Cậu ấm 47 tuổi Lee Jae Yong và sứ mệnh giải cứu Samsung

01/12/2015 09:09 AM | Kinh doanh

Công ty điện tử Samsung hiện đang đạt mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, số lượng bán ra của tất cả các dòng điện thoại đang sụt giảm lần thứ 2 liên tiếp trong năm.

Phó chủ tịch tập đoàn Samsung là Lee Jae Yong - người con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun-hee hiện phải đối mặt với thử thách đầu tiên trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại tập đoàn. Điều đáng nói là thử thách này rất có thể sẽ mang đến tin buồn cho một vài vị lãnh đạo cấp dưới phụ trách mảng kinh doanh điện thoại di động.

Công ty điện tử Samsung hiện đang đạt mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, số lượng bán ra của tất cả các dòng điện thoại đang sụt giảm lần thứ 2 liên tiếp trong năm dưới sự lãnh đạo của đồng CEO J.K. Shin.

Thời điểm này, chaebol lớn bậc nhất Hàn Quốc hiện đang tiến hành việc tái cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo trên toàn công ty. Dù là hoạt động được Samsung thực hiện hàng năm tuy nhiên, cuộc cải tổ lần này dường như sẽ được thực hiện sâu và rộng hơn bao giờ hết trong bối cảnh mảng xây dựng và đóng tàu của tập đoàn đang trong tình trạng thua lỗ.

Đây là tình huống hoàn toàn khác so với năm 2014. Lúc đó, chủ tịch Lee Kun-hee đột ngột phải nhập viện do cơn đau tim vì vậy hầu như không có bất kỳ sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nào diễn ra tại tập đoàn.

Tuy nhiên hiện nay, khi thị phần mảng kinh doanh điện tử sụt giảm 3 năm liên tiếp trước sức ép từ Apple, các chuyên gia phân tích đang kỳ vọng rằng vị thái tử trẻ 47 tuổi của đế chế Samsung sẽ có những bước đi quyết liệt hơn để khẳng định khả năng lãnh đạo và tìm cách cứu vãn cho tương lai toàn tập đoàn.

“Năm ngoái ông Shin đã may mắn giữ được chiếc ghế CEO tuy nhiên hiện tại mọi chuyện đã khác”, theo Lee Sang Hun - chuyên gia phân tích tại HI Investmetn & Securites Co. “Năm ngoái, do chủ tịch Lee đột ngột nhập viện và Jae Yong phải lên nắm quyền trong một tình huống hết sức cấp bách. Chính vì vậy, anh đã chọn phương án ổn định tình hình thay vì thực hiện một cuộc cải tổ lớn”.

Lên ngôi lặng lẽ

Thái tử Lee đang dần kiểm soát toàn bộ công việc kinh doanh của tập đoàn trong khi chủ tịch Lee Kun-hee vẫn chưa thể hồi phục sau cơn bạo bệnh. Thậm chí, việc này diễn ra một cách lặng lẽ mà không hề có một buổi lễ sắc phong chính thức và ngôi vị chủ tịch tập đoàn vẫn chưa được trao cho anh.

Dường như gia tộc Samsung đang rất tuân thủ truyền thống văn hoá của người Hàn Quốc cho rằng người con trai không được nắm giữ vị trí cao nhất trong khi cha mình còn sống. Điều này diễn ra ngay cả khi các chuyên gia phân tích đều đã xem Jae Yong như là người thừa kế duy nhất và khả thi nhất của tập đoàn thời điểm hiện tại.

“Anh ấy không cần quá vội vã để có được chức danh chủ tịch tập đoàn. Hiện tại ai cũng biết rằng Samsung là của Lee Jae Yong”, Lee Seung Woo - chuyên gia phân tích tại IBK Securites nói.

Kể từ khi thay thế vai trò của cha, Jay Y. Lee đã trao quyền điều hành hoạt động hàng ngày cho các lãnh đạo cấp dưới trên toàn bộ hệ thống 60 công ty lớn nhỏ của tập đoàn. Thay vào đó, anh tập trung vào các thương vụ sáp nhập, IPO cho các công ty con và bán những mảng kinh doanh không hiệu quả như trong lĩnh vực lĩnh vực hoá chất và quân sự.

Cuộc cải tổ hệ thống lãnh đạo trong năm nay của Samsung (thường là những lãnh đạo yếu kém sẽ được điều chuyển sang vị trí khác hoặc sa thải) là cơ hội để Lee Jae Yong có cơ hội tái thiết lại đường hướng của tập đoàn. Đưa những người thân cận của mình vào các vị trí chủ chốt thay vì lớp lãnh đạo do chủ tịch Lee bổ nhiệm trước đó.

Rất có thể, cuộc cải tổ này sẽ được thực hiện bằng cách đưa những người có nhiều kỹ năng trong lĩnh vực phần mềm lên nắm quyền nhằm giúp điện thoại của Samsung vượt trội hơn hàng trăm đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có thể tìm kiếm những lãnh đạo trẻ tuổi hơn.

“Cho tới tận bây giờ, Samsung vẫn phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng mà không phải phần mềm. Tình huống này rõ ràng không hứa hẹn một tương lai sáng lạng cho điện thoại thông minh”, theo Jun Je Wan - nhà sáng lập ứng dụng chia sẻ video AireLive nói.

“Mảng kinh doanh di động của Samsung cần một làn gió mới với những cải tiến đáng kể hơn về phần mềm. Ngoài ra, thay thế và chuyển đổi sang một thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi hơn là yêu cầu cấp thiết hiện nay”.

Trong khi vào năm ngoái, cách xử lý thận trọng của vị thái tử trẻ tuổi đã khiến công ty không bị xáo trộn nhiều trước cơn đột quỵ bất ngờ của chủ tịch 73 tuổi Lee Kun-hee. Thì đến nay có lẽ Samsung cần phải đưa ra những cải tổ sâu sắc và quyết liệt hơn, nhất là với mảng kinh doanh điện tử.

Đồng CEO và phụ trách mảng di động của tập đoàn là ông J.K. Shin đã đưa Samsung lên vị trí số 1 trên thị trường điện thoại thông minh và hiện tại cũng chính ông là người đang dẫn dẵn con tàu chìm Samsung.

Khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo mảng di động vào năm 2011, Samsung đã bán được 94,2 triệu chiếc điện thoại trong năm. Sau đó 1 năm, con số này đã tăng lên tới 318,2 triệu chiếc.

Doanh thu đối với mảng viễn thông đã tăng gấp đôi lên 111,8 nghìn tỷ won vào năm ngoái từ mức 55,5 nghìn tỷ won vào năm 2011. Trong khi lợi nhuận tăng gấp 3, đạt mức kỷ lục 25 nghìn tỷ won vào năm 2013.

Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà sản xuất điện thoại thông minh này đang được dự báo sẽ giảm 8,2% trong năm nay, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Và công ty này cũng đã mất vị trí dẫn đầu tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới.

Điện tử không phải mảng duy nhất khiến Lee Jae Yong đau đầu

“Tôi không nghĩ ông Shin sẽ tiếp tục giữ được chiếc ghế CEO, đặc biệt là trong mảng di động. Ông ấy hiện chịu trách nhiệm toàn bộ cho việc lợi nhuận sụt giảm của toàn tập đoàn”, theo Claire Kim - chuyên gia phân tích tại Daishin Securities. “Nếu Samsung thất bại trong cuộc cải tổ hoạt động mảng di động trong năm nay, họ sẽ càng khó khăn hơn nếu muốn đưa ra bất kỳ thay đổi nào vào năm sau”.

Mặc dù lợi nhuận mảng kinh doanh điện tử giảm nhưng vẫn thực tế vẫn có lãi. Đáng lo ngại hơn là hai mảng kinh doanh quan trọng khác gồm Samsung Heavy Industries đã thua lỗ 2 quý liên tiếp khi nhiều khách hàng huỷ đơn hàng.

Trong khi đó, Samsung C&T (mảng xây dựng và thương mại) mới sáp nhập với Cheil Industries vào tháng 9 cũng tuyên bố thua lỗ trong quý thứ 2 vì một số dự án nước ngoài bị trì hoãn. Samsung Engineering cũng đã công bố khoảng thua lỗ kỷ lục trong quý 3 bởi một số công trình xây dựng bị trì hoãng tại Trung Đông.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM