Bi kịch của khách sạn nổi một thời vang danh đất Sài Gòn

25/09/2014 03:32 AM | Kinh doanh

Biểu tượng đêm Sài Gòn hoa lệ những năm 90, khách sạn nổi Sài Gòn đã có hành trình dài 13.000 cây số tới khu du lịch KumGang của Bắc Triều Tiên, để rồi nằm đó trong tĩnh lặng như muốn quên đi quá khứ huy hoàng của mình.

Mới đây, hãng tin NKNews - website chuyên tin tức về Triều Tiên có trụ sở tại Washington đã công bố những hình ảnh về khách sạn nổi Sài Gòn: tụ điểm ăn chơi ở Sài Thành một thời nay đã lưu lạc tới tận Triều Tiền.

Là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89m, có kiến trúc sang trọng được đóng tại Singapore. Khách sạn nổi Sài Gòn có đầy đủ những yếu tố trở thành một công trình nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, vận xui đã đưa khách sạn này vào một cuộc;hành trình dài 13.000 cây số tới khu du lịch KumGang của Bắc Triều Tiên, để rồi nằm đó trong tĩnh lặng như muốn quên đi quá khứ huy hoàng của mình.

Ban đầu, khách sạn nổi Sài Gòn có tên  The John Brewer Reef Floating Hotel có đầy đủ tiện nghi với 201 phòng tiêu chuẩn 5 sao, quán bar, phòng tập gym, sân tennis nổi và bể bơi được neo trên rặng san hô "Great Barrier" thuộc Australia. 

Để được phép neo tại đây, khách sạn phải được sơn bằng loại sơn không độc hại và không thải chất thải theo cách các loại tàu biển khác vẫn làm. Mặc dù được xây dựng rất kỳ công, khách sạn nổi này đã "gặp hạn" ngay từ những ngày đầu. Vừa mới mở cửa, khách sạn đã bị tấn công và hư hại bởi lốc xoáy, rồi tiếp sau đó, chiếc tàu chở 400 khách du lịch tới khách sạn lại bốc cháy.

Sự xui xẻo đó cùng với với việc chẳng mấy khách du lịch quan tâm đến rặng san hồ này khiến công ty sở hữu khách sạn quyết định bán lại nó cho tập đoàn EIE của Nhật Bản.

Năm 1989, Tập đoàn EIE Development Company đưa khách sạn nổi về TP HCM hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels. Khách sạn được phép neo ngay trên mặt sông Sài Gòn, ở trung tâm quận I và nằm ngay bên đường Tôn Đức Thắng.

Khách sạn nổi Sài Gòn (phía trên tay phải)

Khách sạn nổi Sài Gòn (phía trên tay phải)

Khách sạn nổi Sài Gòn nhanh chóng trở thành một công trình mang tính biểu tượng của kinh doanh du lịch thành phố, nơi vui chơi thuộc hàng xa xỉ của người dân TP HCM những năm đầu thập kỷ 90. Khách sạn này nổi tiếng với 2 quán bar là Downunder Disco và Q Bar.

Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố được nâng cấp hoặc xây mới như Continental, Majestic, Rex, New World… tham gia cuộc đua cạnh tranh. Không còn mang lại lợi nhuận, khách sạn nổi Sài Gòn trở nên vắng lặng bên bờ sông Mê Kông.

2 năm sau, vào năm 1998, tập đoàn Hyundai Asan của Hàn Quốc đã quyết định mua lại khách sạn nổi này với giá 12,7 tỉ won (khoảng 18 triệu USD hiện nay), và mang nó về Singapore sửa chữa.

Sau khi công tác sửa chữa hoàn thành, khách sạn nổi Sài Gòn được đổi tên thành khách sạn "Haekumgang" và di chuyển 5.000 cây số tới cảng Changjon ở Bắc Triều Tiên. Khách sạn này mở cửa lại vào năm 2000, cùng lúc dự án Du lịch Kumgang được triển khai.

Trên thực tế, việc chọn một khách sạn nổi nằm trong tính toán của Hyundai. Một khách sạn "có thể di chuyển" sẽ giảm thiểu rủi ro kinh doanh hơn so với khách sạn được xây dựng trên đất Triều Tiên. 

Tuy nhiên, vận xui tiếp tục đeo bám khách sạn nổi. Sự cố xảy ra vào năm 2008 khi một nữ du khách Hàn Quốc bị lính biên phòng Triều Tiên bắn chết gần khu du lịch Kumgang, khiến quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng, khu du lịch với khách sạn nổi nhanh chóng bị đóng cửa.

Ngày nay, sau 6 năm kể từ vụ việc, khách sạn nổi vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng trống rỗng, không hoạt động. Những cuộc viếng thăm của đại diện Huyndai gần đây chỉ để kiểm tra tình hình khác sạn. Phía Huyndai cho biết, lớp sơn bên ngoài đã bị bong tróc nhiều chỗ, nhưng bên trong vẫn còn khác nguyên vẹn.

Ảnh chụp bằng Google của khách sạn nổi tại Triều Tiên

Ảnh chụp bằng Google của khách sạn nổi tại Triều Tiên

Người phát ngôn của Hyundai Asan cho biết, dù khách sạn có thể di chuyển, công ty không có kế hoạch kéo khách sạn di động này đi nơi khác mà đang chờ cơ hội nối lại hoạt động du lịch đến Kumgang để tu bổ khách sạn và mở cửa trở lại.

>> 17 công trình kiến trúc siêu thực ấn tượng nhất thế giới

Nguyễn Quang

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM