Đấu trường bò sữa

02/08/2014 16:00 PM | Kinh doanh

Các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD để mở rộng quy mô nuôi bò sữa của Vinamilk, TH, Nutifood hay FrieslandCampina đang sửa chữa hướng “phát triển ngược” của công nghiệp sữa Việt Nam.

Năm 2007, Vinamilk đầu tư 800 tỷ đồng xây dựng 5 trang trại có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, trong đó có 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày. Trước nhu cầu sữa còn tăng cao, trong năm 2014 và 2015, Vinamilk tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại bò tại Tây Ninh (quy mô 10.000 con), Hà Tĩnh (quy mô 3.000 con), Thanh Hóa 2 (quy mô 3.000 con) và Nông trường Thống Nhất, Thanh Hóa (quy mô 25.000 con).

Với số lượng 5.000 bò dự kiến nhập trong năm 2014 sẽ bắt đầu cho sữa trong thời gian cuối năm 2014 và năm 2015, góp phần nâng sản lượng sữa của các trang trại Vinamilk lên khoảng 50 triệu lít/năm.

Đầu tư lớn của Vinamilk vào đàn bò được nhìn nhận là sửa chữa hướng “phát triển ngược” của ngành công nghiệp sữa Việt Nam: phát triển ngành chế biến sữa trước khi phát triển nguồn nguyên liệu, nên phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu. Năm 2013, giá trị lượng sữa nhập khẩu lên tới hơn 1 tỷ USD. Trong khi đó, tiêu thụ sữa ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, mở ra triển vọng lớn về thị trường cho ngành công nghiệp sữa bò ở Việt Nam.

Sau Vinamilk, Tập đoàn TH với thương hiệu TH true Milk cũng đã đầu tư đàn bò với quy mô lớn và tăng đều mỗi năm. Năm 2010 số lượng bò của TH tăng 11,3%, so với năm 2009, năm 2011, đàn bò sữa tăng 10,98% so với năm 2010; năm 2012, đàn bò sữa tăng 17,02% so với năm 2011. Tính đến tháng 10/2013, tổng số bò của TH đã đạt 35.000 con, so với kế hoạch là 45.000 con và tăng lên 137.000 con vào năm 2017, cung cấp khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi của cả nước; đến năm 2020 dự kiến đạt 203.000 con.

Mới đây, Công ty Nutifood công bố hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để phát triển đàn bò lên gần 300.000 con. Chiến lược này của Nutifood được các chuyên gia kinh tế cho là con đường tắt đưa đến hiệu quả nhanh.

Nuôi bò sữa để kinh doanh gặp nhiều rủi ro, quy mô càng lớn thì rủi ro càng lớn. Ngay cả với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk nuôi bò còn lỗ, thì việc Nutifood nuôi bò sữa vào thời điểm hiện nay là khá mạo hiểm.

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk: “Chăn nuôi bò đòi hỏi vốn lớn và lâu dài, còn nếu dùng vốn vay để nuôi sẽ rất nguy hiểm vì khả năng hoàn vốn lâu mà lãi thì biến động thất thường”. Chẳng hạn, tính toán trung bình tổng vốn đầu tư nuôi một con bò sữa theo công nghệ hiện đại ít nhất khoảng 200 triệu đồng. Tổng lợi nhuận của một con bò sữa khai thác trong 6 năm chỉ khoảng 150 triệu đồng.

Khi bắt tay với HAGL, Nutifood tính toán không chỉ có một đàn bò sữa cung cấp nguyên liệu, mà còn chuyên tâm vào sản xuất sữa. Với tham vọng này của Nutifood, không loại trừ công ty này sẽ trở thành một thế lực mới ở thị trường sữa tươi Việt Nam. Xa hơn, Nutifood còn có khả năng tác động không nhỏ đến cả thị trường sữa bột, bởi một khi sữa tươi không sản xuất hết thì có thể chế biến thành sữa bột.

Kết quả điều tra sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng đàn bò sữa tính đến 1/4/2014 tăng mạnh, lên 200.400 con, tăng 26.000 con (tăng 14%) so cùng kỳ 2013.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa bò đạt 265.400 tấn, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

 Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, cho biết: “Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Gia Lai với dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 5.000 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn, với tổng công suất nhà máy 500 triệu lít sữa tươi/năm. Dự kiến giữa năm 2016, nhà máy này sẽ cho ra lô sữa tươi đầu tiên”.

Tiếp theo Nutifood, trung tuần tháng 7 qua, Công ty FrieslandCampina Việt Nam cũng khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mục tiêu của dự án này là hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững theo quy mô trang trại gia đình, từ đó góp phần giảm thiểu việc nhập khẩu sữa.

Dự kiến sau 5 năm thực hiện, đến năm 2018, dự án sẽ xây dựng được 3 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung. Trong đó, mỗi vùng sẽ có khoảng 50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm. Mỗi trang trại chăn nuôi sau 5 năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50 đến 80 con, có đất trồng cỏ và ngô để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò.

Trước hiện tượng các doanh nghiệp chi hàng trăm triệu USD đầu tư nuôi bò sữa, nhiều phân tích cho rằng đó là đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, để chủ động nguyên liệu. Trong khi đó, những doanh nghiệp ngoài ngành mới nhảy vào thị trường sữa là nhắm tới đất và đón đầu các cơ chế chính sách vay ưu đãi mà Nhà nước đang và sẽ đầu tư mạnh vào nông nghiệp. 

Tuy nhiên, dù chưa từng nuôi bò sữa, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, chứng minh nhiều lợi thế để có đàn bò vượt trội. Về đàn bò sữa, bầu Đức cho biết sẽ nhập khẩu giống bò cao sản của Úc, nuôi theo công nghệ Israel. Về thức ăn, lợi thế của HAGL là tận dụng được một số “đồ thải” như bã cọ dầu, 50.000 tấn mật rỉ tại các nhà máy đường và hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm.

Mà việc cung cấp thức ăn cho bò đã chiếm 70% vốn đầu tư. Điều đó cho thấy, hiệu quả hơn hẳn doanh nghiệp khác mà HAGL có được khi nuôi bò. Ngoài nguồn thức ăn thì công nghệ chuồng trại là điều vô cùng quan trọng, nhưng theo ông Đức, các khu đất của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đều gần các dòng sông, đảm bảo thuận lợi cho việc tưới tiêu và thích hợp cho việc trồng cỏ.

Bên cạnh đó, với dự kiến đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng để xây nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai, cả Nutifood và HAGL đều có thêm đầu ra cho trang trại bò sữa tại Lào.


Theo Lữ Ý Nhi

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM