Đến lượt Singapore muốn đẩy mạnh mô hình kinh tế chia sẻ

22/02/2016 15:16 PM | Kinh doanh

Kinh tế chia sẻ cất cánh khá chậm tại Singapore- quốc gia phát triển có dân số khá đông cũng như mật độ truy cập Internet cao.

Thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” hiện đã trở nên phổ biến trên thế giới. Khi một giao dịch thành công, đây là một chiến thắng win-win cho tất cả các bên. Đây là giải thích lý do tại sao nền kinh tế chia sẻ nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Kinh tế chia sẻ bùng nổ toàn cầu

Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers dự báo mô hình này sẽ phát triển theo cấp số nhân từ 15 tỷ USD lên tới 335 tỷ USD vào năm 2025. Mô hình ủng hộ chia sẻ về quyền sở hữu và đạt được điều này thông qua các cộng đồng người dùng này đã lan sang tỏa sang nhiều nước và làm thay đổi hoàn toàn nhiều ngành công nghiệp từ vận tải cho đến khách sạn, cho thuê nhà ở.

Chuyên gia kinh tế chia sẻ người Mỹ April Rinne cho biết trước thế kỷ XIX, mọi người chia sẻ tất cả mọi thứ từ cơ sở hạ tầng đến hàng hóa, sức lao động. Những cộng đồng gắn kết cao dựa trên sự tin tưởng, có đi có lại và không đòi hỏi nhiều công nghệ.

"Sau đó, sự ra đời của Internet cho phép mọi người kết nối theo những cách chưa từng có, từ đó dẫn đến nền kinh tế chia sẻ hiện nay, góp phần thay đổi những giá trị cũ bằng cách tạo ra các mối quan hệ và giá trị xã hội mới", bà cho biết.

Số liệu thống kê cũng chỉ ra điều này. Một cuộc thăm dò của Nielsen năm 2014 thực hiện trên 30.000 người tại 60 quốc gia cho thấy 68% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chia sẻ tài sản của họ và 66% sẵn sàng để tìm kiếm sự chia sẻ từ những người khác.

Nền kinh tế chia sẻ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Nó tạo ra các hoạt động kinh tế bằng cách cho phép mọi người chia sẻ và kiếm thu nhập từ tài sản chưa được tận dụng như xe hơi, căn hộ và nhiều thứ khác. Nó làm giảm tác động tới môi trường bằng cách giảm thiểu tiêu thụ và mở rộng cho vòng đời cho thuê hàng hóa cũng như thúc đẩy việc xây dựng các mối quan hệ.

Nhưng Singapore vẫn thận trọng

Với tất cả những lợi ích rõ ràng như vậy nhưng một điều đáng ngạc nhiên là kinh tế chia sẻ cất cánh khá chậm tại Singapore- quốc gia phát triển có dân dố khá đông cũng như mật độ truy cập Internet cao.

Những kẻ tiên phong của nền kinh tế chia sẻ như Airbnb và Uber đã thiết lập văn phòng tại đây từ rất sớm. Những doanh nghiệp Singapore như iCarsClubs (chia sẻ xe hơi), PandaBed (chia sẻ chỗ ngủ) và Rent Tycoon (chia sẻ vật dụng hàng ngày) cũng đã mở rộng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào các thành phố như Seoul và London, rõ ràng Singapore thiếu độ nóng hơn.

Tại Seoul, chính quyền thành phố đã chấp nhận kinh tế chia sẻ và sử dụng nó để cung cấp các dịch vụ công cộng, kích hoạt hoạt động kinh tế, giảm lãng phí và xây dựng cộng đồng. Ví dụ, người ta khai thác công nghệ để mở ra hơn 700 tòa nhà công cộng ít được sử dụng cho người dân vào thởi điểm nhàn rỗi. Hệ thống này hiện đã được sử dụng 23.000 lần bởi người dân.

Tại Anh, được coi là thủ phủ của nền kinh tế chia sẻ tại châu Âu, chính phủ công bố cơ quan giúp thúc đẩy các sáng kiến kinh tế chia sẻ có tên Sharing Economy UK.

Tất nhiên, nền kinh tế chia sẻ cũng vấp phải những tranh cãi, đó là lý do tại sao một số chính phủ trên khắp thế giới tỏ ra khá thận trọng. Những người chỉ trích nói rằng một số doanh nghiệp kinh tế chia sẻ vi phạm quy định pháp luật, trốn thuế, phá vỡ sự an toàn của những công việc truyền thống và tạo thuận lợi cho việc xâm phạm lợi ích người lao động. Đây đều là những mối quan tâm hợp lệ, nhưng phương thức giải quyết cần tập trung vào các yếu tố đầu vào thay vì từ bỏ hoàn toàn nền kinh tế chia sẻ.

Những thành phố hàng đầu trên thế giới như Amsterdam, Seoul, San Francisco và London, đến một vài tên khác đã thông qua luật để giải quyết những vấn đề này và để điều chỉnh hoạt động kinh tế chia sẻ.

Tại Singapore, một số bước thay đổi để thích nghi cũng đã được tiến hành. Cơ quan tái phát triển đô thị (URA) đã tiến hành một cuộc tham vấn công chúng về cho thuê ngắn hạn tài sản.

Hiện tại, cơ quan quản lý nhà ở Singapore (HDB) cấm bất cứ ai cho thuê không gian căn hộ theo quy định HDB trong khoảng thời gian ít hơn 6 tháng và URA cũng có quy định tương tự với tài sản cá nhân.

Cơ quan Giao thông vận tải Singapore cũng đang xem xét lại các quy định đối với ngành giao thông vận tải Singapore hiện đã phải đối mặt với một biến động lớn với sự xâm nhập của các nhà cung cấp dịch vụ mới như Uber và GrabTaxi.

Hiệp hội kinh tế chia sẻ Singapore - một nhóm mới được thành lập tại quốc đảo này để thúc đẩy ý tưởng mong muốn thấy Chính phủ có những động thái nhanh hơn trong việc sửa đổi luật.

Người sáng lập Eugene Tay, cũng cho biết có thể áp dụng kinh tế chia sẻ giữa các doanh nghiệp để kinh doanh dựa trên những tài sản, thiết bị chưa được khai thác hết và các cơ quan chính phủ cũng có thể thực hiện tương tự.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM