Cú hat-trick kỳ diệu của bầu Đức

23/09/2013 08:10 AM | Kinh doanh

U19 Việt Nam có thể chưa lên ngôi cao nhất, nhưng bầu Đức thì đại thắng.

Nội dung nổi bật:

- U19 Việt Nam dù chưa đoạt cúp nhưng màn trình diễn ấn tượng của đội tuyển với 12/20 thành viên trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai lại một lần nữa chứng minh tài đầu tư của "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức.

- "Bầu" Đức là người biết cách làm truyền thông không thể không nhắc tới ông:

(i) Đem Kiatisak về đội bóng hạng nhất Hoàng Anh Gia Lai khi Việt Nam đang thua Thái "trường kỳ";

(ii) Chuyển sang làm bóng đá trẻ bài bản từ 2007 trong khi các 'đại gia' khác đang bận chơi trò "ai đốt tiền ngông nhất" trên sân cỏ V-League; và

(iii) "Thả" quân đánh thắng như chẻ tre tại giải U19 Đông Nam Á với lối đá máu lửa, đẹp mắt giữa lúc chẳng ai buồn quan tâm tuyển "già" U23 sống chết thế nào với cái cúp Tiger.


Sau 120 phút bất phân thắng bại và 9 loạt sút luân lưu căng thẳng, U19 Việt Nam đã không thể giành chiến thắng trước U19 Indonesia. Phía trên khán đài, bầu Đức có thể không vui vì kết quả trận đấu, nhưng ông cũng chẳng nên buồn lâu.

U19 Việt Nam có thể thua, nhưng bầu Đức thì không. Ông đang thắng lớn.

Quả ngọt chỉ dành cho người nhanh nhất

Dù trên sân cỏ hay trên bàn đàm phán, Đoàn Nguyên Đức đều là cái tên được nhiều người vị nể. Hơn 10 năm qua, có thể nói bầu Đức là người đi tiên phong đặt nên những nền móng cho nền bóng đá nước nhà. Nhưng một doanh nhân không ngẫu nhiên đổ cả đống tiền chỉ để đóng góp hay thỏa mãn sở thích cá nhân. Điều quan trọng là nó phải sinh lời.

Nhìn lại những chặng đường phát triển bóng đá của bầu Đức, có thể thấy ông luôn xây dựng trên quan điểm của một nhà đầu tư: Am hiểu thị trường, rót tiền đúng thời điểm, thay đổi và đưa ra chiến lược dài hạn để phát triển bền vững. Đó cũng là những nhân tố giúp ông nằm trong số ít ông bầu còn trụ lại trong làng túc cầu.

Quay trở lại một thập kỷ trước, vào những năm 2000, khi cả nước đang hừng hực khí thế với sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, Hoàng Anh Gia Lai đã không bỏ lỡ cơ hội đầu tư quảng bá tên tuổi.

Năm 2002, cái tên Đoàn Nguyên Đức được người hâm mộ bóng đá cả nước biết đến khi ông đưa danh thủ số một Đông Nam Á lúc bấy giờ - Kiatisak của Thái Lan về đội bóng của mình. Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai từ một đội bóng hạng nhất đã thăng hoa với 2 lần vô địch V-League, còn thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai thì nhanh chóng nổi tiếng.

Có thể ví bóng đá Việt Nam lúc đó như một chú bò sữa, còn bầu Đức là một trong những người đầu tiên khai phá, khi bầu sữa còn đang căng tròn và ông đã nhanh chóng mang về cho mình những giọt sữa thơm ngậy nhất.

Là chủ doanh nghiệp đầu tiên nhảy vào lĩnh vực bóng đá, ông Đức đã gặt hái thành công, cả về mặt hình ảnh lẫn kinh doanh.

Sau bầu Đức, hàng loạt các ông bầu giàu có khác cũng nhảy vào làm bóng. Họ thi nhau vung tiền để “vắt sữa” đến cạn kiệt. Đỉnh điểm với những scandal bán độ, lạm phát tiền lương, các ông bầu “mạnh mồm, bạo chi” một thời dần nói lời giã biệt bóng đá trong cảnh không kèn, không trống, hoặc để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt khán giả.

Bầu Đức lúc đó làm gì? Khi nhận ra V-League sắp hết thời, ông Đức nhanh chóng rút khỏi cuộc đua đầu tư hao tiền tốn của vô ích để tập trung cho một chiến lược dài hơi hơn. Đó là đầu tư cho thế hệ trẻ.

"Những đứa con của bầu Đức"

Trong khi nhiều doanh nhân tên tuổi khác đang chơi trò "ai đốt tiền nhanh nhất" trên sân cỏ V-League thì bầu Đức chọn hướng đi khác. Năm 2007, Hoàng Anh Gia Lai và Arsenal bắt tay thành lập Học viện bóng đá HAGL Arsenal với trang thiết bị thuộc hàng "đỉnh". Thời ấy, chuyện bầu Đức phải phá cả chục hecta cao su để xây học viện bóng đá cũng khiến cái tên Đoàn Nguyên Đức xuất hiện dày đặc trên báo chí.

Sướng.

Sau 6 năm đầu tư vào bóng đá trẻ, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu thu về những dòng sữa ngọt đầu tiên. Tại giải U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam, với nòng cốt là những học viên đến từ HAGL Arsenal đã có những trận thắng vang dội. Dù không thể giành chức vô địch, nhưng những gì U19 Việt Nam đã thể hiện khiến người hâm mộ đồng tính rằng, cách làm bóng đá của bầu Đức là đúng đắn.

Hiệu ứng mà ông Đức thu về lần này, có lẽ còn lớn hơn cả cú đề-pa Kiatisak trước đây. Dù sao việc sự tụt dốc của V-League cũng đã ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển bóng đá chuyên nghiệp và nằm ngoài dự đoán của vị doanh nhân này.

Trong khi đó, thành công của U19 Việt Nam tại giải vừa qua, dù mới chỉ là “trái non” cũng mang về nhiều vị ngọt. Hãy xem cách mà giới truyền thông gọi U19 Việt Nam là “Những đứa con của bầu Đức”, nó cho thấy vị thế của ông đối với nền bóng đá quốc gia. Là một nhà kinh doanh, ông Đức cũng có cái tài làm truyền thông xuất sắc.

Tất nhiên, cái lợi của ông Đức cũng sẽ mang tới cái lợi cho nhiều người. Cũng phải tương đối lâu rồi người hâm mộ bóng đá mới có cảm giác phấn khích như vậy khi xem các trận cầu của Việt Nam.

Vẫn còn quá sớm để nói đội tuyển U19 Việt Nam hay tương lai là đội tuyển quốc gia sẽ tiến xa đến đâu. Cũng chẳng thừa nếu chúng ta nhắc nhau chớ nên tâng bốc các cầu thủ trẻ quá sớm nếu không muốn hỏng thêm một thế hệ cầu thủ. Bản thân "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức cũng tuyên bố không cho phép các cầu thủ trẻ của Học viện Bóng đá HAGL nhận tiền thưởng từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vì sợ cầu thủ sinh hư.

Nhưng dù sao "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức cũng đã dành được thắng lợi bước đầu then chốt. Còn với Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, khoảng thời gian sắp tới sẽ là lúc Hoàng Anh Gia Lai của ông nhận được không ít hào quang từ bóng đá.

Trần Dũng

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM