Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ở Samsung?

14/06/2015 20:35 PM | Kinh doanh

Dự án Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa được khởi công. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được phần nào trong chuỗi sản xuất này?

Một hội nghị giữa Samsung và các doanh nghiệp trong nước mong muốn trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện đầu vào cho tập đoàn Hàn Quốc, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp trong nước muốn trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này.

Cửa đang rộng mở…

Dự án Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ USD đã biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động và hàng điện tử gia dụng lớn nhất thế giới của tập đoàn này.

Đáng lưu ý, một cam kết giữa Samsung và SHTP khi triển khai dự án này là sẽ có một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) do Samsung xây dựng. Khu phức hợp được xây dựng trên diện tích 70ha, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 2/2016 với các dòng sản phẩm tivi cao cấp và ngành hàng điện gia dụng. Dự án là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tivi toàn cầu của Samsung, góp phần củng cố vị trí là nhà sản xuất tivi số 1 thế giới mà thương hiệu này nắm giữ trong 9 năm qua.

Về bản chất, tập đoàn nước ngoài nào khi xây dựng nhà máy đều muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa, tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ nhằm giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh. Những dự án đang triển khai của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên hay Tập đoàn Intel ở TP.HCM đều thường xuyên tìm kiếm nhà cung cấp bản địa.

Hồi tháng 8/2014, Samsung từng tổ chức một hội nghị kết nối giữa những doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện đầu vào cho mình, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt có chân trong chuỗi chưa nhiều. Hiện phía Samsung và SHTP đang tiếp tục tiến hành các bước tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho dự án SEHC. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Nhưng không dễ vào

Trưởng Ban quản lý SHTP, ông Lê Hoài Quốc cho biết, ngay sau khi Samsung rót 1,4 tỷ USD triển khai dự án, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã bày tỏ sự quan tâm. “Ban quản lý đã tổ chức kết nối giữa Samsung với các doanh nghiệp.

Nhưng từ hàng trăm doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện, qua ba vòng kết nối chỉ còn khoảng hơn 20 doanh nghiệp. Đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật của Samsung rất khắt khe, sản phẩm phải có chất lượng ổn định và đáp ứng yêu cầu. Và đây cũng mới là vòng sơ tuyển”, ông Quốc nói.

Câu chuyện nằm ở chỗ, doanh nghiệp nội địa có đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất khổng lồ này hay không? Theo ông Lê Hoài Quốc, trong khi cơ hội từ dự án 1,4 tỷ USD của Samsung là rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại chưa sẵn sàng.

Bởi yêu cầu từ phía nhà đầu tư rất khắt khe, không chỉ đáp ứng về chất lượng mà số lượng đủ lớn để dự trữ hay nói cách khác thời gian cung ứng là 100%. Cũng dễ hiểu, bởi khi Samsung ở Việt Nam chấp nhận một linh phụ kiện do doanh nghiệp bản địa sản xuất thì Samsung trên toàn thế giới cũng sẽ chấp nhận. Khi đó lượng sản phẩm Samsung toàn cầu cần là vô cùng lớn.

Hiện nay, phần lớn các nhà cung ứng cho Samsung tại hai nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Số lượng doanh nghiệp Việt có thể chen chân vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này vẫn còn rất hạn chế.

Tỷ lệ nội địa hóa ở các nhà máy của Samsung chỉ mới đạt từ 15-30%. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina thừa nhận, yêu cầu để trở thành nhà cung cấp của Samsung rất khắt khe, nhiều điều khoản doanh nghiệp nội địa chưa chú ý nên rất khó đáp ứng như về sở hữu trí tuệ, tuân thủ vấn đề đạo đức, lao động trẻ em…

Bài học từ các nước đi trước cho thấy, bước đầu doanh nghiệp trong nước sẽ khó lòng trở thành nhà cung cấp đạt mức cấp 1 cho Samsung, nhưng có thể là nhà cung cấp ở mức cấp 3,4 cho đối tác của tập đoàn này. Dần dần, khi doanh nghiệp bản địa đã tích lũy đủ vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý thì có thể tách ra làm việc trực tiếp với Samsung.

Về phía SHTP, ông Lê Hoài Quốc cho biết, SHTP và Samsung sẽ thường xuyên công bố những sản phẩm và tiêu chuẩn tập đoàn này muốn thu mua ở thị trường nội địa để doanh nghiệp Việt nắm được. Ngoài ra, SHTP sẽ cùng làm việc với Samsung và các trường đại học, viện nghiên cứu để thúc đẩy một quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước đã có nền công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Hàn Quốc, sang Việt Nam.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, kiêm Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, không phải doanh nghiệp Việt Nam không muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, vấn đề là có đủ lòng tin để đầu tư hay không? Bởi mỗi doanh nghiệp đều đầu tư sản xuất có mức độ, chứ không thể mạo hiểm bỏ quá nhiều vốn để sản xuất linh phụ kiện mà đầu ra không được đảm bảo lâu dài.

Ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung, khi đầu tư hàng chục tỷ đô la vào các nhà máy tại Việt Nam thì họ cũng cần rất nhiều nhà cung ứng linh phụ kiện, nhưng lại không có bất kỳ cam kết hay ràng buộc nào với phía cung cấp là các doanh nghiệp bản địa.

Câu chuyện doanh nghiệp nội địa chưa mặn mà với chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, thực ra không hẳn do không làm được, mà còn vì chưa thấy chính sách hỗ trợ cụ thể từ nhà nước để yên tâm đầu tư lâu dài.

Cuộc chơi lớn

Samsung Electronics bắt đầu triển khai hoạt động tại Việt Nam đầu năm 1995 với dự án đầu tiên là Công ty Điện tử Samsung Vina. Hiện tại, Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hai dự án chuyên sản xuất thiết bị di động và linh kiện, gồm khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ USD. Nếu tính cả dự án Samsung Display với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD đang được Chính phủ Việt Nam xem xét cấp phép, tập đoàn này đã và sẽ rót hơn 15 tỷ USD vào thị trường Việt Nam.

Theo Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM