhập khẩu đường từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu sản xuất tại Lào và có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp, theo quy định được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 2,5%.

Thủ tục nhập khẩu hàng hóa giải quyết tại hải quan cửa khẩu theo quy định, không phải xin phép Bộ Công Thương và thực hiện theo nguyên tắc trừ lùi tại cơ quan hải quan cho đến hết lượng hạn ngạch thuế quan (50.000 tấn).

Trường hợp nhập khẩu đường ngoài số lượng hạn ngạch thuế quan (trên 50.000 tấn), thương nhân phải thực hiện các chính sách quản lý nhập khẩu và thuế nhập khẩu đường theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Hiện tại, mức thuế suất ưu đãi cho đường mía đối với mặt hàng sản xuất từ ASEAN là 5% từ 2015 - 2017 và 0% đến năm 2018 (theo cam kết quốc tế về hội nhập).

HAGL có quỹ đất khoảng 12.000ha trồng mía và đã hoàn thành nhà máy ép mía công suất 7.000 tấn/ngày tại Lào.

Năm 2014, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm đến 1/3 tổng doanh thu. Trong quý I/2015, mía đường vẫn là lĩnh vực mang về doanh thu lớn nhất cho HAGL.

Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, lượng đường tồn tại kho các nhà máy hơn 560.000 tấn, lượng đường các nhà máy bán ra chỉ 115.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước (tính đến 15/4/2015). Nguyên nhân lượng đường bán ra thấp hơn năm trước do lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là “phép thử” đối với ngành mía đường Việt Nam: Khó khăn dẫn đến thua lỗ hoặc buộc phải cạnh tranh để nâng chất lượng và giảm giá thành.

Trước đó, Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía Đường có quan điểm trái ngược nhau về việc cấp phép nhập khẩu cho đường được sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai. Bộ Công Thương cho rằng ngành đường thiếu sức cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên giá thành cao, nguyên  nhân là do dựa vào bảo hộ; Hiệp hội Mía đường cho rằng chính sách xuất nhập khẩu đường có bất cập, chỉ phục vụ lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM