Các doanh nghiệp Quân đội đang tham gia vào những ngành nào

26/01/2013 15:56 PM | Kinh doanh

Từ lâu chúng ta đã biết không ít các doanh nghiệp Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng hoạt động ở một số lĩnh vực có tính đại chúng cao như viễn thông, ngân hàng. Trên thực tế, số lượng các doanh nghiệp quân đội hoạt động rất lớn với ngành nghề vô cùng đa dạng.

Các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xăng dầu, xây dựng, bảo hiểm, viễn thông, cao su, dệt may, xuất nhập khẩu, khai thác cảng biển,…

Các DN quân đội xuất hiện ở rất nhiều ngành nghề khác nhau

Một điểm thú vị là các DN quân đội không chỉ đông đảo, hoạt động đa ngành nghề mà còn làm ăn rất tốt.

Theo đánh giá của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), dù năm 2012, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến sức phát triển chung của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp quân đội vẫn phát triển vượt kế hoạch. 

Tính đến hết 20/12/2012, các doanh nghiệp quân đội có 100% vốn Nhà nước vẫn đạt doanh thu hơn 228.500 tỷ đồng, tương đương 112% kế hoạch, nộp ngân sách đạt 15.500 tỷ đồng, tương đương 110% kế hoạch.

Ấn tượng nhất là trpng lĩnh vực viễn thông, tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã vượt qua đối thủ mạnh nhất là VNPT để đạt doanh thu hơn 140.058 tỉ đồng, tăng 18,5% so với 2011 vượt qua mức doanh thu 130.300 tỉ đồng của VNPT.

Không chỉ vượt qua về doanh thu, Viettel còn đang làm ăn rất có lãi khi  lợi nhuận tăng gần 40% đạt 27.000 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này gấp 3 lần mức 8.500 tỉ của VNPT.

Không chỉ có Viettel là DN đi đầu trong lĩnh vực của mình, khá nhiều các DN quân đội khác cũng thuộc top đầu lĩnh vực mình tham gia.

Trong lĩnh vực khai thác than - khoáng sản, Tổng Công ty Đông Bắc có 17 doanh nghiệp thành viên, và 2 chi nhánh lớn ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là Tổng Công ty có Sản lượng than lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp  Than – Khoáng sản Việt Nam.

Trong lĩnh vực khai thác cảng biển, Tân Cảng Sài Gòn (SNP) là doanh nghiệp đi đầu với thị phần container xuất nhập khẩu của công ty chiếm trên 85% khu vực phía Nam và trên 46% thị phần của cả nước, xếp trong top 34 Cảng container lớn nhất thế giới.

Trong lĩnh vực sản xuất cao su, DN quân đội cũng có Tổng công ty 15. Kết thúc năm tài chính 2011, doanh thu của Tổng công ty đạt trên: 3.200 tỷ đồng tăng 25%/năm 2010, lợi nhuận đạt gần 1.100 tỷ tăng 15%/năm 2010.

Ngoài ra, còn nhiều các doanh nghiệp quân đội khác cũng báo cáo làm ăn tốt trong năm 2012 như Công ty TNHH MTV 29 (Tổng công ty 319) thông báo “cán đích” với kết quả đạt 201% kế hoạch đề ra; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đạt 1.650 tỷ đồng giá trị sản xuất, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2011; doanh thu đạt 1.401 tỷ đồng  tăng 71,7%. Hệ số nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu chưa đến 0,27%.; 

Nhóm các doanh nghiệp cổ phần do Bộ Quốc phòng cử người đại diện quản lý phần vốn góp vẫn tăng trưởng cao, nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Trong lĩnh vực Ngân hàng, các doanh nghiệp quân đội có Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB). Đây là một trong những nhà băng hoạt động hiệu quả và có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành năm 2012. Hết quý III, lợi nhuận sau thuế của MBB đạt 2.023 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường bảo hiểm Việt Nam với tổng doanh thu đạt hơn 600 tỷ đồng.

Về mức lương, các DN quân đội cũng công bố mức lương khá khủng như Viettel 18 triệu đồng/tháng, Tân Cảng Sài Gòn 17 triệu đồng/tháng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội 15 triệu đồng/tháng, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô 5,5 triệu đồng/tháng,...


TL




dungtq

Cùng chuyên mục
XEM