Dịch chuyển M: Thương mại điện tử "cất cánh"

06/08/2015 09:39 AM | Kinh doanh

Dịch chuyển M - khái niệm của xu hướng dịch chuyển về mặt tiêu dùng, từ máy tính sang điện thoại thông minh (smartphone) đang ngày một rõ rệt.

Thói quen dùng smartphone đang dần thay thế desktop, dẫn đến sự phát triển của thị trường tiêu thụ smartphone cũng như mở ra một cục diện mới cho nhiều ngành kinh doanh khác ở Việt Nam. Vậy, ngành nào đang hưởng lợi từ việc phát triển rất nhanh của thị trường smartphone hiện nay?

Công nghệ di động đã tạo cảm hứng cho người mua lẫn người bán. Năm 2014, thị trường chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của doanh số smartphone.

Tuy nhiên dự báo mới nhất của Công ty Nghiên cứu IDC, trong năm 2015 sẽ có 1,5 tỷ thiết bị được bán ra, tăng 12,2% so với 2014.

Tuy con số đó chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng 26% của năm 2014 nhưng mức tăng trưởng này đã là đáng mơ ước cho bất cứ ngành sản xuất nào.

Những con số bất ngờ

Một nghiên cứu mới từ Viện Gallup, Mỹ, cho thấy 43% người Việt Nam có internet tại nhà. 94% dân số có điện thoại thì có đến 37% số đó sở hữu điện thoại thông minh. Tỷ lệ người truy cập internet bằng di động lên đến 31% trong khi máy tính bàn là 18% và laptop là 10%.

Ông Nguyễn Trường Minh, trưởng bộ phận Mobile Apps, Google Đông Nam Á xác nhận, thời gian qua, xu hướng tìm kiếm trên công cụ Google bằng mobile đã vượt qua desktop.

Báo cáo của Google về thị trường Việt Nam dự báo, 3 điểm mấu chốt của thị trường trong năm 2015 là sự gia tăng của thiết bị di động; tăng xu hướng mua hàng trực tuyến và tăng nhu cầu xem video trên internet.

"Chính việc gia tăng số lượng smartphone sẽ là nền tảng cho thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới", ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Sàn TMĐT Sendo.vn khẳng định.

Số liệu kinh doanh của Sendo.vn cho thấy, năm 2014, lượng truy cập từ mobile vào Sendo.vn là 30%, và đơn hàng được đặt từ thiết bị thông minh này là 5%.

Chỉ sau một năm, 2015, hai con số đó đã tăng lên tương ứng là 60% truy cập và 30% đơn hàng. Đại diện Sendo.vn dự báo, năm 2016, con số ấy sẽ còn tăng cao hơn, với tương ứng là 75% truy cập và 50% đơn hàng.

Tương tự, ở trang bán hàng Lazada, số lượng lẫn doanh thu các đơn hàng đến từ khách hàng sử dụng Mobile cũng tăng rất nhanh trong thời gian qua.

Thị trường giao nhận cạnh tranh "nóng"

Xu hướng dịch chuyển từ desktop sang Mobile khiến thói quen mua sắm thay đổi, từ đó dẫn đến một cuộc cạnh tranh mới giữa các dịch vụ giao nhận.

Theo ông Lương Duy Hoài, CEO Giaohangnhanh.vn, khi smartphone và App đã có thể giúp khách hàng đặt hàng, theo dõi hành trình giao hàng như hiện nay thì dịch vụ giao hàng trong thời gian ngắn sẽ bùng nổ.

Cụ thể, khách hàng không còn muốn đợi đến 2 ngày mới nhận được hàng mà muốn nhận hàng trong vòng vài giờ.

Do vậy, các đơn vị giao nhận đang dốc lực trong đầu tư để triển khai dich vụ giao hàng ngay lập tức.

Bản thân smartphone với chức năng đồng bộ hóa, tối ưu thanh toán, định vị, theo dõi hành trình... trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giao nhận.

Hiện Giaohangnhanh.vn đã trang bị smartphone cho 1.000 nhân viên giao nhận để đảm bảo 3 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi ngày được xuyên suốt.

Bà Lê Ngọc Hạnh, giám đốc mảng Mobile của Lazada tiết lộ, thời gian qua, đơn hàng đến từ màn hình Mobile tăng 200 lần và doanh thu từ nguồn khách hàng này tăng đến 4 lần.

Riêng tháng 7/2015, khách hàng khối Mobile của Lazada đã chiếm gần 50%, một mức tăng rất nhanh.

Chìa khóa mang tên App

Tiềm năng từ những khách hàng sử dụng mobile trở thành "mỏ vàng", buộc các đơn vị kinh doanh TMĐT phải có những bước chuẩn bị lớn để khai thác.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết, Sendo đã phải chuẩn bị cho xu hướng dịch chuyển M từ một năm trở lại đây, từ việc chuẩn bị chức năng cho màn hình website có thể tương thích với màn hình điện thoại giao diện riêng hẳn cho Mobile và mới đây nhất là đầu tư một ứng dụng mang tên Sendo.

Ông Dũng chia sẻ: "Dùng Mobile giúp khách hàng mua sắm mọi lúc, mọi nơi nên nhà cung cấp buộc phải tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng. Ứng dụng có thể giải quyết được điều này bởi nó có thể cung cấp nhiều công cụ trải nghiệm mua sắm hơn, như: kiếm sản phẩm bằng giọng nói, bằng QR code; theo dõi tình trạng giao hàng; trao đổi trực tiếp với người bán thông qua chat...".

Sự tiện lợi sẽ thuyết phục khách hàng gắn kết hơn với TMĐT.

Xa hơn, ứng dụng cho phép các trang TMĐT kinh doanh thêm được nhiều mặt hàng mà trước đây vẫn bị xem là khó như thực phẩm tươi sống nhờ quy trình mua hàng - giao nhận đã được rút ngắn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Minh cho biết, rất nhiều thương hiệu kinh doanh TMĐT lớn của thế giới đã tạo nên bước ngoặt nhờ đầu tư ứng dụng Mobile.

Điển hình là Sapdeal.com, trong 1 tỷ USD doanh thu toàn công ty thì có 65% tổng số đơn hàng được đặt qua thiết bị di động.

Với Limeroad.com, 70% tổng người dùng tới từ di động thì đối tượng này có hành vi tương tác nhiều gấp ba lần và khả năng mua hàng cao hơn hẳn người dùng đến từ máy tính bàn.

Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, người dùng Việt Nam vẫn còn chưa mặn mà với việc mua sắm thông qua App. "Chúng tôi đã phải có những chiến dịch quảng bá để kích thích người dùng sử dụng ứng dụng nhiều hơn.

Có những chương trình khuyến mãi giảm giá sốc, Lazada chỉ dành riêng cho khách hàng đặt từ App", bà Lê Ngọc Hạnh chia sẻ. Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, với 6 nước trong khu vực, Lazada cũng đang triển khai rất nhiều chương trình để tạo thói quen dùng App.

Theo PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN

Cùng chuyên mục
XEM