Cách lựa chọn ngành học tiết lộ gì về tính cách của bạn ?

05/02/2016 14:10 PM | Kinh doanh

Những người thích làm các công việc mang tính nghệ thuật thường có xu hướng cởi mở và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới, còn những người thích giao thiệp và bạo dạn thường ghi điểm cao ở nhóm tính cách ‘hướng ngoại’.

Nhiều người cho rằng chuyên ngành mà bạn chọn ở đại học không quan trọng lắm. Tuy nhiên, điều này sẽ thực sự quan trọng nếu bạn muốn tính cách của mình hợp với chuyên ngành mà mình lựa chọn, để sau này bạn không phải đau khổ khi làm việc trong lĩnh vực mình không thích hoặc không phải hối hận vì đã chọn sai con đường.

Theo một báo cáo phân tích tổng hợp mới, có sự khác biệt đáng kể về tính cách của các sinh viên ở các chuyên ngành khác nhau.

Để thực hiện báo cáo này, Anna Vedel, nhà tâm lý học từ đại học Aarhus (Đan Mạch) đã phân tích 12 nghiên cứu kiểm nghiệm sự liên quan giữa các nét tính cách với chuyên ngành ở đại học. 11 nghiên cứu trong số đó tìm thấy những sự khác biệt giữa các chuyên ngành.

Báo cáo của Vedel kiểm chứng 5 nét tính cách chủ yếu: Tâm lý bất ổn, hướng ngoại, sẵn sàng trải nghiệm, dễ chịu và tận tâm.

Vedel nhận thấy những người học ngành nghệ thuật và khoa học xã hội thường tỏ ra lo lắng, và không có đầu óc tổ chức. Họ cũng ít tận tâm hơn so với sinh viên ở các ngành như khoa học tự nhiên, luật hoặc kỹ thuật và thường có điểm cao ở nhóm ‘tâm lý bất ổn’.

Về mặt tích cực, những sinh viên học nghệ thuật, khoa học xã hội cùng với ngành khoa học chính trị thường có điểm cao hơn ở nhóm tính cách ‘sẵn sàng trải nghiệm’ so với sinh viên kinh tế, kỹ thuật, luật hoặc khoa học tự nhiên. Sẵn sàng trải nghiệm có đặc trưng là trí tưởng tượng phong phú, yêu thích sự đa dạng và quan tâm đến nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau.

Sinh viên thuộc ngành kinh tế và quản trị có điểm ‘bất ổn tâm lý’ thấp hơn rõ rệt so với các nhóm khác. Cùng với sinh viên luật, họ cũng ít ‘dễ chịu’ hơn so với sinh viên ở các chuyên ngành khác. Những người học kinh tế, luật, khoa học chính trị và y khoa thường hướng ngoại nhiều hơn so với các sinh viên học nghệ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Kết quả này cũng được lý giải một phần bởi sự phân bổ giới tính giữa các chuyên ngành. Chẳng hạn, ai cũng biết là phụ nữ sẽ ít chọn các lĩnh vực kỹ thuật so với nam giới, và họ có xu hướng dễ chịu hơn, tận tâm hơn nhưng lại có tâm lý bất ổn hơn nam giới.

Các kết luận này không khác biệt lắm so với một báo cáo phân tích tổng hợp năm 2002, trong đó nêu rõ những người thích làm các công việc mang tính nghệ thuật thường có xu hướng cởi mở và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới, còn những người thích giao thiệp và bạo dạn thường ghi điểm cao ở nhóm tính cách ‘hướng ngoại’.

Theo Vedel, các chương trình học thuật ở đại học không làm cho sinh viên thể hiện hoặc phát triển các nét tính cách đặc trưng. 2 trong số các nghiên cứu đã tiến hành phân tích tính cách của sinh viên ngay sau khi họ nhập học, và kết quả cho thấy các nét tính cách cố hữu của mỗi người đã được hình thành từ trước đó.

Vedel hy vọng rằng kết quả của báo cáo này có thể giúp những người làm công tác tư vấn hướng nghiệp ở đại học đưa ra được những chỉ dẫn hữu ích nhất đối với các sinh viên (khi lựa chọn chuyên ngành) dựa vào tính cách của họ. Ít nhất, nó cũng giúp một số người thuộc khoa ngôn ngữ hiểu được tại sao họ không bao giờ nhớ làm bài tập về nhà môn toán, mặc dù lúc nào cũng lo lắng về điều đó.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM