Các "đại gia" kêu khổ vì môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh

18/08/2015 16:50 PM | Kinh doanh

Tại diễn đàn kinh doanh “Vượt lên dẫn đầu – Taking the lead”, nhiều doanh nhân như bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP, “vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Công ty xây dựng Coteccons đưa ra ý kiến rằng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn thiếu cạnh tranh và chưa hội nhập.

Bà Thái Hương cho biết, việc bà tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp là do bà xuất thân từ gia đình nông dân nên luôn trăn trở về nông nghiệp, nông thôn. Cuộc khủng hoảng melamine trong sữa bột ở Trung Quốc năm 2005 là động lực thôi thúc bà xây dựng nên TH True Milk.

Theo bà Thái Hương, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phải có sự kiên trì và hướng đến cộng đồng mới có thể phát triển lâu dài.

“Hiện nay đang có sự nhập nhằng trong ngành sữa do các tiêu chí quy định thế nào là sữa tươi chưa rõ ràng, chỉ có Việt Nam mới có khái niệm sữa hoàn nguyên còn thế giới phân biệt rõ ra hai loại là sữa bột và sữa tươi. Điều này khiến người tiêu dùng và các công ty sản xuất sữa tươi nguyên chất bị thiệt hại”, bà Thái Hương kiến nghị.

"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty IPP Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ so với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng đang bị buộc phải tham gia vào sân chơi với các tập đoàn đa quốc gia có nguồn vốn hàng trăm, hàng nghìn tỉ đô la. Các tập đoàn nước ngoài có tiền mặt và sẵn sàng thâu tóm bất cứ công ty Việt Nam nào. Ngay như công ty tôi, nhiều nhà đầu tư Thái Lan, Mỹ, Nhật… cũng đang có ý định dòm ngó. Nếu đuối sức cạnh tranh, chúng tôi buộc phải hiến thân”.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đừng nghĩ số lượng người giàu ở Việt Nam ít nên tiêu thụ hàng hiệu sẽ khó khăn. Khoảng 10% giới nhà giàu Việt Nam trong năm qua không hề bị ảnh hưởng nhiều vì khủng hoảng kinh tế, bằng chứng là sức mua tăng hơn so với mọi năm. Vấn đề là doanh nghiệp phải hiểu rõ khách hàng.

“Trước đây, chúng tôi mở các cửa hàng và cứ nghĩ khách đi bộ sẽ vào mua. Nhưng không phải vậy, tín đồ hàng hiệu mua hàng vì họ… mê. Thế nên chúng tôi mở ngay những quầy hàng trong những khách sạn, sau đó mời khách hàng đến tham quan. Chi phí thuê mặt bằng cao nhưng lượng khách tăng gấp nhiều lần” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Góp ý về việc cải thiện môi trường kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng Nhà nước nên thay đổi chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và dự án tốt. Đơn cử như IPP đang có tham vọng thực hiện dự án 2 tỉ USD đầu tư vào các chuỗi cửa hàng miễn thuế ở sân bay Long Thành nhưng với vốn điều lệ 200 triệu USD, công ty chỉ có thể vay tối đa 800 triệu USD. Nếu hợp tác với đối tác ngoại thì khả năng bị thâu tóm rất cao vì họ có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm hàng trăm năm trên thị trường.

Là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn và được mệnh danh là “vua tôm”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện khó khăn lớn nhất của ngành tôm là giá thành sản xuất cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu, nhân công và tỉ giá tiền đồng so với USD vẫn còn cao so với các đồng tiền khác (Ví dụ từ đầu năm đến nay Indonesia đã phá giá đồng rupiah khoảng 28% so với USD khiến giá tôm xuất khẩu của nước này rất thấp).

Theo ông Lê Văn Quang, môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu cạnh tranh so với các nước trong khu vực dẫn đến việc các doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí, thời gian, công sức. Đồng thời các quy định pháp luật cũng còn nhiều bất cập đơn cử là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về lao động, nhà xưởng… của Việt Nam. Ngay cả Minh Phú cũng bị các nhà bán lẻ như Wall Mart đánh “rớt” khi họ căn cứ vào tiêu chuẩn này để kiểm tra.

“Đứng trước những khó khăn này, từ nhiều năm nay Tập đoàn Minh Phú luôn đề ra chiến lược cạnh tranh kiểu đón đầu. Chẳng hạn, năm nay công ty đã nghiên cứu trong 2-3 năm tới phải làm sản phẩm gì để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm không chỉ phải mới, chất lượng, mà luôn làm sao để chi phí giá thành xuống mức thấp nhất có thể để qua đó có khả năng cạnh tranh. Mới đây Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ngành tôm sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DN có thị trường riêng, làm sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng thì không có gì phải lo” - ông Quang nói.

Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Coteccons, cho hay ông không lo sợ trước sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp xây dựng nước ngoài. Bởi hiện tại công ty ông làm không hết việc vì khách hàng luôn tìm đến. Để làm được điều này, yếu tố hàng đầu vẫn là chất lượng công trình, sau đó là tối ưu hóa năng suất lao động. Ví như, một công trường trước đây có ba công nhân nhưng bây giờ chỉ cần một làm vẫn hiệu quả. Mặt khác ông Dương cho biết Coteccons luôn cập nhật công nghệ xây dựng mới nhất của thế giới, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tốt, chọn nhà đầu tư uy tín.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM