Chaebol xứ Hàn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

30/03/2015 15:37 PM | Kinh doanh

Những tập đoàn Hàn Quốc, tiêu biểu như LG, Samsung đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và xem đây là thị trường quan trọng mang đến nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sản xuất nhưng cũng có những thách thức khiến doanh nghiệp vuộ mất cơ hội phát triển.

Tiếp bước Samsung, tập đoàn LG vừa khai trương nhà máy 1,5 tỉ USD tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. Cùng với Bắc Ninh và Thái Nguyên, Hải Phòng đang được giới đầu tư mệnh danh là “Thung lũng Silicon” mới của Việt Nam. Những ngày này, trang Facebook của Khu Công nghiệp Tràng Duệ cũng tràn ngập thông tin tuyển dụng, nhất là từ LG. Dự kiến, hơn 20.000 lao động sẽ được nhà máy này tuyển dụng.

Cuộc đua Samsung - LG

Thực tế cho thấy, LG có vẻ đã chậm chân hơn Samsung tại thị trường Việt Nam, khi mà Samsung Việt Nam đã có 3 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỉ USD. Nhưng được mệnh danh là một những chaebol (tập đoàn đa ngành) của xứ sở kim chi, LG đã có những toan tính chiến lược không hề thua kém Samsung và đã đến lúc họ tổng công kích.

Ông Bon-joon Koo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LG, cho biết tổ hợp nhà máy mới tại Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của LG trên toàn cầu.

Ðặc biệt, sau 2 thập niên phát triển tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của LG đã tăng gấp 5 lần so với kế hoạch ban đầu. Đầu năm 2013, lãnh đạo LG công bố trước mắt sẽ đầu tư 300 triệu USD vào dự án sản xuất sản phẩm điện tử và điện lạnh gia dụng tại Hải Phòng.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát lại, LG đã quyết định chốt số vốn ở mức 1,5 tỉ USD như hiện nay. Dự án này sẽ được xây dựng trong 10 năm. Giai đoạn 1 từ năm 2013 - 2017 với số vốn 510 triệu USD, giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2023 vốn 990 triệu USD.

Ðóng vai trò là cứ điểm sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất, lắp ráp các loại thiết bị đo điện tử, phát thanh kỹ thuật số cho ôtô, điện thoại di động, tivi, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi...

Công suất hằng năm đối với mỗi dòng sản phẩm lên tới hàng triệu đơn vị, tập trung vào phân khúc cao cấp và các dòng sản phẩm thông minh. “Trong 5 năm đầu, hơn 70% các sản phẩm sẽ được xuất khẩu tới khoảng 35 nước”, ông Bon-joon Koo cho biết.

Trước thời điểm khai trương tổ hợp LG tại Hải Phòng đúng 10 ngày, hãng tin Reuters cũng cho biết, Tập đoàn Điện tử LG Electronics Hàn Quốc sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thái Lan sang Việt Nam để đảm bảo về năng suất, hậu cần và chi phí ngay trong năm nay.

“Công ty mẹ của chúng tôi coi Việt Nam là nước thích hợp nhất để đầu tư. Lương là một yếu tố nhưng lý do chính là nhằm đảm bảo chất lượng cũng như các hoạt động hậu cần”, ông Nipon Wongsaengarunsri, Giám đốc Tiếp thị của LG Electronics Thái Lan, nói với Reuters.

Tại Thái Lan, mỗi năm LG sản xuất khoảng 600.000 tivi, tổng trị giá 243 triệu USD và khoảng 1/6 sản lượng dành cho xuất khẩu.

Đối với Samsung, có thể nói, thương hiệu này đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Thậm chí, không ít người còn ví von rằng Samsung là một phần cuộc sống của người Việt. Về mặt vĩ mô, Samsung cũng có vị thế khá hoành tráng khi chính là thương hiệu có giá trị xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất khối FDI và chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm.

Hiện Samsung có 3 nhà máy tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 7 tỉ USD. Bao gồm Samsung Electronics Việt Nam - SEV ở Bắc Ninh, SEVT ở Thái Nguyên và lâu đời nhất là Samsung Vina Electronics hoạt động từ năm 1996 ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Mới nhất, dự án Samsung CE Complex có vốn hơn 1,4 tỉ USD đã được phê duyệt, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2016 tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Với 4 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỉ USD, Việt Nam rõ ràng là cứ điểm sản xuất đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.

Mới đây, trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Ha Chan Ho, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cố vấn cao cấp chiến lược của Tập đoàn Samsung, cho biết: “Một nguyên tắc rất cơ bản của Samsung khi đầu tư tại Việt Nam là mang lại lợi ích cho cả đôi bên, nghĩa là trên tinh thần win - win”.

Vấn đề của Việt Nam

Đối với Samsung và LG, không phải ngẫu nhiên mà họ chọn Việt Nam để đầu tư các dự án hàng tỉ USD thay vì Indonesia, Thái Lan hay Philippines.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư này bằng chính sách “trải thảm đỏ” hết sức thông thoáng. Năm 2014, sau khi Khu Công nghiệp Tràng Duệ được Thủ tướng Chính phủ cho phép sáp nhập vào Khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng, các dự án FDI khi đầu tư vào đây sẽ được hưởng ưu đãi gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo. Thuế suất cho 15 năm đầu cũng được áp dụng mức 10%. Như vậy, LG đã “win” được lợi thế lớn này.

Tương tự, Samsung cũng đã nhận được nhiều ưu đãi như hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, cùng các ưu đãi về tiền thuê đất. Với 4 dự án đầu tư tại Việt Nam và có thể tiếp tục còn các dự án khác trong tương lai, Samsung thậm chí còn “win” nhiều hơn cả LG.

Về phía Việt Nam, cái “win” lớn nhất là vị thế quan trọng trên toàn cầu khi chính thức trở thành cứ điểm sản xuất của Samsung và LG. Đây là lực đẩy hiệu quả nhằm tiếp tục thu hút các thương hiệu lớn khác đổ vốn vào Việt Nam.

Điểm cộng tiếp theo là giải quyết được hàng trăm ngàn lao động tại các địa phương. Một thống kê mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy, trung bình mỗi tháng, Samsung sẽ chỉ phải trả cho một công nhân Việt Nam gồm tiền lương và tiền ngoài giờ khoảng 353 USD, bằng 1/10 của một công nhân ở Hàn Quốc.

Tuy phía Việt Nam đã “win” được nhiều, nhưng điểm cốt lõi là liệu ngành công nghiệp phụ trợ trong nước vốn đang ở trong thế cờ nắm trong tay với các dự án tỉ USD của Samsung, LG và cả Nokia, nhưng liệu có phất cao được không lại là một câu chuyện khác.

Ông Bon-joon Koo, cho biết: “Với dự án này, LG sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Tỉ lệ nội địa hóa dự kiến sẽ đạt 50% trong giai đoạn 1”.

Cụ thể, tổ hợp công nghệ LG khi đi vào hoạt động sẽ là cơ hội tốt và thuận lợi cho các nhà máy sản xuất phụ trợ của Việt Nam hợp tác phát triển. LG sẽ tư vấn, chuyển giao cho các nhà máy này những quy trình quản lý sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên phụ liệu, thiết bị phụ trợ cho nhà máy của LG. Dự án cũng sẽ là tiền đề thu hút vốn ngoại từ các công ty vệ tinh của LG trên toàn cầu vào Hải Phòng.

Với tỉ lệ nội địa hóa dự kiến lên tới 50%, tổ hợp công nghệ LG tại Hải Phòng đang muốn bật đèn xanh cho các nhà sản xuất phụ trợ trong nước. Tương tự, cuối năm 2014, Công ty Điện tử Samsung Việt Nam (SEV) cũng từng có ý định mua 170 loại linh kiện, phụ kiện từ nhà cung cấp trong nước để dùng cho Galaxy S4 và Tablet 7 inch được sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng sạc pin các loại, nhu cầu của SEV cần khoảng 400 triệu chiếc mỗi năm.

Thế nhưng, phản hồi từ các hiệp hội và doanh nghiệp điện tử trong nước sau đó lại tỏ ra không mấy mặn mà với đề nghị này vì lo ngại không thể đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và giá thành của SEV.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đã được Bộ Công thương triển khai từ khá lâu. Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, ngành này đến nay vẫn phát triển khá ì ạch. Rõ ràng, với sự kiện tổ hợp công nghệ LG vừa đi vào hoạt động, cơ hội cho các doanh nghiệp phụ trợ nội địa lại được mở ra.

Cờ đã tới tay, nếu họ tiếp tục không biết phất, cơ hội sẽ chạy sang các nhà cung ứng ngoại vốn ăn theo các đại gia Samsung, LG như một mắt xích của chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn xa hơn, con đường thoát kiếp gia công của ngành điện tử trong nước vẫn sẽ phải được tính bằng con số hàng thập niên.

>> Chaebol Hàn Quốc: Cây gậy và củ cà rốt

BẢO NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM