Đặt cược vào chaebol nhìn từ 'đế chế' Samsung

27/10/2014 14:38 PM | Kinh doanh

Trung tuần tháng Mười ở Hàn Quốc đã công bố số liệu về kết quả kinh tế của các công ty trong quý III.

Hóa ra so với cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận của tập đoàn Samsung Electronics đã giảm gần 60%. Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng là các đơn vị trong tập đoàn này, chuyên tham gia sản xuất điện thoại di động, Tiếng nói nước Nga bình luận.

Samsung là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về điện thoại thông minh smartphone. Tuy nhiên, nếu gần đây tỷ lệ của hãng trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu còn chiếm 31%, thì bây giờ đã giảm xuống đến 25%.

Có một số lý do. Một mặt, Samsung chịu áp lực từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Điện thoại Trung Quốc kém chất lượng hơn so với sản phẩm tương tự của Hàn Quốc, nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều. Mặt khác, Samsung cũng bị chèn ép từ phía Apple, là một trong những cơ sở tiên phong về công nghệ điện thoại thông minh. Vẫn như trước đây, Apple tiếp tục trình làng những mẫu hàng chất lượng cao, mặc dù đắt giá.

Đóng vai trò tiêu cực ở đây còn có "yếu tố con người" - cụ thể là tin đồn vị đứng đầu Samsung Lee Kun Hee lâm bệnh nặng.

Nhìn tổng thể, tình hình phức tạp của Samsung đã là lời nhắc nhở về hai vấn đề mà nền kinh tế của Hàn Quốc đang phải đối mặt. Không chỉ riêng các chuyên gia phân tích mới nhận thức được về hai vấn đề này, mà cả bộ phận đáng kể trong dân cư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là những vấn đề đang được giải quyết.

Hàn Quốc bắt đầu tăng trưởng kinh tế nhờ vào sức lao động giá rẻ. Trong nền kinh tế toàn cầu khoảng trước năm 1990, Hàn Quốc từng đóng vai trò tương tự như Trung Quốc hiện nay, xuất xưởng đại trà những sản phẩm dân dụng tuy chất lượng không phải là cao nhưng giá rẻ. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện nay không giữ được vai trò như vậy. Tiền công lao động đã tăng lên gần bằng cấp độ châu Âu, do đó, nếu không tính đến lao động di dân, thì giá nhân công rẻ mạt ở Hàn Quốc từ lâu đã không còn nữa.

Cùng lúc này, trên thị trường thế giới ngày càng nổi trội lên những sản phẩm đáng chú ý từ Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nơi cho đến nay vẫn bảo lưu mức tiền công rất thấp.

Mặt khác, dù đạt không ít thành tích tiến bộ, Hàn Quốc vẫn tụt lại phía sau trong lĩnh vực công nghệ cao so với Mỹ, Nhật Bản và các nước Bắc Âu. Nói cách khác, các công ty Hàn Quốc không thể sản xuất bất kỳ chế phẩm nào vừa có giá thành rẻ như của Trung Quốc, hoặc là chế phẩm đẳng cấp chất lượng vượt trội như các mẫu mã tương tự của Đức và Nhật Bản.

Lại có cả vấn đề khác nữa. Ở đây là chuyện về sự tập trung vốn tư bản vào số ít doanh nghiệp cỡ lớn, khét tiếng với danh xưng chung là chaebol. Samsung là chaebol lớn nhất và tiêu biểu nhất. Tập đoàn này chiếm khoảng 20% toàn bộ lợi nhuận mà các công ty Hàn Quốc thu được.

Cánh tả Hàn Quốc coi chaebol thuần túy là hiện tượng tiêu cực. Tất nhiên đánh giá như vậy không hoàn toàn công bằng. Chính động thái đặt cược vào chaebol đã có thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi mau lẹ của đất nước kim chi, giúp một quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng biến thành quốc gia phát triển và được mệnh danh là “phép lạ kinh tế”. 

Tuy nhiên, tình trạng tích tụ dự trữ và nguồn vốn vào tay số ít công ty có tính tập trung cao độ đang làm cho nền kinh tế Hàn Quốc trở nên rất dễ tổn thương. Điều đó một lần nữa được nhắc nhở qua những vấn đề của Samsung.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu vì nhiều lý do ban lãnh đạo Samsung bị mất khả năng điều hành tập đoàn với tầm năng động kỳ vĩ mà nó đã thể hiện qua nhiều thập kỷ? Ở phần lớn các nước trên thế giới, điều đó khó trở thành vấn đề nghiêm trọng, bởi trước hết, các nước không có những tập đoàn khổng lồ từng đóng vai trò quan trọng như vậy trong nền kinh tế quốc dân, và thứ hai, bởi vì trong nhiều trường hợp thì các công ty lớn ở nước phát triển theo kiểu sở hữu chứng khoán riêng. 

Mà giống như mấy chaebol lớn khác, Samsung vẫn là đế chế gia đình, và vấn đề với ban lãnh đạo sẽ có những hậu quả khó lường nhất.

Những vấn đề của nền kinh tế Hàn Quốc không phải mới nảy sinh hôm nay, mà đã tích tụ và hiện hữu suốt thời gian dài. Nói cách khác, đây là căn bệnh mãn tính hơn là cấp tính. Dù vậy, cũng cần phải giải quyết.

>> Đế chế Samsung và cuộc chuẩn bị cho thế hệ thứ ba

Theo Thúy Hà

Cùng chuyên mục
XEM