Anh em lục đục, gia đình có nguy cơ mất quyền kiểm soát Lotte, liệu có đáng?

06/08/2015 14:18 PM | Kinh doanh

Chính phủ và Đảng cầm quyền tại Hàn Quốc đang có kế hoạch thanh tra cấu trúc sở hữu chồng chéo của Lotte Group.

Nội dung nổi bật:

- Lotte Group đang trải qua biến cố lớn khi cuộc nội chiến tranh giành quyền lực kiểm soát tập đoàn đang ở mức cao trào.

- Tuy nhiên, trước những rủi ro mà tập đoàn này phải đổi mặt mà lớn nhất là nguy cơ mất quyền kiểm soát thì nhiều người đặt câu hỏi liệu những tranh chấp này có đáng không?


Chính phủ và Đảng cầm quyền tại Hàn Quốc đang có kế hoạch thanh tra cấu trúc sở hữu chồng chéo của Lotte Group. Đây vốn là mô hình giúp gia đình nhà sáng lập kiểm soát hầu như tất cả các chi nhánh của tập đoàn với chỉ một lượng rất nhỏ cổ phần.

Cụ thể, họ sẽ cân nhắc tái xây dựng những điều luật cạnh tranh để nâng cao cấu trúc kiểm soát trong những tập đoàn gia đình trị hay còn gọi là chaebol. Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình này đã quá lỗi thời và không còn phù hợp.

Động thái này phản ánh lo ngại rằng cấu trúc sở hữu là nguyên nhân sâu xa gây ra những mối thù hận gia đình trong các chaebol nổi tiếng mà gần đây nhất là Lotte Group. Cuối cùng, nó sẽ thổi bùng những “Korea Discount” – cụm từ mà nhiều nhà đầu tư sử dụng để chỉ những cổ phiếu giá trị thấp của các công ty Hàn Quốc và gây rủi ro cho nền kinh tế.

Các quan chức chính phủ và nhà lập pháp từ đảng cầm quyền Saenuri đã tổ chức gặp mặt vào ngày hôm qua để thảo luận về vấn đề này. Hội nghị sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (FTC) Jeong Jae-chan. Các chủ đề liên quan sẽ bao gồm cấu trúc cổ đông phức tạp của Lotte và việc có nên thiết lập lại các điều luật thương mại để ngăn chặn điều này hay không.

Trước đó, điều luật được ban hành năm 2013 nghiêm cấm việc sở hữu vòng tròn (Circular Shareholding) tại các tập đoàn và nhắm đến việc cải thiện quyền kiểm soát. Tuy nhiên, sự sắp xếp cổ phần chồng chéo như hiện tại ở Lotte Group dường như không tuân thủ theo điều luật này.

Con cháu của các chaebol lớn thường sử dụng cách này để dành quyền kiểm soát tập đoàn với lượng cổ phần rất nhỏ. Trong trường hợp của Lotte, nhà sáng lập Shin Kyuk-ho và gia đình ông kiểm soát toàn bộ các chi nhánh với chỉ 2,4% cổ phần.

“Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ tìm ra biện pháp để tháo gỡ cấu trúc cổ phần chồng chéo, phức tạp như hiện tại”, nhà hoạch định chính sách thuộc đảng cầm quyền Kim Jung-hoon nói. “Sau khi thanh kiểm tra quyền kiểm soát tại các chaebol thì đảng cầm quyền sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề này”.

Một nhà hoạch định chính sách khác là Shim Jae-chul nói rằng: “Dù gia đình nhà sáng lập Shin nắm quyền kiểm soát tập đoàn dựa trên những khoản đầu tư vòng tròn thì cũng nên làm rõ chuẩn mực cho cấu trúc sở hữu chéo”.

Trong buổi họp, họ có thể sẽ thảo luận sự cần thiết của việc cho ra mắt công cụ ngăn chặn các thành viên gia đình sở hữu tập đoàn nắm quyền cai trị đế chế kinh doanh của họ với lượng quá ít cổ phần.

FTC cũng cho biết, họ đang kiểm tra quyền sở hữu của Lotte tại các chi nhánh nước ngoài sau khi phát hiện ra rằng nhà sáng lập tập đoàn này thông qua các chi nhánh nước ngoài để nâng cao mức độ kiểm soát tại những công ty địa phương.

NTS – đơn vị kiểm toán Daehong Communications – một mảng kinh doanh có liên hệ với tập đoàn Lotte đang cân nhắc mở rộng điều tra tới các chi nhánh khác.

Trong khi nội chiến gia tộc Lotte đang lên đến mức cao trào, các nhà quan sát nói rằng nhiều chaebol khác cũng có thể đối mặt với áp lực tái cấu trúc. “Xung đột, tranh chấp trong gia tộc Lotte sẽ khởi đầu cho cuộc tái cấu trúc các chaebol lớn”, một giáo sư tại Đại học Yonsei nói.

“Điều quan trọng nhất là không thể tiếp tục hệ thống quản lý lỗi thời với quá nhiều phe cánh trong một công ty bao gồm cả cổ đông và nhà đầu tư nước ngoài. Những biện pháp cải tổ cứng rắn nên được thực hiện để chấm dứt cấu trúc sở hữu như vậy”, ông nói.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM