Đào tạo nhân sự ngành ngân hàng: Vẫn còn nhiều lỗ hổng!

24/01/2016 07:10 AM | Kinh doanh

Hội nhập ngày càng sâu rộng buộc các ngân hàng trong nước phải thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân sự, nếu không họ sẽ bị bỏ lại phía sau bởi các ngân hàng ngoại.

Khủng hoảng thừa nguồn nhân lực

Ngành ngân hàng từng có thời kỳ được cho là khủng hoảng thừa nguồn nhân lực bởi việc đào tạo tràn lan cử nhân tài chính – ngân hàng tại các cơ sở đào tạo. Cùng với đó là quá trình cắt giảm nhân sự của các ngân hàng, câu chuyện làm đau đầu các lãnh đạo ngân hàng không kém câu chuyện xử lý nợ xấu trong thời kỳ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, với những người hoạt động lâu năm trong ngành và am hiểu tường tận hoạt động của các ngân hàng, nhân sự ngành ngân hàng là dư thừa nhưng cũng thiếu trầm trọng.

Theo ông Lê Văn Bé, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội, sáng lập viên & cố vấn cao cấp HĐQT Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) - cơ hội cho nhân sự lĩnh vực ngân hàng vẫn là rất lớn, nhất là khi khái niệm cán bộ ngân hàng không chỉ dừng lại ở quan niệm truyền thống.

“Có thể có những giai đoạn chúng ta thừa nhân lực cho ngành này, nhưng xét cho cùng có thừa hay không là do chính người lao động khi họ không cập nhật được nhu cầu của thị trường lao động,” ông Lê Văn Bé chia sẻ.

Ông Lê Văn Bé cho rằng, các ngân hàng đang tổ chức lại theo hệ thống quản trị mới theo các khối. Để kinh doanh hiệu quả, họ cần nhiều chuyên viên bán hàng, nhà phân tích hỗ trợ… Do vậy, xu hướng hình thành các ngân hàng bán lẻ đòi hỏi rất nhiều nhân lực tham gia thị trường lao động.

Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng kiên nhẫn với các cử nhân mới tốt nghiệp, bởi thông thường phải mất từ 6 tháng đến một năm để đào tạo lại nhân viên mới đi làm.

Chị Hồ Bảo Hằng, chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân Ngân hàng VPBank chia sẻ: Các vị trí trong ngân hàng đều rất bận rộn, họ có thể bị cuốn theo công việc tới 10 giờ đêm vào thời kỳ cao điểm. Do vậy không ai có thời gian để “cầm tay chỉ việc” cho các cử nhân mới ra trường, buộc các phải tự học hỏi để hoàn thiện bản thân.

“Áp lực lớn nhất đối với nhân viên ngân hàng hiện giờ là chỉ tiêu, mức độ cạnh tranh cao giữa các ngân hàng khiến các ngân hàng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, ngành ngân hàng với nguồn lao động trẻ mới ra trường rất lớn nên mức độ đào thải rất cao, nhưng với những người trẻ, nếu một thời điểm nào đó không đáp ứng được yêu cầu công việc là ngay lập tức có thể phải ra đi,” chị Hồ Bảo Hằng chia sẻ.

Đào tạo nhân sự chuyên nghiệp, tại sao không?

Để “vá” lỗ hổng chất lượng nhân sự nêu trên, một số chương trình đào tạo do chính các ngân hàng tự tổ chức hoặc liên kết lại tổ chức đã và đang được các ngân hàng đón nhận. Trong đó phải kể đến chương trình Huấn luyện trước tuyển dụng (Future Bankers) được thực hiện từ năm 2010 bởi BTCI, một chương trình dành cho sinh viên đại học, người mới ra trường và có nguyện vọng làm việc tại ngân hàng, do chính các giám đốc chi nhánh, trưởng các bộ phận nghiệp vụ của các ngân hàng đào tạo.

Chương trình Huấn luyện trước tuyển dụng - Future Bankers do BTCI tổ chức
Chương trình Huấn luyện trước tuyển dụng - Future Bankers do BTCI tổ chức

Với 15 năm kinh nghiệm đào tạo nhân sự cho ngành ngân hàng, tính đến thời điểm này hầu hết các chức danh từ cấp quản lý cao nhất cho đến nhân viên của các ngân hàng trong nước đều đã qua các khóa đào tạo của BTCI. Riêng với chương trình Future Bankers, không chỉ 10 ngân hàng cổ đông của BTCI, các tổ chức tín dụng đều đánh giá cao hiệu quả của chương trình và luôn dành sự ưu tiên cho các ứng viên đã tốt nghiệp chương trình này.

Bà Lê Thị Bằng, Giám đốc Chương trình Future Bankers, nêu thực trạng nhiều sinh viên học chỉ để đối phó với các kỳ thi, chứ chưa ý thức rõ tại sao lại học môn này và sẽ ứng dụng vào công việc nào, hay để làm được công việc ở những vị trí đó cần hiểu biết sâu ở lĩnh vực nào.

“Thường khi đi thi tuyển, bản thân ứng viên phải xác định rõ mục tiêu của mình ở vị trí nào, nhưng có những ứng viên còn không xác định được mình sẽ làm ở vị trí nào để thuyết phục nhà tuyển dụng. Điều đó có nghĩa ứng viên không xác định được năng lực của mình đến đâu và chứng minh năng lực đó như thế nào. Không phải cứ tốt nghiệp bằng giỏi là có thể xin việc được ngay nếu ứng viên không chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng phù hợp ở một vị trí nhất định trong ngân hàng”, bà Lê Thị Bằng chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, Future Bankers giúp trang bị cho các học viên những hiểu biết căn bản về nghiệp vụ và các vị trí cụ thể trong ngân hàng, những kỹ năng để có thể bắt đầu làm việc tại ngân hàng, đồng thời thực hành những kỹ năng đó trong giai đoạn tập trung. Giai đoạn thứ hai sẽ là thực tập, làm việc thực tế tại các ngân hàng ở những vị trí mà người học mong muốn ứng tuyển.

Trong giai đoạn đào tạo cũng như thực hành, người học sẽ lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng, thái độ, tác phong chuyên nghiệp theo đúng chuẩn mực quốc tế đối với những quy định của ngành ngân hàng, để khi tốt nghiệp đại học cũng là lúc các tân cử nhân này đủ tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Thực tế cho đến nay, Future Bankers đã đào tạo gần 2.000 ứng viên cho các ngân hàng, 70% các ứng viên ngay sau khi tốt nghiệp được các ngân hàng tuyển dụng.

Bạn Đỗ Hà Phương, sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Thăng Long chia sẻ: “Sự khác biệt lớn nhất của khóa học này là sinh viên được cọ xát với các vấn đề thực tế của ngành ngân hàng, được tiếp xúc với những cán bộ quản lý của các ngân hàng, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn, cảm thấy ngành ngân hàng gần hơn và tự tin hơn khi ra trường”.

Theo chị Hồ Bảo Hằng, Future Bankers đã giúp chị có được tấm “giấy thông hành” để đứng vào đội ngũ nhân sự của VPBank, ngân hàng cũng đánh giá ứng viên cao hơn so với các ứng viên khác.

Bà Lê Thị Bằng cho biết, mỗi năm có từ 12.000 – 18.000 nhân sự trong ngành ngân hàng được tuyển dụng, bao gồm cả thay thế cho nhân sự bị đào thảo và bổ sung nhân sự cho phù hợp với quy mô phát triển, đặc biệt là mảng bán lẻ đang được các ngân hàng chú trọng phát triển nên nhu cầu về nhân sự là rất lớn. Do đó, việc hỗ trợ sinh viên có được kinh nghiệm thực tiễn trước khi ra trường sẽ giúp họ tự tin trong công việc, đồng thời giúp giảm chi phí đào tạo nhân viên cho hơn 40 khách hàng của BTCI, gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, và công ty tài chính.

Viện BTCI được thành lập năm 2001 với mục đích hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển một thế hệ chuyên gia ngân hàng mới có chuyên môn tiêu chuẩn quốc tế, đạo đức nghề nghiệp và tầm nhìn toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam.

Chương trình Future Bankers được BTCI triển khai từ năm 2010, đến nay đã có 12 ngân hàng ký bản ghi nhớ công nhận chứng chỉ Future Bankers. Future Bankers là chương trình đào tạo nghề ngân hàng thực hành đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (do Học viện Ngân hàng - Bảo hiểm - Đầu tư Hà Lan NIBE-SVV chứng nhận).

Chương trình được thiết kế dựa trên cơ sở yêu cầu về năng lực làm việc của các vị trí tân tuyển, đảm bảo học viên được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc phù hợp với môi trường thực tế, cung cấp cho ngành ngân hàng đội ngũ ứng viên tân tuyển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tối đa hóa khả năng đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi được tuyển dụng, tối đa hóa khả năng việc làm của ứng viên, giảm thiểu chi phí tuyển dụng và huấn luyện sau tuyển dụng của ngân hàng.

Hơn 70% học viên tốt nghiệp Future Banker đã được tuyển dụng làm việc tại trên 30 ngân hàng trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam: ANZ, HSBC, Citibank, Standard Chartered Bank, IKB, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Techcombank, Quân đội, Á Châu, An Bình, Hàng Hải, SeAbank, Sacombank, VPBank, VIB, SHB, MHB, HD PVComBank, Tienphong Bank...

Theo Nguyễn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM