Đến Warren Buffett cũng không thể nhịn cười trước bức thư này

20/01/2016 10:39 AM | Kinh doanh

Đọc xong bức thư tái cơ cấu nhân sự sau và bạn sẽ hiểu được thế nào là đơn giản và minh bạch trong cơ cấu.

Gửi toàn thể nhân viên trong công ty:

Như các bạn đã biết, hội đồng quản trị sau nhiều lần thảo luận và cân nhắc đã quyết định tái cơ cấu bộ máy quản lý.

Động thái này sẽ giúp đơn giản hóa và tăng tính hiệu quả hoạt động của công ty chúng ta. Theo đó, giám đốc điều hành (CEO) của chúng ta sẽ được thăng chức lên làm Chủ tịch điều hành (Executive Chairman-có nhiệm vụ báo cáo tình hình hoạt động với hội đồng quản trị).

Giám đốc vận hành (COO) sẽ được thăng lên làm CEO, còn giám đốc tài chính (CFO) sẽ trở thành COO, giám đốc marketing (CMO) được điều sang làm CFO.

Như vậy, vị trí CMO sẽ bị bỏ trống và chúng tôi dự kiến sẽ thuyên chuyển giám đốc chiến lược phát triển (CDO) hoặc giám đốc sản xuất (CPO) vào vị trí đó trong quý III tới.

Nếu CDO trở thành CMO, vậy CPO sẽ được chuyển sang thành CMO và nếu CPO được thăng chức thành CMO, vậy CDO sẽ trở thành CPO.

Ngoài ra, giám đốc kỹ thuật (CTO) cũng có khả năng trở thành CMO và nếu điều đó xảy ra, công ty sẽ phải tìm một CTO mới. Tuy vậy, chúng tôi khá chắc rằng CMO mới hầu như sẽ là CDO hoặc CPO chứ không phải CTO, dù cả 3 vị giám đốc đều có thể trở thành một CMO tốt.

Như các bạn đã thấy, nếu CDO trở thành CMO và CPO thay thế CDO, chúng ta sẽ trống vị trí CPO. Nếu CPO trở thành CMO và CDO chuyển thành CPO, chúng ta sẽ trống vị trí CDO. Trong khi đó, vị trí CTO hầu như sẽ không di chuyển.

Với vị trí trống này, ban điều hành sẽ xem xét mọi vị trí thay thế, từ phó chủ tịch (Vice President-VP), phó chủ tịch điều hành (Executive Vice President-EVP) đến phó chủ tịch cấp cao (Senior Vice President-SVP) hoặc thậm chí là giám đốc nghiên cứu (CRO).

Khi chúng tôi đã quyết định ai sẽ thay thế vị trí mới từ VP, EVP, SVP hay CRO thì một trong những vị trí cũ lại bị trống. Lúc đó, những vị trí VP, EVP, SVP hay CRO còn lại sẽ thế vào đó.

Đây là một quá trình tái cơ cấu vô cùng đơn giản và sẽ tăng tính hiệu quả, minh bạch của toàn doanh nghiệp.

Chắc chắn một số nhân viên sẽ bối rối không biết sếp mình là ai, nhưng thực ra chúng khá đơn giản.

Nếu sếp bạn đã từng là COO thì họ giờ đây trở thành CEO và bạn vẫn tiếp tục báo cáo cho COO mới, vốn từng là CFO. Bạn không nên báo cáo trực tiếp cho CEO mới chỉ bởi vì sếp COO cũ của bạn giờ đã là CEO. Bạn nên báo cáo cho CFO cũ mà hiện nay là COO mới của bạn.

Quy chế mới này áp dụng cho tất cả các cấp, trừ trường hợp sếp cũ của bạn yêu cầu bạn tiếp tục báo cáo trực tiếp cho họ.

Nếu bạn cảm thấy chưa hiểu rõ, hãy tự tin hỏi bất cứ quản lý nào mà bạn cho rằng có chức vụ cao hơn bạn, hoặc người nào mà bạn tin rằng có vị trí không thấp hơn bạn, hay những nhân viên dưới bạn nhưng bạn cho rằng họ hiểu rõ về sơ đồ hơn bạn.

Bạn cũng có thể xem sơ đồ dưới đây để hiểu rõ hơn sự đơn giản, hiệu quả và minh bạc của quy trình tái cơ cấu nhân sự trong công ty:

Tôi đã nói chuyện với những người mà tôi cho là nằm trong ban điều hành công ty, từ anh CEO mới mà tôi không chắc có phải cậu ấy từng làm CMO hay không đến chị COO mà tôi cho rằng đáng lẽ chị ấy phải là CDO. Tất cả họ đều cho rằng quy trình tái cơ cấu này là hiệu quả và sẽ thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Với ban điều hành mới này, những người sắp, đã, sẽ và đang được bổ nhiệm hoặc không được bổ nhiệm, chúng tôi cho rằng công ty sẽ nhanh chóng phát triển lớn mạnh ngay sau khi các nhân viên rõ ràng ai là lãnh đạo của mình.

Trân trọng

Giám đốc nhân sự mới của bạn (?)

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM