Doanh nghiệp ấm ức vì ra nước ngoài được tung hoa, ở nhà bị "dập liễu"

06/03/2016 09:48 AM | Kinh doanh

Ở một đất nước sản phẩm tốt, thị trường lớn nhưng nhận được rất ít khen ngợi và hỗ trợ. Ngược lại, thường xuyên bị kiểm tra và thanh tra để tìm ra sai phạm, chúng tôi phải làm sao để phát triển?

Trăn trở của bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Lan được hơn 200 đại biểu tại diễn đàn doanh nghiệp nữ ASEAN 2016 (diễn ra hôm 4/3) đồng cảm và thấu hiểu.

Bà Đông kể, công ty CP Hoa Lan của bà chuyên về sản xuất bao bì Caton và Hoá mỹ phẩm từ thiên nhiên, trụ sở ở Hà Nội.

Sản phẩm chất lượng tốt được nhiều người dân trong nước tin dùng. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều đối tác quốc tế biết đến và nhập hàng về bán. Thị trường kể từ đó được mở rộng, nổi tiếng ở nhiều quốc gia và đặc biệt được nhận giải thưởng APEC - Giải thưởng dành cho doanh nghiệp xuất sắc Châu Á - Thái Bình Dương.

Để phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp đã mở rất nhiều vùng nguyên liệu trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, đặc biệt là nông dân.

Khi doanh nghiệp chi tiền dạy nông dân làm, nguyên liệu tốt không sao mà kém vẫn phải mua, không để họ bị thiệt một đồng. Mua của nông dân phải trả tiền ngay, trong khi hàng bán phải một tháng mới lấy tiền về khiến nguồn vốn liên tục eo hẹp.

Thế nhưng, dù phát triển mạnh mẽ là thế, chưa bao giờ doanh nghiệp của bà được Nhà nước ủng hộ, hỗ trợ về tiền cũng như các chính sách. Thậm chí, chưa bao giờ nhận được một lời "khen ngợi" mà chỉ có thanh tra, kiểm tra để tìm ra sai phạm.

Công ty Hoa Lan phải nhờ đến Hội liên hiệp phụ nữ, các Hội nông dân và tự tìm đến tham gia các hội thảo, hội chợ để giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm cho các Hợp tác xã.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, nỗi sợ hãi bị kìm hãm sự phát triển của công ty khiến bà Đông càng lo sợ, càng cô đơn.

Bà Đông đặt câu hỏi cho bà Pacita U.Juan, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Philippines: "Ở đất nước Philippines, doanh nghiệp của bà được sự hỗ trợ của Chính phủ nên thành công rất dễ.

Nếu bà ở đất nước tôi, bà không được giúp đỡ liệu bà có được thành công như hiện tại không? Chúng tôi phải làm thế nào để phát triển được đây?".

Chia sẻ với bà Đông, bà Pacita cho hay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á cũng giống nhau. Để phát triển, doanh nghiệp phải làm việc với nông dân, chi rất nhiều tiền cho khu vực đó. Mục đích là có được nền tảng vững chắc trong phần nguyên liệu sản xuất và phát triển kinh doanh trên thị trường.

Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Philippines cho rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp mà phụ nữ làm lãnh đạo có thể lôi kéo sự tham gia của nam giới với đòi hỏi chính đáng để phát triển một cách thuận lợi.

"Chúng tôi mời những vị nam giới tham gia rất nhiều vào các hội nghị. Ví dụ khi cần nêu các nguyện vọng của mình với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để cấp vốn… Tiếng nói của một cá nhân, đơn vị không có ý nghĩa nên tập hợp tất cả các ý kiến lại", bà Pacita chia sẻ kinh nghiệm.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng phải thừa nhận rằng, không giống với các doanh nghiệp nước ngoài, khi ra ngoài hội nhập họ nhận được rất nhiều hỗ trợ, thúc đẩy từ nhà nước. Doanh nghiệp Việt Nam lại đang cảm thấy "cô đơn".

Theo ông Cung, Việt Nam muốn hội nhập thành công thì Nhà nước thay vì thanh tra, kiểm tra phát hiện bằng được sai phạm của doanh nghiệp, nên chuyển sang hướng hỗ trợ, hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển...

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM